Stress vì chồng quá sạch sẽ

Biết là đàn ông sạch sẽ là tốt nhưng Ánh không thể chịu được sự sạch sẽ gần như là vô trùng của anh ngay trong chính ngôi nhà của mình. Ánh kể, với chồng chị mọi thứ phải sạch sẽ, ngăn nắp, gọn gàng. Anh sẽ cằn nhằn cả buổi nếu như mọi người trong nhà để sai vị trí. Đôi khi đặt con dao không thẳng hàng hay treo chiếc tạp dề sai vị trí cũng khiến anh nói nhiều.

Cũng chỉ vì vậy mà vợ chồng nảy sinh mâu thuẫn. Mỗi lần cãi nhau đó, Ánh phải chịu thua trước chồng vì anh có thể bình tĩnh ngồi cả tiếng đồng hồ để giải thích, nói về việc vợ sai ở đâu và cần rút kinh nghiệm. Liên tục như vậy khiến cho Ánh thật sự mệt mỏi.

Mới đây, vợ chồng Ánh sinh con đầu lòng. Cũng vì việc chồng sạch sẽ thái quá mà khiến cô cảm thấy phát điên. Trẻ sơ sinh thường ăn ngủ, đi vệ sinh chưa theo thời gian biểu nhưng chồng Ánh luôn chê cô không có phương pháp khoa học rèn con. Nhìn những “sản phẩm” của con mà anh thấy ghê nên gần như anh chưa bao giờ hỗ trợ vợ khi con đi vệ sinh, thay tã.

Chồng kỹ tính, vợ cảm thấy căng thẳng. (Ảnh minh họa).

Thậm chí, anh còn thấy sợ khi nhìn thấy khăn sữa mà vợ thay ra. Ánh kể, có lần nhờ chồng mang bỏ vào chậu trong phòng vệ sinh mà anh dùng hai ngón tay cắp nó lên như thể đó là cái gì đấy rất bẩn. Nếu có phàn nàn anh lại bảo lần sau đừng nhờ vả nữa. Hơn nữa những ngày đầu mẹ cô thường hay mang cơm lên tận giường vì vết mổ vẫn còn đau, chồng Ánh nhìn thấy lại gào ầm lên chuyện vợ ăn ngay tại giường.

“Anh cứ đi làm về là lại hùng hục dọn dẹp rồi nói bóng gió… Biết tính chồng mình cũng nín nhịn để không xảy ra mâu thuẫn. Nhưng đến hôm qua, không thể nhịn nữa. Chẳng là lúc đang đi vệ sinh thấy con khóc, mình vội chạy ra bế con nên quên chưa giật nước bồn cầu. Anh về nhà đi tắm thì đã gào lên một cách thảm thiết.

Anh chạy xộc từ trong nhà vệ sinh ra kéo mình vào nhìn tận mắt rồi bắt xả nước. Anh nói mình vô ý thức và mất vệ sinh khi biết là mình chưa rửa tay đã chạy ra bế con. Anh nói tôi cẩu thả, bẩn thỉu, vậy mà cũng sống được. Thực sự thấy anh sạch sẽ cũng tốt nhưng sạch tới mức này, tôi stress nặng mất”, Ánh kể.

Làm sao để dung hoà?

Theo chuyên gia tâm lý Hồng Hương, không ít khách của bà than phiền mệt mỏi, bức bối, thậm chí là thấy sợ không khí gia đình vì một nửa kia của mình quá sạch sẽ. Không ai phủ nhận việc sạch sẽ là mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. GS NiCole R. Keith của Đại học Indiana (Mỹ) đã có nghiên cứu chỉ ra rằng, những người có nhà sạch, khỏe mạnh hơn so với người có nhà bừa bộn. Thế nhưng, lối sống quá sạch sẽ cũng làm thay đổi vi khuẩn bên trong cơ thể, hệ miễn dịch hoạt động không đúng cách.

Không chỉ về sức khỏe thể chất, việc một người sạch sẽ quá mức sẽ tạo áp lực tâm lý với các thành viên khác ở trong gia đình. Nếu nửa kia vô tư thì sẽ không bị ảnh hưởng nhiều, còn đa phần đều thấy mệt mỏi, căng thẳng và ức chế vì tâm lý của những người sạch sẽ thái quá. Những thứ này tưởng là nhỏ nhưng lâu dài lại có thể dẫn tới các cuộc cãi vã, hôn nhân rạn nứt.

Theo chuyên gia tâm lý, những người mắc bệnh quá sạch sẽ bản thân họ cũng khổ vì thường phải vùi đầu vào dọn dẹp khi không chịu được bẩn. Bởi vậy mà họ không có thời gian cho riêng mình. Chuyên gia tâm lý Hồng Hương cũng đã từng tư vấn cho một trường hợp tuy là ở nhà nội trợ nhưng ngày nào cũng đến 11h khuya mới ngừng việc dọn dẹp.

Sạch sẽ quá mức khiến những người khác trong gia đình căng thẳng và ức chế thì nên cân đối lại. Nếu chồng hoặc vợ quá sạch sẽ, thay vì luôn tay dọn dẹp hãy đặt khung giờ cố định cho việc này và chỉ dành thời gian cho những thứ thực sự cần điều chỉnh. Người còn lại cũng cần phải thay đổi. Sống với một người quá sạch sẽ mình cũng không được quá xuề xòa. Nếu không gọn gàng, ngăn nắp được như người đó thì cũng đừng quá luộm thuộm. Việc cân bằng giữa đôi bên sẽ giúp cho vợ chồng hiểu nhau, tránh được mâu thuẫn.

Theo Gia đình & Xã hội