Ảnh minh họa: Getty Images. |
Tôi bảo: “Nếu cậu không thích thì “chặn”. Còn mình thì mình mặc kệ, cứ coi họ như bao người khác thôi”.
Có một dạo, rất tình cờ, tôi phát hiện ra người yêu cũ của chồng nhấn “Like” dưới bức ảnh tôi đăng chồng tôi đang dắt tay cô con gái đi dạo dưới sân chung cư. Hóa ra chị ấy hoạt động “tàu ngầm” theo dõi facebook của tôi bao lâu nay mà tôi không biết.
Tôi đem chuyện kể với chồng, nói rằng “người yêu cũ của anh kết bạn với anh chưa đủ hay sao mà còn phải rình mò facebook em thế nhỉ”. Tôi vốn chỉ định trêu chồng thôi, nhưng chồng tôi lại nghĩ tôi khó chịu nên nói với người ấy.
Người ấy lại nhắn cho tôi giải thích, đại ý là: Chị ấy không có ý gì, tôi đừng nghĩ ngợi. Đọc xong tin nhắn, tôi trả lời: “Chị ơi, em đang bận hạnh phúc, làm gì có thời gian mà nghĩ ngợi những chuyện đó”. Chị ấy đọc xong không thấy nhắn thêm nữa.
“Người yêu cũ” của chồng hoặc vợ đúng là một cụm từ rất nhạy cảm. Biết là chuyện đã qua, biết là người đã xa, nhưng mỗi khi nhắc về đều khiến mỗi người có chút suy nghĩ. Nhất là trong thời đại công nghệ hiện nay, chỉ một cú click chuột là dù xa cả nửa vòng trái đất cũng có thể kết nối, cũng có thể biết rõ hiện tại cuộc sống của “người xưa” như thế nào.
Hình như trời sinh ra phụ nữ vốn nhạy cảm nên nhiều lo lắng. Thấy chồng và người cũ kết bạn facebook cũng không vui, thấy họ hỏi thăm nhau cũng lo lắng. Thậm chí người cũ chỉ bấm “thích” hay “thả tim” vào một dòng trạng thái hay bức ảnh đăng của chồng cũng khiến các bà vợ nghĩ ngợi.
Người đời có câu “tình cũ không rủ cũng tới”, huống hồ, biết đâu họ “có rủ” nhau mà mình không biết thì sao? Thôi thì “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, cứ thêm một thao tác “hủy kết bạn” hay “chặn” nhau đi cho nó lành.
Trở lại câu chuyện của bạn tôi. Đối với cô ấy, “người yêu cũ” của chồng là ba từ rất gì và này nọ. Ngày xưa chồng cô ấy và người cũ chia tay nhau vì hoàn cảnh khách quan, nghĩa là dứt tình nhưng chưa cạn tình. Cô ấy luôn sợ nếu họ có dịp gặp nhau hay nhắn tin qua lại với nhau thì ngọn lửa tình xưa biết đâu còn âm ỉ trong lòng sẽ bùng cháy lại. Vậy nên cô ấy đã tự tay “hủy kết bạn” với người cũ thay chồng. Chồng cô biết cô hay ghen nên cũng không ý kiến gì về việc ấy.
Bạn tôi cứ thắc mắc rằng tại sao người ấy lại cứ theo dõi trang cá nhân của chồng cô? Có phải còn quan tâm nhau hay không? Có phải còn thương còn nhớ? Tôi nghĩ, người phụ nữ ấy có lẽ vẫn còn ít nhiều quan tâm đến tình cũ, thực sự muốn biết anh ta đang sống như thế nào. Và quan trọng hơn, có lẽ cuộc sống hiện tại của người phụ nữ ấy không được như ý. Bởi nếu cô ấy đủ bận rộn, đủ hạnh phúc, chắc sẽ không còn thời gian và tâm trí đâu để đi theo dõi xem người khác sống như thế nào, nhất là tình cũ. Thế nên tôi bảo bạn, điều bạn cần làm chính là thể hiện cho họ thấy bạn đang rất hạnh phúc và chẳng có thời gian quan tâm đến họ đâu.
Tôi luôn nghĩ rằng, để tâm đến quá khứ của bạn đời, tự suy diễn, tự lo lắng chính là tự mua dây buộc mình. Quá khứ là chuyện đã xảy ra và sẽ thật buồn cười khi mình đi ghen với một người mà khi họ đang yêu nhau thì mình vẫn còn là một kẻ xa lạ. Còn hiện tại, vấn đề không hẳn là ở “người cũ” kia”, vấn đề chính là ở bạn đời của mình.
Người ta cứ hay mách nhau về bí quyết giữ chồng, giữ vợ. Nhưng nếu bí quyết ấy là có thật, hẳn mọi cuộc hôn nhân đều hạnh phúc, hẳn đã không nhiều thế những cuộc chia tay. Nếu bản thân một người không thể kiểm soát được cảm xúc của mình, không khống chế được những ham muốn ích kỉ của bản thân, không giữ được nguyên tắc sống của mình, thì chồng hay vợ họ muốn giữ họ là điều không thể.
Vậy nên cứ “bình tĩnh sống”, dẹp nỗi lo người cũ của chồng sang một bên đi. Trước đây thế nào, sau này ra sau, không phải bản thân muốn thế nào là được thế ấy. Chỉ cần biết hiện tại của người đàn ông ấy chính là mình.
Người yêu mình, có đuổi họ cũng không đi. Người không yêu mình, có cố níu kéo cũng không giữ được. Dành thời gian để bận lòng với một người “đã cũ” chẳng phải tự mình khiến mình mệt mỏi thêm sao?
Theo Dân trí