Chị Thu Hà và anh Đình Long (Hà Nội) kết hôn khi cả hai có sự nghiệp ổn định. Anh làm phó giám đốc một công ty về xuất khẩu lao động, còn chị Hà là giáo viên cấp 2. Một ngày cuối đông năm 2018, chị nghe tin chồng có người tình mà cô gái này còn đang mang thai.
Dù rất đau khổ nhưng chị bình tĩnh để xử lý sự việc. Chị không muốn vì kẻ thứ ba mà mất đi hạnh phúc gia đình. Con còn nhỏ nên càng cần phải bảo vệ tổ ấm này. Hơn nữa, chị là người coi trọng hôn nhân, lại công tác trong lĩnh vực giáo dục nên việc làm rùm beng mọi chuyện hay ly hôn không phải là cách lựa chọn tốt nhất.
Tìm cách gặp người tình của chồng, chị Hà yêu cầu cô đi xét nghiệm ADN thai nhi. “Tiểu tam” nói việc xét nghiệm cần phải đợi sau khi sinh mới có thể làm. Anh Long bênh người tình nên cũng bảo không thể xét nghiệm khi đứa trẻ chưa chào đời.
Với kiến thức mà bản thân đã tìm hiểu, chị Hà giải thích cặn kẽ cho chồng và cô gái hiểu việc đó là hoàn toàn có thể. Điều này khiến cô gái hoang mang, khăng khăng việc xét nghiệm như vậy sẽ ảnh hưởng đến em bé.
Cô đề nghị sinh con xong mới làm xét nghiệm. Suốt thời gian mang bầu, anh Long phải có trách nhiệm, nếu không cô sẽ làm lớn chuyện này.
Nhìn thái độ của người tình, anh Long lờ mờ hiểu ra vấn đề. Anh yêu cầu cô phải xét nghiệm bằng được thì anh mới có trách nhiệm. Thấy thái độ kiên quyết của anh Long, cô gái đành chấp nhận đến cơ sở y tế lấy mẫu nước ối và xét nghiệm ADN.
Kết quả, thai nhi không phải con anh Long. Lúc này, cô gái thừa nhận qua lại với rất nhiều người đàn ông, trong đó có cả anh Long. Trong đó anh Long là khá giả nhất, có thể chu cấp cho 2 mẹ con, nên cô gái nhất quyết đeo bám.
Từ đó, anh Long cắt đứt liên lạc với cô gái trẻ, dành nhiều thời gian để bù đắp tình cảm và chuộc lỗi với vợ con.
Nhân viên y tế lưu mẫu xét nghiệm ADN của khách hàng. (Ảnh minh họa: Chí Hiếu)
Theo Đại tá Hà Quốc Khanh, cố vấn cao cấp của một công ty xét nghiệm ở Hà Nội, hiện có hai phương pháp xét nghiệm ADN thai nhi là xâm lấn và không xâm lấn.
Phương pháp xét nghiệm ADN thai nhi không xâm lấn có thể thực hiện sớm từ tuần thai thứ 7, độ chính xác 99,9%. ADN của thai nhi sẽ được xác định từ mẫu máu của mẹ, sau đó so sánh với ADN của người cha giả định. Kết quả có trong 10 ngày.
Ưu điểm của phương pháp này là dễ lấy mẫu, nhanh chóng, giảm thiểu đau đớn do không phải sinh thiết gai nhau, hoặc chọc dò nước ối, an toàn cho thai nhi cũng như sản phụ.
Chỉ cần từ 7 đến 10 ml mẫu máu tĩnh mạch người mẹ là có thể thực hiện xét nghiệm ADN xác định huyết thống thai nhi không xâm lấn.
Cơ sở khoa học của phương pháp này là trong máu thai phụ tồn tại ADN tự do của thai nhi (cff-DNA). Nhờ phân tích ADN tự do của thai nhi, các chuyên gia có thể chỉ ra được mối quan hệ giữa thai nhi và người cha nghi vấn.
Phương pháp xét nghiệm ADN thai nhi xâm lấn là sử dụng mẫu nước ối hoặc tế bào gai nhau để phân tích. Với phương pháp này, sản phụ cần sự hỗ trợ của bác sĩ chuyên khoa để đảm bảo an toàn cho bào thai.
Chọc dò ối có thể gặp một số các nguy cơ tiềm ẩn như rò rỉ ối, sinh non, nhiễm trùng tử cung, song tỷ lệ này rất thấp, về cơ bản là an toàn.
Khi nước ối được gửi đến cơ sở y tế, kỹ thuật viên sẽ tách chiết ADN của trẻ để phân tích. Thời điểm phù hợp để chọc dò ối là tuần 16 đến 22 của thai kỳ. Thời gian nhận kết quả cho xét nghiệm ADN xâm lấn từ 4 giờ đến 3 ngày.
Theo VTC