Thị trấn ngủ mưa

Thị trấn ngủ mưa
Thị trấn ngủ mưa
Minh họa | Hải Kiên

– Ba năm, bốn tháng, mười một ngày…

– Em rất sợ trí nhớ của anh!

Buổi chiều thoảng sương tôi lên đây, T đi chiếc xe máy cọc cạch ra đón tôi ở con dốc chín khoanh ngầu bụi. Anh bảo, như một lời nguyền, những ai trụ lại được thị trấn này từ ba năm trở lên thì sẽ gắn bó với nó mãi mãi. Tôi cười trừ, thầm nghĩ, chắc anh hơi ấm đầu. Hoặc giả, đó là những đúc kết bằng trải nghiệm của chính anh, tại thị trấn mang tên một loài gai sắc ngọt mà sau này đã cứa vào lòng tôi những vết thương rỉ máu âm thầm…

Ký túc xá vỏn vẹn ba phòng được ngăn cách bởi những phên nứa: phòng bên trái cho T, phòng bên phải cho tôi và phòng giữa là phòng thờ, luôn u uẩn mầu đèn dầu vàng mờ, leo lét. Bức di ảnh cô gái trẻ treo chính giữa bàn thờ, bí ẩn trong sắc diện lập lờ không rõ trầm tư hay bình thản. Khi thắp cho cô một nén hương, đôi mắt tôi bị gương mặt ấy hút vào một mê cung chập chờn hư thực. Mãi đến lúc có tiếng T gọi, tôi mới giật mình nhìn nén hương trên tay sắp sửa cháy tàn…

– Cháo chín rồi, em xuống bếp dùng bữa cùng anh!

– Anh chu đáo quá.

Bếp nằm khiêm nhường sau lưng dãy phòng ký túc xá. T mời tôi món cháo mầu xanh lá sóng sánh, đang bốc hơi nghi ngút, được nấu từ thứ rêu nếp đích thân anh đi vớt bên suối về. Tôi bỏ thìa đầu tiên vào miệng, ngai ngái, đắng nhẹ rồi ngọt hậu. Đến thìa thứ năm, thứ sáu thì tôi đã thực sự cảm nhận ra vị ngon của cháo, khác hẳn hoàn toàn tất cả các loại cháo mà tôi từng được ăn. T rủ rỉ:

– Ở đây thực phẩm khan hiếm. Thức ăn chủ yếu là măng nứa, thân chuối, mộc nhĩ, rau rừng và cả rêu nếp nữa. Anh cố nghĩ ra rất nhiều cách chế biến để dỗ dành và đánh lừa cái lưỡi của mình.

– Em thích món này, vừa mang máng thân quen, lại vừa đậm đà riêng biệt. Vị rêu ngậy mà không ngán. Nhưng trời lành lạnh thế này, giá có thêm ngụm rượu cay cay nữa thì tuyệt.

T hơi bất ngờ về gợi ý táo bạo của tôi, cô gái mang vẻ ngoài nhu mì, điềm đạm. Rượu như chất xúc tác giải phóng sự khách sáo cho cuộc trò chuyện giữa hai chúng tôi thêm trơn tru, thân thiết. T đã bám trụ thị trấn này hơn mười ba năm, khoảng thời gian đủ dài để xem nơi đây như quê hương thứ hai hoặc chấp nhận thỏa hiệp với sự u hoài, buồn tẻ. Mặc gia đình gọi giục bỏ nghề, về quê lấy vợ, làm chủ một đại lý tạp hóa, anh vẫn kiên định con đường riêng mình. Anh bảo, cái tính cách có phần trì trệ của anh không hợp với vòng xoáy thương trường. Đồng lương biên chế ở thị trấn đủ cho anh sống thoải mái trong khuôn khổ nhu cầu tối giản.

– Anh cũng ba lăm tuổi rồi. Hay có điều gì anh đang giấu kín?

– Đúng hơn là đối mặt. Một lúc nào đó thích hợp, anh sẽ kể em kỹ hơn. Vả lại, anh rất thương bọn trẻ. Còn em, sao quyết định chọn nơi này?

– Em chán phố thị ồn ào, vô cảm, bon chen nên muốn trải nghiệm một cuộc sống hoàn toàn đối lập, nhẹ nhàng, chậm rãi, bình yên. Cũng giống anh, em vẫn tin, đến đây, em sẽ làm được một điều gì đó có ý nghĩa cho đời.

Những câu chuyện lai rai cho đến lúc than bếp nguội tàn, trăng lên đỉnh núi mà tôi vẫn chưa kịp hỏi T về gian phòng thờ. Trong khi tôi dọn bát đũa vào chiếc chậu nhỏ, T dặn, vùng này, tối đến thường có hổ dữ rình rập, phải luôn khóa chặt cửa phòng cảnh giác. Lời dặn của T khiến cánh tay tôi nổi gai ốc rần rật. Ngay lập tức, anh liền trấn an tôi:

– Anh luôn ở bên cạnh. Có gì, cứ gọi anh bất cứ lúc nào.

Tôi chẳng mất nhiều thời gian để quen nhịp sống tại thị trấn này. Bao năm qua, lòng tôi vẫn khát mong một nơi mà tôi có thể giấu thân phận cũ, tẩy trắng quá khứ, làm lại cuộc đời. Buổi sáng đi dạy. Buổi chiều theo chân học sinh loanh quanh trong những khoảng rừng già. Buổi tối mơ màng viết lách. Mọi thứ bình lặng, an nhiên. T cưng chiều tôi như một cô em gái nhỏ. Mỗi cử chỉ, hành động của anh đều chứa đựng sự ân cần và hơi ấm, tái tạo cho tôi niềm tin rằng, ít nhất, trên thế gian này vẫn còn đàn ông tốt. Duy chỉ có một điều làm tôi ám ảnh là những cơn bóng đè khiến tôi mất ngủ triền miên…

– Cứ tầm mười hai giờ đêm, em thường bị bóng đè đến nghẹt thở. Liệu có liên quan đến…

– Ý em là căn phòng thờ?

– Anh có biết gì về cô gái trong bức ảnh không?

– Cô ấy là giáo viên dạy Văn cũ của trường. Không hiểu vì lý do gì mà thắt cổ tự tử trong chính căn phòng ấy. Từ đó, phòng ở trở thành phòng thờ.

T đưa cho tôi một con dao díp làm bằng sừng trâu khắc hình bông hoa bỉ ngạn, dặn kê dưới gối. Đêm ấy, một nguồn cảm hứng sáng tác mãnh liệt thôi thúc tôi thức trắng viết nốt truyện ngắn còn dang dở về T, rồi ngủ gật trên chiếc bàn gỗ ọp ẹp lúc nào không hay biết. Tỉnh dậy đã là 2 giờ chiều Chủ nhật. T chừa phần cơm nếp, muối lạc cho tôi trong chiếc cặp lồng, đặt ngay ngắn bên cửa sổ, cùng mảnh giấy nhỏ với những nét chữ nắn nót: “Thấy em ngủ ngon, anh không dám đánh thức. Anh vào bản có chút việc, chiều muộn mới về”. Bất giác, tôi soi gương mặt phờ phạc của mình trong gương và mỉm cười. T luôn chu đáo như vậy. Tưởng chỉ cần bê anh vào trang viết, chẳng cần thêm thắt điều gì cũng đủ hoàn thành một tác phẩm hay.

Vắng T, tôi một mình ra suối. Hai bên bờ, hoa xuyến chi nở trắng miên man, rủ về hàng ngàn cánh bướm dập dờn bay múa, ngỡ như lạc vào chốn tiên cảnh. Tôi hái đầy lòng tay một bó xuyến chi, mang về cắm trong chiếc bình sứ mầu ngọc bích, chưng lên bàn thờ cô gái. Tôi lẩm nhẩm, chị có điều gì còn trăn trở hay muốn tâm sự thì báo mộng cho em. Không gian im ắng, ánh đèn dầu nhập nhoạng, mùi hương trầm thoang thoảng cùng cái lạnh se se luồn qua khe cửa như đang cộng hưởng với nhau khiến đôi mắt tôi tiếp tục bị gương mặt trong di ảnh hút vào một mê cung hư thực chập chờn. Tôi như bị thôi miên, đứng chết lặng. Lần này, vẫn là T kéo giật tôi ra khỏi mê cung ấy bằng tiếng xe máy rồ rồ cùng giọng nói hơi háo hức:

– Xem anh mang gì về này!

T giơ tòn ten bốn con chuột núi đã làm thịt sạch sẽ trước mặt tôi:

– Quý lắm phụ huynh học sinh mới biếu đấy! Em ăn được chuột chứ?

– Rượu vẫn còn chứ nhỉ?

Ở thị trấn này, ý niệm về thời gian và thời tiết không thật sự rõ ràng. Thấm thoắt đã ba năm. Thời gian trôi qua lặng lờ. Và thời tiết chủ đạo bốn mùa đều lạnh. T vẫn chở che tôi như thuở ban đầu, không mảy may toan tính. Anh khác hẳn những người đàn ông từng vồ vập trượt qua đời tôi. Anh nghiêm ngắn mà nhiệt tình, đứng đắn mà gần gũi. Những chiều muộn cuối tuần, chúng tôi thường thích ngắm mặt trời bị những sóng núi lam tím phía tây nuốt gọn, cố vung lên những tàn hoàng hôn rực rỡ sau cuối, cho đến khi bóng tối nhòa nhện giăng tràn khắp lối. T khơi bếp lửa hồng âm ỉ. Chúng tôi nướng khoai, sắn, măng, củ mài hay bất cứ thức gì tìm được, uống rượu, thao thao bất tuyệt đủ thứ chuyện. Một lần, tôi mạnh dạn hỏi T:

– Tại sao anh lại đối xử với em tốt như vậy?

T hơi lúng túng:

– Anh xem em như cô em gái ruột. Từ ngày em gọi điện cho anh để hỏi về thông tin tuyển dụng của nhà trường, anh đã có thiện cảm với em.

Tôi nhìn sâu vào mắt T:

– Chỉ vậy thôi sao? Sau khi viết xong cả một tập truyện ngắn về anh, em nhận ra mình đã cảm nắng anh mất rồi.

T bối rối đảo ánh nhìn vào bếp lửa đang cháy lèo xèo. Kể từ giây phút ấy, chúng tôi không nói gì với nhau. Chẳng nhẽ, T không có chút cảm xúc nào với tôi? Tôi tự rót, tự tu ừng ừng cả bát rượu đầy như lên cơn khát nước, rồi dặt dẹo tựa đầu bên vách bếp. T dìu tôi về phòng. Loạng choạng áp vai anh, ngửi thấy mùi mồ hôi ngai ngái quyện cùng mùi rượu ngô nồng nồng, lồng ngực tôi thổn thức. Đến cửa phòng, tôi đẩy anh ra ngoài, chốt chặt cửa. Đổ gục lên giường, tôi chìm vào mộng mị. Trong mơ, tôi bắt gặp một cô gái tóc dài nhưng nhức, mặc váy trắng tinh khôi, đội lên đầu chiếc vòng xuyến chi được kết lại từ những bông hoa rạng rỡ nhất, phát sáng lung linh giữa miền khói sương bảng lảng. Bờ vai cô run lên theo tiếng nấc nghẹn ngào. Tôi gặng hỏi thế nào, cô cũng không đáp lại. Và khi tôi tiến lại gần, cô tan ra thành muôn triệu cánh hoa xuyến chi, bay theo cơn gió…

Buổi tối hôm sau, tôi nhức đầu nhẹ, lười biếng cuộn mình trong chăn bông, đọc sách. T bê một tô cháo rêu nếp thơm nức đến phòng tôi. Không có rượu, miệng tôi nhạt thếch. Ngồi lặng bên mé giường, T chăm chú nhìn tôi ăn. Tôi xúc gần hết tô cháo, T mới dám bắt chuyện:

– Học sinh lớp anh chủ nhiệm khen em giảng trích đoạn “Kiều ở lầu Ngưng Bích” thấm thía lắm.

Tôi tần ngần đặt bát cháo đang ăn dở sang một bên bàn, chột dạ. Câu nói của T có ẩn ý gì? Phải chăng bao lâu nay, T đã biết rõ thân phận của tôi? Đó là lý do khiến anh bù đắp cho tôi bằng một sự thương hại không hơn, không kém? Tôi luôn ém chặt quá khứ vào góc sâu tối nhất của cõi lòng khiến nỗi hoang mang và lo sợ cứ căng phồng lên như một quả bóng bay chực vỡ. Tôi đâu thể mãi trốn chạy sự thật? Và trong khoảnh khắc tỉnh táo này, tôi lại muốn thú nhận với T hết thảy. Tôi tuồn tuột bộc bạch:

– Em là đứa con hoang của một bà mẹ làm nghề bán thân. Năm em mười sáu tuổi, mẹ em chết vì AIDS. Học hết cấp ba, em “nối nghiệp” mẹ một thời gian, chịu đủ thứ nhơ nhuốc rồi quay lại thi Cao đẳng sư phạm. Giờ thì anh hiểu vì sao em dạy tốt trích đoạn ấy rồi chứ?

Đặt hờ bàn tay lên vai tôi, T không nói gì. Ánh mắt anh sâu thẳm nhưng không giấu nổi sự sửng sốt. Tôi phá lên cười trong nước mắt:

– Đứng đường chán, giờ lại đứng bục giảng để dạy Văn, ngược đời và đáng khinh thường lắm, phải không anh?

T nói như xoa dịu vết thương trong tâm hồn tôi:

– Mầm cây mọc lên từ phù sa hay núi đá đều muốn vươn về phía mặt trời.

– Nhưng dù vươn cao thế nào, em cũng không xứng đáng với anh?

Cánh tay T choàng hẳn qua cổ tôi, giọng anh chứa đựng ưu tư trầm đục:

– Quá khứ của anh còn khủng khiếp hơn em nhiều. Đúng hơn là anh không xứng đáng có được em.

– Nếu vậy thì chúng ta hãy mặc kệ tất cả và sống cho hiện tại đi anh.

Tôi ghì siết lấy đôi môi anh bằng một nụ hôn nồng nàn, man dại. Anh đáp lại bằng cách với tay tắt công tắc bóng đèn. Chúng tôi cuồng nhiệt bóc tách và khám phá từng tế bào cảm xúc trong nhau. Ánh trăng chênh chếch chảy xiên qua cửa sổ như kết dính hai chúng tôi hòa vào làm một. Rồi tôi thiếp đi trên vầng ngực ấm áp và vững chãi của anh. Giấc mơ lại đưa tôi đến gặp cô gái tóc dài, mặc váy trắng, đội vòng hoa xuyến chi. Lần này, tôi đã thấy rõ gương mặt cô. Cô gái trong di ảnh phòng thờ. Đôi mắt đòng đọc đỏ của cô chứa đầy căm hận và sát khí. Cầm trên tay chiếc dao sừng trâu khắc hình bông hoa bỉ ngạn, cô lạnh lùng tiến về phía tôi.

Tôi vùng tỉnh, mồ hôi toát ra đầm đìa. Không còn T nằm cạnh. Bật công tắc bóng đèn mới hay mất điện, tôi cầm đèn pin, hốt hoảng tìm sang phòng T. Căn phòng lạnh ngắt. T đi đâu? Bỗng nhận ra bức vách giữa phòng T với phòng thờ rung bần bật, tôi bước sang, lẩy bẩy đẩy hé cánh cửa. T đang ngồi thu lu trong góc tối, ôm khư khư di ảnh cô gái, cố nén tiếng nấc. Hoa xuyến chi rụng tả tơi, rải trắng nền đất. Một luồng hơi lạnh chạy dọc sống lưng tôi.

– Anh đang làm gì ở đây?

T chưa kịp nói gì thì đột nhiên, ngoài sân có tiếng bước chân đạp lên củi khô răng rắc, càng lúc nghe càng rõ. T gọi giật:

– Hổ đấy, đóng cửa lại!

Tôi cuống quýt làm theo. Hai cánh cửa phòng này chốt trong hỏng từ lâu, T phải lấy thân mình chèn chặt. Tôi cũng dồn lực vào giúp sức. Con hổ đói dường như đã ngửi thấy mùi người, nó gầm gừ, hết cào loạc xoạc lại thúc mạnh lên cửa, miệng nó phả ra hơi thở khê nồng, khăm khẳm. Tôi nín thở, tim đập thình thịch như sắp nhảy ra khỏi lồng ngực. Mãi một lúc lâu sau, có tiếng gà eo óc gọi sáng, con hổ mới chịu bỏ đi, tiếng bước chân nó đạp lên củi khô lắc rắc xa dần. Tôi đổ khụy xuống, bàng hoàng ôm chầm lấy T. Bức di ảnh rơi trên nền nhà, đôi mắt cô gái hình như nhìn tôi chòng chọc…

– Cô ấy có quan hệ gì với anh?

– Là người anh yêu nhất trên đời. Bảy năm trước, sự phản bội của anh khiến cô ấy uất ức tìm đến cái chết…

Tôi nắm chặt lấy bàn tay run rẩy của T:

– Chúng ta đều có những quá khứ khuyết thiếu. Em chỉ cần biết anh của hôm nay. Mặt trời luôn ở trên đầu chúng ta.

– Anh tệ lắm! Anh không xứng đáng với những điều tốt đẹp!

Thị trấn vốn dĩ đã buồn, mùa mưa về lại càng buồn hơn. Mưa lê thê từ mờ đất cho đến đêm khuya. Sắc trắng hoang liêu nhoày nhấn, phủ trùm lên từng nóc nhà rêu mốc. Tôi mang xoong nồi ra hứng dột. Nước duềnh lên như muốn đong đầy ký ức. Nhớ những đêm mưa buôn buốt, ế khách đến mức đứng tê chân cứng đơ trong những điểm chờ xe buýt, nhấm nháp những vụn da giấy tróc ra trên bàn tay gầy nhẵng của mình, tôi đã nghĩ nhiều về bản thân giữa cơn lốc mưu sinh xô bồ của thành phố. Một gã thợ xây trả giá tôi bằng hai tô phở, tôi ngoan ngoãn gật đầu. Sau lần đó, tôi sợ tất thảy đàn ông trên đời…

T lảng tránh tôi. Những lần chạm mặt nhau, anh chỉ nói mấy lời xã giao gượng gạo. Đêm đêm, anh ôm bức di ảnh nhòe nét, quỳ gối rất lâu trước bàn thờ cô gái, như đang sám hối. Anh vẫn còn yêu cô gái ấy, hay tự sống khắc kỷ là cách anh chuộc lại những lỗi lầm đã gây ra? Tôi không đủ can đảm để bứt anh khỏi căn phòng thờ tối tăm, ủ dột. Tôi cũng không dám chạm vào góc riêng tư nhất trong lòng anh. Mỗi người có một cách khác nhau để trả nợ quá khứ. Tôi chọn cách lãng quên. Anh chọn cách đối diện.

– Ngay từ đầu, em không nên xuất hiện ở đây.

– Là anh không tốt…

– Sẵn đang nghỉ hè, tạm thời, em sẽ rời đi. – Lần thứ hai tôi nói với T câu này để anh không áy náy. – Không phải vì anh, mà là vì thị trấn này quạnh hiu quá. Thà bon chen giữa náo nhiệt còn hơn an yên trong đơn điệu!

Hồi mới đến thị trấn, vài lần, tôi tự hỏi, tại sao con người có thể tồn tại ở một nơi buồn thảm nhường này? Liệu đã có ai chết vì cô độc? T từng là đốm lửa để tôi hy vọng vào một cuộc sống an phận lâu dài. Nhưng sự dùng dằng trong ranh giới tình cảm mong manh thế này sẽ không ổn cho cả hai. Giờ đây, tôi nhận ra, hơn ba năm qua, thị trấn không thay đổi gì nhiều. Nó tẻ nhạt như một vũng nước tù đọng mà tôi cảm tưởng mình là một con loăng quăng trong đó, sớm muộn gì cũng hóa kiếp thành muỗi, bay đi…

– Anh luôn tôn trọng quyết định của em…

Câu nói nhẹ tênh mà rát đau như xát muối. Giá mà T níu kéo tôi một chút, giá mà anh hỏi tôi sẽ đi đâu, hoặc im lặng để mặc tôi tự suy luận ý nghĩ trong đầu anh, tôi đã chưa đủ mạnh mẽ để rời bỏ. Tôi hoảng sợ rằng, rồi đây, chúng tôi sẽ chẳng còn cơ hội gặp lại nhau vì những lý do không tên tủn mủn. Tôi nói với anh, chuyện xảy ra đêm đó với em là hạnh phúc. Niềm hạnh phúc lộng lẫy quệt qua như một vệt sao băng. Anh không cần chịu trách nhiệm với cuộc đời em. Chỉ cần anh sống thật lạc quan là đủ. T nhìn tôi, đôi mắt ngấn đầy day dứt…

Mưa chưa ngớt. Chiếc ba-lô căng ních đã nằm gọn bên góc phòng. Có lẽ thị trấn biết hôm nay tôi đi rồi, nên đã nhờ một cơn mưa khóc tiễn? Tôi lẳng lặng bước vào gian phòng thờ ảm đạm, thắp cho cô gái nén hương cuối cùng. Tôi nói trong tâm tưởng, chúc chị hạnh phúc. Và tôi nhìn gương mặt cô trong di ảnh. Gương mặt trĩu nặng nét muộn phiền u ám. Tôi ôm lấy di ảnh cô, rơi những giọt nước mắt thấu cảm, chúng ta đều là phụ nữ như nhau. Đúng lúc ấy, T bê đến một bát cháo rêu nếp nóng hổi.

– Em tranh thủ ăn đi kẻo nguội.

Mùi cháo rêu nếp khiến cổ họng tôi nao nao. Tôi cố ghìm lại nhưng vẫn nôn khan như lộn cả ruột gan ra miệng. T đặt bát cháo ngoài thềm, chạy đến ôm chầm lấy tôi và cả bức di ảnh thật chặt. Anh thảng thốt:

– Em nhất định phải rời khỏi thị trấn này sao?

Thị trấn đã tạnh mưa tự lúc nào. Ngoài kia, con đường mòn từ ký túc xá dẫn xuống dốc chín khoanh hiện ra rõ nét…

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *