Minh họa | VŨ ĐÌNH TUẤN |
Hơn năm giờ, trời đã tối sẫm. Vậy là hết, ông cụ đứng cạnh tôi than thở. Cụ cũng về thành phố? Tôi hỏi, cụ gật đầu nhưng trái với vẻ lo âu, cụ mỉm cười. Chỉ non hai trăm cây số nhưng đường sạt lở, mọi thứ trở nên khó khăn. Giờ thì mọi hy vọng khép lại. Tôi đưa ra một vài tình huống giả định khi đón không được xe, bắt một chiếc xe ôm để về, xin xe tải chở hàng hoặc bằng cách nào đó, chẳng lẽ ra đến thị trấn rồi bó gối ở lại… Ông cụ dường như đoán được sự lo lắng của tôi.
– Đi về phía kia.
Cụ đưa tay chỉ rồi bước đi linh hoạt. Tôi lon ton theo sau, tới chỗ có nhóm người đang làm nhiệm vụ, cụ đi ung dung đến thẳng một thanh niên mặc quân phục, lấy ngón trỏ cái gõ gõ lên chiếc mũ của một người trong số họ.
– Đón giúp thầy chiếc xe được không?
– Thầy nào ạ?
– Thầy đây này…
Cụ cười hóm hỉnh rồi chỉ vào mặt mình, chàng thanh niên nhíu mày có chút lưỡng lự nhưng rồi anh ta cũng vẫy nhanh, một chiếc xe bốn chỗ đang chạy từ từ rồi dừng lại.
– Sao vậy sếp?
– Cho họ về thành phố giúp tôi.
Tài xế vội vàng xuống mở cửa xe, anh ta bắt tay một số người rồi lên xe chạy một đoạn dài. Dọc đường đi, anh ta không quên trò chuyện về nơi mà anh ta gọi là “Trạm” – chỗ có người thanh niên làm nhiệm vụ kia. Rằng anh ta quen ông Trạm Trưởng, người nhờ xe là Trạm Phó, anh ta rất khó tính và hay nghi ngờ mọi thứ. Mọi bận xe qua đều bị soi rất kĩ, lần này thì không.
Nói như thế thì anh ta chắc chở vật cấm gì đó. Ông cụ gãi đầu quay về phía tôi. Thiên hạ lắm thầy thật, hèn chi nó nhanh nhảu…, rồi ông trầm ngâm. Tôi hỏi ông một số chuyện rất thông thường. Về tuổi tác, về gia đình, về con cái…, nhưng điều quan trọng tôi muốn hỏi, ông cụ có phải là thầy giáo không và anh thanh niên kia có phải là học trò của ông thì lại không hỏi được. Không thể tò mò tới mức khiếm nhã như thế. Ông cụ thì lại khác, ông vẫn nghiêm ngắn với tôi.
– Cô dạy gì?
– Dạ văn.
– Văn bây giờ người ta dạy gì?
– Dạ, dạ…
Tôi thực sự bối rối với câu hỏi tưởng chừng như rất giản đơn. Tôi ậm ừ cho qua chuyện nhưng có vẻ không xong, ông cụ nhìn và chờ đợi câu trả lời của tôi. Tiếng anh tài xế rất to.
– Cảm ơn thầy! Nhờ thầy con lọt được ít thuốc lá lậu.
– Không, đừng đem tôi vào chuyện đó – cụ ông ra vẻ không hài lòng.
– Thầy và cô về đâu ở thành phố?
– Tôi ngã tư đèn đỏ – ông cụ bảo.
– Tôi nhà hát lớn – tôi bảo.
– Tỉnh mình chỉ có duy nhất một nhà hát – người tài xế cười.
– Có một thì không lớn được ư? – ông cụ hỏi.
– Dạ được, dạ được, thầy ạ.
Người tài xế có vẻ kiệm lời hơn sau câu hỏi của thầy. Tôi cũng thế. Suốt đường đi tôi nhìn qua cửa kính. Mưa lấn cả những rặng cây. Chỉ những nơi có gió đi ngang mới nhận ra đằng sau màn mưa trắng xóa là thảm rừng. Tuần nào cũng thế, cứ chiều thứ bảy là trời mưa. Thời gian trước tôi ở lại khu tập thể. Dạo này bố tôi ốm. Những vết bỏng lại tái phát. Hồi còn trẻ, vết thương chẳng làm khó ông. Về già, sức khỏe xuống, những cơn bệnh duồng nhau nên vết thương cũ trở về hoành hành. Mỗi lần như thế ông cứ gọi tôi. Không về không đành lòng nên tôi lội mưa gió để trở về nhà, chiều chủ nhật lại đón xe đi. Chạy xe máy thì chủ động nhưng mùa mưa không an toàn. Tôi mới ra trường một năm thì nhận công tác ở miền núi, đến bây giờ tôi công tác ở đó đã năm năm. So với bạn bè đồng trang lứa thì tôi vẫn may mắn hơn. Bốn đứa học cùng lớp ra trường, chỉ tôi được đi dạy học, số còn lại thi tuyển dụng nhưng không đạt, mặc dù lúc tốt nghiệp ra trường đạt loại khá hẳn hoi. Thi mãi cũng nhọc nhằn nên tìm công việc khác, lâu lâu nhớ nghề cũng nộp đơn tuyển dụng nhưng vẫn trượt. Thầy cô không theo được đam mê của mình bỏ đi làm nghề vất vưởng mặc nhiên trường lớp vẫn thiếu giáo viên và nhà nước có chế độ đãi ngộ cho sinh viên sư phạm, đó là một nghịch lý. Tôi ngồi nhìn vẩn vơ nhưng lại liếc nhìn ông cụ. Chợt sự thiếu tự tin trỗi dậy khi loáng thoáng câu hỏi có phần khá mỉa mai. Văn nay người ta dạy gì? Hy vọng rằng từ đây đến khi xe dừng lại ông cụ sẽ chẳng hỏi tôi thêm câu nào về nghề nghiệp nữa. Nhưng có vẻ không phải thế, ông cụ sắp hỏi điều gì đấy, tôi thấy râu ông cụ rung rung, môi mấp máy. Tôi nín thở, tôi buột miệng.
– Dạ trước thầy dạy ở đâu?
– Tôi dạy ít, người ta biết chữ rồi bỏ thầy. Sau không nghề nên chạy xe đường dài, xe container chở hàng hóa từ bắc tới nam…
Tôi trố mắt nhìn ông cụ. Ồ ra thế. Anh Trạm Phó kia không chỉ dừng lại ở biết chữ và anh ta hành động theo cảm tính. Đây là mánh khóe của những người lái xe, khi mọi thứ dường như hết lối thì họ có thể dùng một vài cách và hành động mà ông cụ vừa rồi là một trong số đó. Tôi cười và lấy lại sự tự tin, tay tài xế dường như đắc chí.
– Lão già lắm chiêu.
– Chiêu gì? – ông cụ cười hỉ hỉ.
– Lão chẳng bảo với tay Trạm Phó lão là thầy đó là gì.
– Thế ai bảo tôi không là thầy.
Lại nữa, tôi thu hồi sự tự tin của mình. Cách nói chuyện của cụ ông chẳng ai đoán được. Cụ bắt đầu hỏi về tôi, về gia cảnh, về nơi ở, rồi hỏi về bố mẹ tôi, ngay cả tên cũng hỏi. Tôi trả lời răm rắp không thiếu một câu nào. Coi như bù cho câu hỏi trước kia mà tôi không trả lời được, nay văn người ta dạy gì.
Sau một hồi trò chuyện với tôi, ông cụ có vẻ điềm đạm hơn. Ông kể chuyện về cuộc đời mình. Năm tám tuổi ông mới học lớp một nhưng mười sáu tuổi mới xong tiểu học. Ngang đó rồi thôi…
Ngang đó rồi ông bỏ thầy, bỏ bạn bè, bỏ trường, cả bỏ làng ra đi. Ông ra đi tới tận bây giờ vẫn chưa lần trở về. Tôi hỏi ông cụ vì sao lại thế? Ông lặng im, nhìn ra tấm gương ướt nhẹp rồi quay lại phía tôi. Dường như mắt ông cay và mũi đỏ, ông cụ định nói điều gì đó, ông dấm dứ vài lần rồi lặng thinh. Tôi vẫn câu chuyện thầy trò của ông cụ.
– Thầy ông nay còn không? – tôi hỏi. Ông cụ im bặt, gương mặt phảng phất chút buồn rầu. Những ký ức thi nhau ùa về, xô đẩy, chen lấn, ngột ngạt… Ông cụ ấn nút cho tấm gương xe thụt xuống, hơi lạnh bên ngoài ùa vào, người tài xế ngoái nhìn vẻ không bằng lòng nhưng lặng im. Tới lúc mưa to, nước mưa tạt ướt người ông cụ anh ta cũng để mặc. Tôi với tay định ấn nút thì ông cụ gật gù.
– Có lẽ thầy tôi vẫn còn, tôi đã có lỗi với thầy, rất có lỗi.
Cũng không tiện hỏi, vì dù sao chúng tôi cũng chỉ là khách qua đường, với lại câu chuyện này đứt quãng, ngoài cụ ra có lẽ không ai hiểu. Còn có người thứ hai, người thầy mà ông cụ nhắc tới. Tôi đưa tay ấn nút cho tấm kính chạy lên, cơn mưa được cắt, màn cửa kính xe ở chỗ ông cụ đục ngầu, lấm tấm, loang lổ.
– Có khi nào bố cô kể chuyện về nghề của mình không? – ông cụ hỏi.
– Rất ít khi ạ.
– Như thế thì chán ngắt, đời giáo viên khối chuyện mà, có khi là chuyện được cho là bước ngoặt.
– Hồi còn là thầy giáo làng, bố tôi đã thoát chết trong cơn hỏa hoạn. Hơn hai mươi tuổi, bố tôi ra trường, nhận công tác ở vùng nông thôn hẻo lánh. Trường lợp lá, phụ huynh học sinh mòn mỏi nhìn thầy vì có nhiều giáo viên tới vài bữa rồi cũng ra đi. Ở đây thiếu thốn đủ bề, làng nghèo thành ra chi cũng thiếu. Họ nhìn ông giáo trẻ với lý tưởng như khúc nhạc dạo đầu, rồi sau đó sẽ là câu chuyện buồn, vì sớm mai người ta thức dậy bảo con thôi đừng đi học nữa, thầy bỏ trường rồi. Nhưng bố tôi ở lại, ở đến khi mái lá mục nát người dân lợp mái khác vẫn còn ở. Mấy đứa học trò đói nhắt cứ hay bám thầy, khi củ sắn, lúc củ khoai, thầy trò có gì ăn nấy. Thường ăn xong học trò ngủ luôn ở nhà lá chứ không về nhà. Vào một ngày gần hè, mái lá cháy rừng rực, bố tôi đạp được cửa để thoát thân nhưng người bị bỏng nặng. Bố đứng nhìn, làng xóm chạy đến nhưng tất cả chỉ còn một đống tro, mấy khúc gỗ cháy nốt rồi nằm im lìm. Người ta xôn xao có người đốt nhưng bố tôi gạt đi, bố bảo bố hút thuốc quên dụi tàn…
– Ừ đúng rồi… – ông cụ buột miệng.
– Cụ biết bố tôi? – tôi trố mắt ngạc nhiên, ông cụ không đáp, chỉ lặng im rồi tiếp câu chuyện của mình.
– Tôi học xong tiểu học, bôn ba một số nơi, có thời gian ba năm tôi dạy xóa mù ở vùng bản, học trò tôi cũng bằng tuổi tôi. Học biết chữ rồi quên chữ rồi lại học. Ở bản một thời gian tôi tiếp tục bôn ba đi khắp nơi. Công việc tôi làm nhiều nhất là lái xe, chỉ có lái xe mới tiêu tốn thời gian và đi được những nơi khác nhau. Tôi không đam mê du lịch, chỉ thích mấy thứ khác nhau…
Câu chuyện chắp vá cũng đủ để kết thúc một hành trình. Ông cụ xuống cùng tôi ở nhà hát chứ không dừng ở ngã tư, ông đứng trước bố tôi với vẻ mặt rất tội nghiệp. Bố tôi nhận ra người học trò cũ bèn ôm lấy thật chặt, nước mắt hai người nhòe ra. Tôi không kìm được nước mắt. Thầy trò nhưng họ già gần ngang nhau. Trong lúc đó tôi có thể mường tượng được khá nhiều về họ và lắp ghép các chi tiết với nhau thành câu chuyện. Tôi thấy lòng mình khá thảnh thơi, dù có hoặc không có lỗi lầm sau bao nhiêu năm xa cách, người học trò già đã tìm đến thầy giáo cũ thì ngoài tình yêu ra không còn gì cản ngăn được họ. Tôi vội vã pha trà rồi lui về phía sau, để không gian cho họ. Từ phòng sách, tôi nghe giọng của bố tôi chậm rãi.
– Thầy khá mệt, nhất là lúc thời tiết vào mùa đông.
– Em có quá nhiều thời gian để suy nghĩ về nó thưa thầy.
Câu chuyện của họ chẳng ăn nhập vào nhau. Bố tôi tuyệt nhiên không hỏi gì về người học trò cũ, chỉ nói về mình. Người học trò cũ cũng chỉ xoay quanh những điều mà ông ta cảm thấy hối lỗi. Tôi lại giả định cho một chi tiết, chính ông ta là người đã phóng hỏa đốt mái nhà lợp lá. Chính ông ta đã gây ra vụ hỏa hoạn với những tàn tích không xóa được trên cơ thể bố tôi. Chính ông ta là thủ phạm! Nhưng còn động cơ? Tôi không hiểu được. Bố tôi chưa hề nói về uẩn khúc nào đó của học trò. Tôi lặng lẽ, không di động để chờ một kết thúc của câu chuyện này.
– Sao em tìm được thầy? – bố tôi hỏi.
– Cô gái rất giống thầy ạ.
– Hồi từ làng trở về, thầy cưới vợ, cô sinh con rồi mất.
– Mái nhà, hôm đó em nướng khoai, đói và buồn ngủ nên em ngủ quên, lúc thức dậy thì nhà cháy to rồi thầy ạ.
– Vì thế nên em bỏ làng đi.
– Vâng, em cứ nghĩ thầy đã chết ở trong đó. Phên tạm, sao thầy không ra ngoài, để khi bỏng người nhiều đến vậy?
– Thầy tưởng em còn ở bên trong nên thầy tìm…
Ông cụ bưng mặt khóc hu hu, bố tôi đi rất chậm đến ngồi kế bên vỗ lên vai học trò. Chuyện gì cũng có cách giải quyết cả, thầy biết em bị ám ảnh với nó. Khi người ta có lỗi, nhất là lỗi lầm thời trẻ nó dễ ám ảnh mình. Sự ám ảnh chẳng phải là điều xấu xa, vì nó cho thấy con người còn lương tri. Bao nhiêu năm em ám ảnh, cũng là bấy nhiêu năm em đi tìm lương tri của mình đấy. Bố tôi nói chậm rãi. Ông cụ chua xót khi lần đầu tiên nhìn những vết bỏng trên người thầy…
LỜI BÌNH CỦA NHÀ VĂN NGUYỄN QUANG THIỀU
Một câu chuyện như cổ tích. Hai người đàn ông đã già gặp nhau. Nhưng đấy là hai thầy trò cũ. Và cả hai cùng trở về quá khứ bằng ký ức của mình. Người thầy không quên và người trò cũng không quên. Mỗi người đã mang theo một bí mật riêng, và khi bí mật của họ được mở ra là lúc Vẻ ĐẸP của tình thầy trò hiện lên như những bông hoa nở trong những khoảng tối của khu vườn.
Câu chuyện đã đưa tôi trở về ngôi trường thuở trước của tôi, và ở đó, tôi tìm lại những thầy cô của mình trong những năm tháng đầy đói rét, đầy thiếu thốn nhưng đấy thực sự là ngôi nhà của tôi và thầy cô thực sự là cha mẹ tôi. Chính tình thương của thầy cô đã cho tôi ước mơ làm người và lớn lên. Tôi nhận ra rằng: tình thương yêu của thầy cô chính là những giáo án kỳ vĩ nhất của một nền giáo dục. Và chỉ với bộ giáo án đó, nền giáo dục mới sinh ra sản phẩm kỳ vĩ của mình: CON NGƯỜI.