Đám cưới là bước ngoặt đánh dấu sự thay đổi trong cuộc đời các cặp vợ chồng nhưng với tôi đây là dấu chấm hết cho cuộc tình thời sinh viên.
Vợ chồng tôi quen nhau khi học cùng trường đại học. Chồng tôi là con một, bố mẹ khá chiều chuộng nhưng theo đánh giá của tôi, anh chững chạc và biết suy nghĩ. Đặc biệt, anh không phải người dựa dẫm, ỉ lại vào bố mẹ.
Ảnh: B.N |
Chúng tôi cùng nhau mở công ty. Từ chỗ chỉ có 3 nhân sự, bao gồm cả giám đốc, nay công ty có hơn 100 nhân viên, làm ăn phát đạt.
Sự nghiệp thành công, chúng tôi quyết định về chung một nhà. Gia đình anh có vẻ không hài lòng tôi vì tôi được nuôi dưỡng và dạy dỗ bởi người mẹ đơn thân.
Bà lúc nào cũng nói gia đình không có bố như nhà không có nóc. Tôi tức ứa gan, thẳng thắn bày tỏ quan điểm: “Chuyện bố mẹ con không ở với nhau là chuyện người lớn. Mẹ con một mình nuôi con, vẫn dạy dỗ con thành người tử tế, biết kiếm tiền nuôi sống bản thân đấy ạ”.
Mẹ chồng bị đáp trả, lấy làm tức tối. Quá trình hai bên bàn chuyện hôn sự, bà liên tục hạch sách.
Lễ dạm ngõ, nhà bà có 5 người đến, đại diện cả bên nội và ngoại của chú rể. Bà yêu cầu nhà tôi cũng phải có đủ thành phần như vậy. Khi thấy nhà tôi chỉ có các cậu và mợ, bà bực dọc, nói nhà tôi không tôn trọng đàng trai.
Việc chọn ngày giờ đón dâu cũng lắm rắc rối. Tôi không hiểu bà cố tình hay kiêng kị thật khi đưa ra giờ đón dâu lúc 14h và 14h30 phải ra khỏi nhà. Mọi lễ nghi ở nhà gái chỉ diễn ra trong vòng nửa tiếng và phải cắt bớt thủ tục mới đủ thời gian.
Mẹ chồng tôi nói, nếu đưa dâu ra khỏi nhà quá giờ tốt sẽ gặp trục trặc hôn nhân.
Khi các cậu tôi lên tiếng phản đối, yêu cầu phải làm đủ thủ tục, ít nhất 15h chiều mới đón dâu ra ngoài, mẹ chồng tôi tỏ ý giận dỗi. Bà nói: “Bên nhà anh chị như vậy thì thôi đừng cưới nữa”.
Trước những căng thẳng đó, mẹ tôi chấp nhận hết. Mẹ không phải người hiền lành nhưng vì hạnh phúc của con nên bà nín nhịn. Cả đời mẹ hi sinh mọi thứ, bươn chải để tôi có cuộc sống đủ đầy.
Cách lễ thành hôn 3 ngày, mẹ gọi tôi và con rể tương lai đến. Trước mặt con rể, bà tặng cho tôi một thẻ ATM. Thẻ này có 200 triệu đồng. Đây là của hồi môn mẹ chuẩn bị cho tôi.
Mẹ giải thích lý do tặng trước là vì bà không thích thể hiện. Bà cho rằng việc cho con gái của hồi môn là chuyện riêng tư, không cần phải phơi bày trước bàn dân thiên hạ.
“Cuộc sống của con sau này cũng vậy, càng sống đơn giản càng tốt. Mọi thứ chỉ là phù phiếm, quan trọng hai vợ chồng yêu thương nhau thật lòng, cùng chung thủy và vun đắp tổ ấm…”, mẹ dặn dò.
Từng lời, từng câu mẹ nói khiến tôi thấm thía và càng thương mẹ nhiều hơn.
Ngày cưới, tôi là cô dâu rạng ngời sánh bước bên chú rể của đời mình. Khi MC cất lời tuyên bố cả hai chính thức là vợ chồng, sống mũi tôi cay cay, còn mắt mẹ đỏ hoe.
Trước mặt quan khách, mẹ chồng tôi tặng con trai và con dâu mỗi người 1 chiếc nhẫn vàng, khuôn mặt bà tỏ vẻ tự hào.
Bà thấy nhà gái không có vàng trao như mọi đám cưới khác, thái độ bắt đầu khó chịu. Mặc dù tôi nói nhỏ với bà là mẹ tôi đã tặng của hồi môn rồi nhưng mẹ chồng ngúng nguẩy, mặt nặng mày nhẹ.
Bà nhỏ to chê trách nhà tôi với họ hàng nhà mình. “Tôi thấy chẳng ai như nhà bên đấy, có vài chỉ vàng tặng con cũng bủn xỉn. Tặng sau lưng khác nào ‘áo gấm đi đêm’, đám cưới phải tặng trên sân khấu mới hoành tráng”.
Chẳng ngờ, mẹ tôi đi đến gần, vô tình nghe được. Mọi sự nhẫn nhịn đến giới hạn, bà quay ra đáp trả thông gia. Hai bên lời qua tiếng lại. Mẹ tôi đòi đưa con gái về luôn. Tuy nhiên mọi người khuyên can, bà mới bình tĩnh trở lại.
Tôi về nhà chồng sống trong sự ghẻ lạnh của mẹ chồng. Cuộc sống ngột ngạt đến mức nghẹt thở. Chồng tôi có ý bênh vực mẹ.
Mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu bất hòa, chồng phải là người đứng ra dung hòa, hàn gắn nhưng ở đây, anh nghe mẹ, trách tôi vụng về, không biết ứng xử. Tôi trở thành người tồi tệ qua lời mẹ chồng.
Một đêm khi chồng đã ngủ say, tôi thu dọn hành lý và rời đi trong lặng lẽ. Cuộc hôn nhân của tôi kết thúc sau 1 tuần làm đám cưới. Tôi có thể yêu nhầm người nhưng không thể để mình tiếp tục cuộc hôn nhân đầy bão tố này…
Độc giả V.T.H