Anh trai tôi lập gia đình khi đã gần 40 tuổi. Không phải anh tôi có gì không tốt hay kém cỏi mà bởi anh mải lo toan cho chúng tôi.

Bố tôi mất khi tôi mới 3 tuổi. Mẹ tôi vì đau buồn và cũng một phần phải lao động vất vả nên mắc bệnh lao rồi mất khi tôi học lớp 5.

Bố mẹ qua đời, anh trở thành chỗ dựa duy nhất cho tôi và em gái. Để có tiền lo cho chúng tôi ăn học, anh nghỉ học giữa chừng lên thành phố làm nghề sửa xe.

Tôi tốt nghiệp Đại học và may mắn công việc cũng thuận lợi nên thu nhập không tệ. Cách đây 3 năm em gái tôi tốt nghiệp Cao đẳng rồi cũng nhanh chóng tìm được việc làm.

Tới tiệm sửa xe của anh trai, thấy điều khó tin giữa chị dâu và gã thợ - 1

Chị dâu tôi thường xuyên có những hành động thiếu tế nhị với người khác giới (Ảnh minh họa: Livesay).

Năm ngoái, sau một thời gian lăn lộn làm thuê bên ngoài, anh trai tôi cũng gom góp mở được một tiệm sửa xe của riêng mình. Nhờ chăm chỉ, cẩn thận và đã có sẵn mối khách quen nên công việc của anh thuận lợi. Anh cũng tự mình mua được một căn nhà nhỏ.

Đến lúc này anh mới tự tin đi tìm hạnh phúc riêng. Vợ anh kém anh đến 9 tuổi, cách nhà tôi khoảng 4km. Anh chị quen nhau qua mai mối. Nhà chị dâu tôi cũng nghèo, lại đông anh em nên cuộc sống vất vả. Cũng giống như anh tôi, chị chỉ học hết cấp 2 rồi ở nhà làm thuê.

Với điều kiện của anh lúc này hoàn toàn có thể tìm được những cô gái tốt hơn, mà thực tế là anh đã được nhiều người mai mối cả giáo viên, bác sỹ… nhưng anh vẫn quyết tâm chọn chị. Anh bảo, anh không học nhiều, chọn một người chung hoàn cảnh dễ chia sẻ và đồng cảm hơn. Chúng tôi tôn trọng và ủng hộ quyết định của anh.

Tuy nhiên, tôi luôn có sự bất an về chị dâu mình. Lên thành phố được vài tháng, chị dâu thay đổi chóng mặt. Chị ăn mặc điệu đà, sắm nhiều quần áo đắt tiền, nhuộm tóc, làm móng… Thậm chí, chị còn xin tiền anh tôi nâng mũi, cắt mí. Nếu chỉ dừng lại ở đây thì tôi cũng không có ý kiến gì. Thế nhưng, lần nào ra tiệm của anh, tôi cũng thấy chị ăn mặc rất thiếu tế nhị.

Quán toàn thợ sửa xe nam, khách hàng cũng đa phần là nam giới, nhưng những chiếc áo, váy chị mặc đa phần rộng cổ, cúi người xuống là khoe trọn vòng một.

Tôi nhiều lần cảm thấy xấu hổ phải quay mặt đi. Đã thế, chị thường xuyên “liếc mắt, đưa tình” với cánh thợ sửa xe. Không ít lần tôi bắt gặp chị trêu đùa vô tư với những ngôn ngữ thiếu tế nhị với đám thợ.

Tôi đã khéo léo nhắc nhở anh, góp ý với chị. Thế nhưng anh tôi lần nào cũng chỉ cười, nói là tôi suy nghĩ quá. Anh bảo tôi được học nhiều, bạn bè, đồng nghiệp xung quanh cũng toàn người tri thức, hiểu biết, trong khi chị là dân thuần lao động nên lời nói khó tránh được việc khiến tôi khó chịu. “Chị em vô tư lắm, ăn nói, ăn mặc quen thói bỗ bã ở quê nên thế chứ thực tình không có gì đâu”, anh nhiều lần nói để tôi yên tâm.

Thế nhưng chuyện tôi lo không phải là không có cơ sở. Một lần khi anh đi đánh xe trả cho khách, tôi đến tiệm anh giao đồ thì bắt gặp cảnh lẽ ra không nên thấy: Chị dâu tôi đang lả lướt ngồi lên đùi của một người thợ nam rồi cười cười nói nói.

Trong khi chị dâu tôi một mực phủ nhận “không có ý gì với người thợ kia”, thì tay thanh niên này mặt đã tái mét thừa nhận và cho tôi xem những tin nhắn tình cảm của hai người.

Anh ta nói, tất cả mới chỉ dừng lại ở tin nhắn mà chưa có bất cứ hành vi nào đi quá giới hạn.

Sau lần ấy, tôi đã yêu cầu người thợ này nghỉ việc. Còn riêng chị dâu, tôi cũng đã có một buổi nói chuyện thẳng thắn. Chị khóc lóc biện minh, đổ lỗi cho rằng vì anh tôi khô khan, không quan tâm, lãng mạn nên chị mới có hành động như vậy. Chị cũng xin tôi tha thứ, giấu kín và hứa sẽ không bao giờ lặp lại hành vi này nữa.

Dĩ nhiên, tôi không muốn làm anh trai tôi tổn thương nên quyết định đồng ý không tiết lộ chuyện này với ai. Tuy nhiên, sự tôn trọng tôi dành cho chị thì thật sự đã không còn.

Tôi không nói tất cả nhưng sự thật là phụ nữ đa phần có tính xấu là rất hay so sánh, đòi hỏi. Như chị dâu tôi, nếu đổi lại, anh trai tôi nghèo, không làm ra tiền nhưng lãng mạn, bay bổng thì liệu chị có chấp nhận cảnh “một túp lều tranh, hai trái tim vàng” hay không? Hay đến lúc này, chị lại bảo, “anh phải như ông A, ông B, làm ra tiền để vợ con không phải chịu khổ”.

Ai dù phụ nữ hay đàn ông cũng đều có những điểm không hoàn hảo. Có những điều chúng ta nhìn ở bề ngoài thì tưởng là tốt nhưng nếu sống cùng nhau hàng ngày, hàng giờ cùng nỗi lo “cơm áo, gạo tiền”, cùng trải qua những biến cố, thăng trầm thì đâu thể lúc nào cũng ngọt ngào và lãng mạn được.

Dù gì anh tôi cũng chăm chỉ, chịu khó làm ăn lo toan toàn bộ kinh tế trong gia đình. Lẽ ra chị dâu tôi nên biết cách động viên, chăm sóc, cùng chồng vun vén làm ăn chứ không phải chỉ chăm chăm nghĩ đến những điểm xấu, chưa được của chồng.

Tôi thật sự không hiểu nổi, vì sao có những người lại luôn ảo tưởng về những thứ phù phiếm bên ngoài mà hạnh phúc thật sự của mình thì lại không biết nắm giữ?

Theo Dân trí