Mạng xã hội lan truyền câu chuyện của một người vợ có ứng xử thông minh trước tình cảm vấn vương người cũ của chồng.
Cô vợ này kể chồng cô là một người hiền lành nhưng khó tính. Anh có phòng làm việc riêng và đặt ra quy tắc là vợ không nên bước chân vào, bởi trong đó nhiều sổ sách, giấy tờ quan trọng, anh không muốn vợ vào dọn dẹp rồi mọi thứ lại trở nên rối tung lên. Người vợ hiểu, với chồng, đó là không gian riêng, và cô tôn trọng.
Thế nhưng chẳng ngờ, trong một lần chồng đi gặp khách hàng, thấy phòng anh quá bừa bộn cô đã tạt vào, định dọn qua loa một chút, nhưng lại phát hiện ra bí mật mà bất cứ người vợ nào cũng sẽ cảm thấy đau lòng. Đó là chồng cô vẫn lưu giữ những dòng tâm sự anh viết về ngày còn hẹn hò với người yêu cũ trong một cuốn nhật ký, còn kẹp cả hình cô ấy giữa những trang viết mùi mẫn.
Người cũ là một phạm trù mà ngay cả khi không bao giờ động tới, vừa nhắc tới thôi đã khiến người mới thấy “nhột”, huống chi người cũ lại xuất hiện đậm sâu trong tâm trí chồng mình như vậy, có người vợ nào không cảm thấy buồn lòng.
Sau bữa phát hiện ấy, cô còn để ý thấy chồng nhiều lúc trong “không gian riêng tư” còn mang ảnh người con gái năm xưa ra ngắm. Với cô, hành động đó không khác gì phản bội.
Không lập tức tìm chồng để chất vấn hay làm um lên, cô làm ngơ như không biết chuyện gì, nhưng từ hôm ấy đã có kế hoạch dạy cho chồng một bài học, để anh hiểu người cũ có thể trở thành bóng ma ám ảnh hạnh phúc gia đình thế nào và nên thiết lập giới hạn với người cũ ra sao.
Cô viết: “Từ hôm ấy em bắt đầu trang điểm điệu đà, lộng lẫy hơn mỗi khi ra ngoài. Thay vì đi làm về đúng giờ để nấu cơm cho chồng thì em thường xuyên nhắn tin báo với chồng là về muộn vì việc này việc kia. Lúc ở nhà em cũng không chú ý tới chồng như trước mà ngược lại bám rịt điện thoại. Anh lại gần là em tắt máy.
Thấy vợ có biểu hiện khác, chồng em bắt đầu để ý. Hôm đó nằm trong phòng, nghe tiếng chồng đi làm về, em cố tình nói chuyện điện thoại: “Ừ, tao mới gặp lại S (tên người yêu cũ của em) cách đây vài tuần. Bọn tao cà phê hai ba lần rồi. Lâu mới gặp nhau mà thấy cảm xúc vẫn lẫn lộn lắm“.
Lập tức chồng em lao vào giật máy vợ, quát ầm nói em lừa dối chồng, bảo thì ra đợt này em đi sớm về muộn là để lén lút đi gặp tình cũ, rằng anh bị vợ lừa mà không biết. Đợi chồng nói câu ấy, em mới lên tiếng: “Anh coi việc em liên lạc với người cũ là lừa dối chồng, vậy việc anh giữ ảnh người yêu cũ để ngày đêm ôm ngắm, chìm đắm trong chuyện xưa thì là gì. Anh đừng nghĩ mình anh có quá khứ, mình anh có khoảng trống riêng tư còn tôi thì không. Chẳng qua là tôi còn tôn trọng cuộc hôn nhân này, muốn giữ gìn nó nên biết đâu là giới hạn.
Có điều chỉ một mình tôi giữ gìn thì cũng chẳng có ý nghĩa. Thôi thì tốt nhất từ nay tôi với anh cứ mỗi người sống một cuộc đời, bảo vệ quyền riêng tư của mình như ý anh cho thoải mái“.
Nghe vợ nói thế, anh tái mặt hiểu rằng vợ đã biết hết bí mật của mình rồi nên lắp bắp giải thích. Để anh thú nhận hết, em mới đưa điện thoại cho chồng nhìn để anh thấy cuộc điện thoại em vừa nói chuyện chỉ là diễn, là em tự nói chuyện một mình nhằm đánh động anh. Có điều, em nói rõ cho chồng hiểu rằng những gì anh làm được, em cũng sẽ làm được. Khi anh vượt qua ranh giới cho phép thì cũng đừng trách em không giữ gìn. Sau hôm đó, chồng em tự nguyện mang sổ với ảnh kia đi đốt“.
Một trong những đặc điểm nổi bật của tình yêu là tính chiếm hữu. Khi yêu, người ta mong muốn người kia là của riêng mình. Đó là mong muốn chính đáng. Bởi vậy, nếu chưa thể quên bóng hình cũ thì đừng bước chân vào mối quan hệ mới, đừng xây dựng gia đình với một người mà lòng lại ở bên người khác, như vậy là có lỗi với tấm chân tình của người kia, có lỗi với cuộc hôn nhân của mình.
Nên biết thiết lập những ranh giới giữa quá khứ và hiện tại, tương lai, biết đủ để dừng, bởi không phải người vợ, người chồng nào cũng đủ bình tĩnh và bản lĩnh để giữ hôn nhân như người vợ trong câu chuyện, mọi sự ăn ở hai lòng dù là trong tâm tưởng đều dễ dẫn đến hôn nhân tan vỡ.
Theo Dân trí