Thực ra, chuyện này không phải tôi không biết. Cô ấy không được lòng mẹ tôi ngay từ đầu vì vốn dĩ mẹ tôi ưng cô người yêu cũ của tôi hơn.
Người yêu cũ của tôi nói năng nhẹ nhàng khéo léo bao nhiêu thì vợ tôi thô vụng bấy nhiêu, người yêu cũ của tôi tinh tế ý nhị bao nhiêu thì vợ tôi lại thật thà bỗ bã bấy nhiêu. Tôi chia tay người cũ vì cô ấy có vẻ có chút xao lòng trước một người đàn ông giàu có khiến tôi tự ái.
Mẹ tôi đã giận tôi không quyết liệt kiên trì gìn giữ và bảo vệ tình yêu của mình. Mẹ tôi luôn nói cô ấy làm dâu sẽ rất vừa lòng mẹ.
Tôi yêu và lấy vợ tôi bây giờ trong thời gian ngắn. Lúc đầu là tôi quý cái tính thẳng thắn thật thà của cô ấy, không ngờ khi sống chung với mẹ chồng, ưu điểm ấy đôi khi lại biến thành nhược điểm.
Mẹ tôi hay phàn nàn về con dâu, thỉnh thoảng lại so sánh với người yêu cũ của tôi, cho rằng vợ tôi với người cũ một bốn một mười. Mẹ chồng nàng dâu không thuận hòa khiến tôi cũng không được vui vẻ.
Mặc dù vậy tôi chưa từng nghĩ sẽ ra sống riêng. Bố tôi mất rồi, anh trai lập nghiệp rồi lấy vợ ở xa, chị gái cũng đã lấy chồng, nếu tôi không ở chung với mẹ lẽ nào để mẹ tuổi già một mình thui thủi.
Tôi cũng đã nói quan điểm rõ ràng với vợ nhưng hình như cô ấy nghĩ có thể sẽ làm lung lay được suy nghĩ của tôi.
Như tối hôm qua, cô ấy một hai rằng nếu không muốn quan hệ mẹ chồng nàng dâu ngày một xấu đi thì chúng tôi nên ra ngoài, thuê trọ gần nhà.
Rằng ở gần, chúng tôi vẫn có thể qua lại với bà được, lúc bà ốm đau cũng có thể qua lại hoặc về ở cùng bà để chăm. Khi biết tôi không có ý định chuyển ra ngoài, cô ấy liền tỏ ra gay gắt:
– Thực ra anh không thương em một chút nào phải không? Anh không thấy em sống với mẹ không có chút thoải mái vui vẻ nào à?
– Anh nói rồi, tính mẹ anh không khó, em chỉ cần biết lựa lời cho vừa ý bà.
– Mẹ anh không khó thì ai khó, em đã cố gắng lắm rồi, chẳng ai chiều nổi mẹ anh cả.
– Là do em kém thôi, chứ như người yêu cũ của anh, bọn anh chia tay mấy năm rồi mà mẹ vẫn còn tiếc. Em cứ nhẹ nhàng khéo léo như cô ấy xem mẹ có ghét nổi em không?
Khi tôi nói ra câu ấy, vợ tôi chằm chằm nhìn tôi rồi bỏ đi. Tôi nghĩ cô ấy biết mình nên làm gì rồi. Sống với mẹ chồng mà luôn có thành kiến, luôn muốn rời đi thì tâm trí đâu mà xây đắp vun vén gia đình nữa.
Thế nhưng cô ấy rời đi một lúc liền quay lại, thái độ có vẻ vô cùng nghiêm túc: “Tôi nghĩ chúng ta nên ly hôn đi. Anh đi tìm cô người yêu cũ của anh về mà chiều chuộng hầu hạ mẹ anh, hoặc kiếm một cô giống người yêu cũ của anh về mà lấy lòng bà. Tôi thừa nhận tôi không thể làm một nàng dâu hiền thảo vẹn toàn được”.
Đó là điều vô lý nhất tôi từng nghe từ vợ tôi. Cô ấy vẫn luôn như thế, chuyện gì cũng nông nổi bốc đồng, xây thì khó chứ đạp đổ thì mấy hồi. Kể cả chuyện ly hôn mà cô ấy nói không cần suy nghĩ như vậy, trách gì mẹ tôi luôn chê bai cô ấy.
Thế nhưng có vẻ như cô ấy không đùa, bằng chứng là sau đó cô ấy còn chìa ra tờ đơn ly hôn yêu cầu tôi ký.
Cô ấy nói: “Mẹ anh không thương tôi, tôi có thể chịu đựng được, anh không muốn ra riêng, tôi cũng có thể chiều theo ý anh được. Nhưng việc anh chê tôi kém cỏi không bằng người yêu cũ của anh với giọng điệu luyến tiếc thì tôi không chấp nhận được. Rõ ràng anh không hề có chút tôn trọng nào dành cho tôi”.
Ô hay, có phải vợ tôi đang kiếm cớ làm trầm trọng vấn đề lên. Cô ấy phải đặt câu nói của tôi vào hoàn cảnh câu chuyện lúc ấy chứ không thể tách rời ra phân tích rồi trách móc tôi được. Dù là người cũ hay người mới, nếu người ta có tính hay tính tốt mình vẫn nên học hỏi, liên quan gì đến việc tôn trọng hay không tôn trọng?
Chỉ vì một câu chồng nói lúc tranh cãi mà vợ tôi đòi ly hôn có phải quá vô lý hay không?
Theo Dân trí