Vợ chồng tôi kết hôn được 5 năm, con gái lớn 3 tuổi. Chồng tôi trước kia học hành rất giỏi giang, có năng khiếu về tin học nhưng sau khi tốt nghiệp đại học lại không thể ổn định công việc.
Hiện tại, anh sửa chữa máy tính thuê cho cửa hàng một người bạn, thu nhập mỗi tháng khoảng 10 triệu đồng. Còn tôi làm kế toán cho một công ty inox, lương cũng tương tự. Nếu chúng tôi làm thêm công việc ngoài giờ thì tổng thu nhập khoảng 30 triệu đồng một tháng.
Đều từ quê đến thành phố lập nghiệp, đi lên từ hai tay trắng nên chúng tôi luôn có ý thức dành dụm và làm việc cật lực với hy vọng mua được một căn nhà ở thành phố. Tôi tin rằng, nếu chịu khó làm việc và tiết kiệm, giấc mơ về một ngôi nhà sẽ không quá xa vời. Tuy nhiên, thực tế không như là mơ.
Kế hoạch mua nhà của chúng tôi bắt đầu được tiến hành từ 2 năm trước. Ngoài 200 triệu đồng tiền tiết kiệm được, chúng tôi vay mượn từ gia đình nội ngoại và tận dụng tối đa các nguồn hỗ trợ tài chính, đặt cọc mua một căn hộ nhỏ ở quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội, trả góp trong 10 năm. Chúng tôi đã dọn về ở 1 năm trước với niềm tin chỉ cần chịu khó làm việc thì sẽ trả hết nợ.
Thế nhưng hành trình trả nợ không đơn giản, dễ dàng như tôi tưởng. Lãi suất trả góp với ngân hàng năm đầu tiên còn ở mức thấp nhưng từ năm thứ 2 trở đi lại tăng vùn vụt theo thị trường khiến gánh nặng tài chính ngày càng lớn; chúng tôi dần dần kiệt sức trong cuộc chạy đua này.
Hiện nay mỗi tháng chúng tôi phải trả góp tiền nhà 11 triệu đồng, trong khi thu nhập của hai vợ chồng “kịch kim” cũng chỉ gần 30 triệu đồng, giá cả hầu hết các hàng hóa, dịch vụ đều tăng, nhất là khi mức lương cơ sở tăng.
Nhà chúng tôi mua ở khu dân trí cao, các trường mẫu giáo ở gần đều có mức thu xung quanh 8 triệu đồng một tháng, nếu muốn học ở trường công giá rẻ hơn thì con phải đi học hàng chục km. Mức phí hàng tháng tại hầu hết các trường mầm non tư thục hiện nay đều cao hơn một tháng lương của công nhân viên chức.
Vỡ mộng mua nhà trả góp, vợ chồng tôi phải cho con về quê học mẫu giáo. (Ảnh minh họa được tạo bởi AI)
Như vậy, sau khi trả góp tiền nhà và đóng tiền học cho con, chúng tôi chỉ còn hơn 10 triệu đồng cho mọi khoản chi tiêu còn lại, dù cố tiết kiệm đến mấy cũng không thể đủ với tình hình giá cả bây giờ.
Nghĩ nát nước, cuối cùng chúng tôi đành gửi con về quê Sơn La cho ông bà nội chăm hộ, vì chi phí học mẫu giáo ở quê rẻ hơn rất nhiều. Con tôi học trường mẫu giáo quốc tế gần nhà ông bà nội chỉ tốn 4 triệu đồng/tháng, chúng tôi dự định sẽ cho con học ở đó đến khi vào lớp 1 rồi tính tiếp, vì nếu tiếp tục như trước thì vợ chồng tôi gục mất.
Việc đưa con về quê học mẫu giáo giúp vợ chồng tôi giảm bớt gánh nặng tài chính nhưng cũng kéo theo những hệ lụy về mặt tâm lý. Đi làm cả ngày vất vả nên tạm quên đi, tối về căn nhà thiếu bóng trẻ thơ, trống vắng và nhớ thương vô cùng.
Mỗi lần về thăm con, thấy con khóc nhớ bố mẹ, lòng chúng tôi quặn thắt. Tôi khổ tâm lắm, chỉ vì năng lực kiếm tiền không đủ mà bố mẹ một nơi, con một nơi, còn làm phiền cả bố mẹ già.
Tôi cũng rất lo lắng khi con được ông bà giáo dục theo cách khác với quan điểm của hai vợ chồng. Con gái tôi trước kia nói chuyện rất lễ phép, không bao giờ nói trống không, nhưng gần đây vì bắt chước cách nói năng của mấy đứa trẻ con nhà bác cả nên ăn nói cộc lốc, nhiều lúc hét lên với người lớn.
Đồ ăn tôi gửi về cho con đều được chia năm sẻ bảy với các cháu nội ngoại khác, con tôi không khỏe và nhanh như các anh chị nên chẳng được bao nhiêu.
Tôi cũng tự nhủ thôi cũng là con cháu mình cả nhưng vẫn thấy buồn vì con thiệt thòi. Nhiều đêm, hai vợ chồng tôi tự hỏi liệu quyết định đưa con về quê có đúng đắn hay không, dù chưa tìm ra cách nào phù hợp hơn.
Cuộc sống chưa bao giờ dễ dàng với người trẻ sống tại các thành phố lớn như chúng tôi. Giấc mơ về một căn nhà đã trong tầm tay, nhưng không biết chúng tôi có trụ nổi cho đến khi hết hạn 10 năm trả góp, hay sẽ phải bán nhà giữa chừng vì áp lực kinh tế quá lớn.
Theo VTC News