Một ngày cuối tháng Chạp, vợ tôi thủ thỉ: “Năm nay ông ngoại sức khỏe yếu hơn rồi, nhà mình về đón Tết với ông bà ngoại được không?”. Tôi biết, cô ấy chỉ vì quá khát khao về nhà mà hỏi vậy thôi, chứ niềm hy vọng chắc cũng không nhiều.

Bởi lấy chồng 8 năm, làm dâu 8 năm, vợ tôi thừa hiểu tính bố mẹ chồng. Bố mẹ tôi quan niệm hơi cũ, rằng con dâu phải lo trước việc nhà nội. Ngay cả em gái tôi, bố mẹ cũng thường nhắc nhở như vậy.

Tôi thương vợ nhưng cũng không muốn làm bố mẹ phiền lòng. Mỗi năm có mấy ngày Tết, ông bà không vui thì cả nhà không vui. Vậy nên năm nào, tôi cũng bảo vợ chịu khó đợi đến mùng 3, khi Tết nội đã đầy đủ, xong xuôi thì cả nhà bắt xe về quê ngoại. Như vậy cũng có thể gọi là có về quê ăn Tết.

8 năm lấy chồng, vợ tôi chưa có năm nào được đón một cái Tết trọn vẹn với bố mẹ đẻ. Một phần vì khoảng cách địa lý xa xôi, nhưng phần lớn là vì nếp nhà chồng khó tính. Tết năm nào cô ấy cũng so bì với chị đồng nghiệp này, em đồng nghiệp nọ, lấy chồng rồi vẫn được về ngoại đón giao thừa. Tôi chỉ biết nói với vợ rằng “mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”.

Về ăn Tết nhà ngoại, tôi bỗng thấy thương vợ nhiều hơn - 1

Dù là nhà nội hay nhà ngoại, Tết đến ai cũng mong con cháu sum vầy (Ảnh minh họa: Freepik).

Nhưng hôm trước, nghe lời vợ thủ thỉ, tôi rất suy nghĩ. Đúng là thời gian vừa rồi, ông ngoại đau ốm liên miên, sức khỏe yếu hơn nhiều so với mọi năm. Ông bà ngoại cũng đều hơn 70 tuổi. Người già như lá vàng trên cây, không biết ngày nào rơi rụng.

Nghĩ vậy, tôi đem tâm tư, nguyện vọng của vợ nói với mẹ và quyết định của mình. Tôi nhờ mẹ nói trước với bố vài lời, coi như là làm “công tác tư tưởng”. Mẹ tôi là phụ nữ, dễ đồng cảm với con dâu. Nhưng xưa nay, mọi chuyện trong nhà, chủ yếu đều do bố tôi quyết định.

Tôi nói với mẹ: “Thực ra vài hôm nữa con cũng sẽ nói chuyện với bố. Nếu bố không đồng ý thì con vẫn sẽ đưa vợ con về ngoại. Nói gì thì nói, Tết nhất ai cũng muốn đông đủ sum vầy, mình phải đặt vào địa vị người ta, không thể ích kỷ mãi được”.

Nhưng thật không ngờ, mẹ tôi vừa mở lời, bố đã đồng ý ngay. Ông cũng hiểu, nếu không phải vì bố mẹ già yếu, vợ tôi sẽ không xin về. Trong con mắt ông, bao năm qua, vợ tôi thực sự là người con dâu chu đáo, trọn vẹn với nhà chồng.

Vợ tôi nghe tin, mừng đến rơi nước mắt, vội vàng nhờ người đặt giúp vé xe. Cô ấy xem trong nhà còn thiếu thứ gì để tranh thủ đi chợ, mua sắm cho đầy đủ, chuẩn bị mọi thứ tươm tất để bố mẹ chồng yên tâm khi dâu con đi vắng.

Chuyến xe cuối năm về quê lúc 5h sáng. Chúng tôi vừa về tới cổng làng, đã thấy dáng bà ngoại đứng chờ ở gốc đa. Bà nói nghe tin con cháu về, cả đêm không ngủ được, dậy làm thịt gà lúc 3h sáng để nấu cháo, rồi rong bộ ra tận đầu làng đứng đợi.

Ông ngoại cũng dậy sớm, ngồi ở bàn với ấm chè xanh nóng hổi: “Nhanh lên mấy đứa, nhanh rửa mặt mũi, chân tay rồi ăn bát cháo cho ấm bụng”. Tôi để ý vợ tôi, cô ấy liên tục đi ra đi vào, ngắm cây, ngắm vườn, xem gà, xem chó, rối rít gọi điện hỏi vợ chồng cậu em trai ngày nào mới về.

Suốt mấy ngày chuẩn bị Tết, vợ tôi vui tíu tít như trẻ nhỏ. Cưới nhau gần 10 năm, lần đầu tiên tôi cảm nhận được vợ mình thực sự vui khi Tết về. Cô ấy hay nói hay cười, nhí nhố đáng yêu. Ở nhà chồng, cô ấy vẫn nói cười, nhưng không thoải mái như vậy.

Và tôi hiểu rằng, chỉ khi được về nhà, nơi cô ấy được sinh ra và lớn lên, bên những người thân yêu ruột thịt, cô ấy mới dám sống là chính mình, hồn nhiên, vui vẻ.

Tôi tiếc rằng, mình đã không biết điều này sớm hơn. Nhưng biết bây giờ cũng chưa quá muộn. Từ năm sau, tôi sẽ lên kế hoạch, một năm cả nhà sẽ ăn Tết bên nội, một năm cả nhà sẽ ăn Tết bên ngoại, cứ thế mà luân phiên nhau. Như vậy, sẽ không ai phải chịu tủi hờn, ấm ức.

Tôi không trách bố tôi gia trưởng khó tính. Tâm lý các ông bố, bà mẹ thường rất giống nhau bởi ảnh hưởng quan niệm cũ, cho rằng “con gái là con người ta, con dâu mới thực mẹ cha mua về”. Nhưng nếu đến ngay cả chồng cũng không tâm lý, không thấu hiểu cho tâm tư của vợ thì cô ấy chỉ có thể sống trong tủi hờn mà thôi. 

Theo Dân trí