Như mọi năm, tầm này nhà tôi mọi thứ đã hòm hòm. Nghĩa là bánh kẹo ăn Tết, mũ mão cúng ông Công ông Táo, quất đào… đã tinh tươm. Riêng năm nay, bước sang ngày 21 âm rồi mà mọi thứ vẫn chưa động tĩnh gì.
Mẹ chồng mấy hôm nay ra vào gióng giả với hai đứa con tôi: “Tết này nhà mình chắc ăn cơm rau”. Thằng lớn hỏi: “Sao Tết lại ăn rau hả bà?”. Mẹ chồng tôi thủng thẳng: “Thì nhà mình đã có cái gì gọi là Tết đâu”.
Hàng xóm sang chơi, mẹ chồng tôi cũng mang chuyện 20 tháng Chạp rồi, nhà nhà sắm Tết, người người sắm Tết mà “mẹ thằng Cò vẫn bình chân như vại, chắc cho cả nhà ăn… Tết ngó”. Nghe thấy cả nhưng tôi nhủ lòng “thi gan” cùng nhà chồng, không thanh minh thanh nga với mẹ chồng.
Thực ra thì từ đầu tháng Chạp, tôi đã nói chuyện với chồng, chia sẻ trước với anh rằng năm nay cơ quan tôi gặp khó khăn, nên chắc chắn tôi không thể trông chờ vào khoản tiền thưởng Tết để tiêu pha như mọi năm. Vì thế, Tết năm nay, anh sẽ chủ động để lo Tết cho gia đình. Những tưởng anh sẽ thấu hiểu mà động viên vợ, nào ngờ, chồng tôi buông một câu lạnh lùng: “Không có thì nhịn”.
13 năm đi làm dâu, con trai đầu của tôi đã lên lớp 7 nhưng chưa bao giờ tôi được chồng chủ động đưa tiền tiêu pha cho gia đình dịp Tết, càng không có chuyện anh biếu ông bà ngoại tiền. Có chăng, chỉ là 200 ngàn, 500 ngàn mừng tuổi ông bà là cùng.
Thực ra, tôi chẳng phải giàu có gì để có thể gánh gồng Tết nhất nhà chồng. Nhưng vì hồi mới cưới, chồng tôi bảo, tôi là phụ nữ, chi tiêu có kế hoạch và chừng mực nên phần thu nhập của tôi dành lo cho gia đình; còn phần thu nhập của anh, để dành lo những việc lớn, chứ mỗi lúc rút lẻ ra tiêu pha, không dành dụm được.
Hồi ấy, cơ quan anh đã trả lương qua tài khoản, còn cơ quan tôi vẫn lấy lương bằng tiền mặt. Nghe chồng nói cũng có lý, với cả, lấy chồng vì tình yêu nên tôi nào so đo tính toán gì. Thu nhập của tôi cũng khá, lại là người không tiêu pha hoang toàng, có bao nhiêu, tôi vun vén cho gia đình nhà chồng bấy nhiêu.
Kể từ khi về làm dâu, mọi việc giỗ chạp, họ hàng, mẹ chồng tôi giao cả cho tôi. Bà bảo, nhà có mỗi mụn con dâu nên phải thay bà quán xuyến. Vậy là Tết nhất, giỗ chạp, bà chỉ việc kê ra những việc cần làm để tôi thực hiện. Sau vài năm thành nếp, nghiễm nhiên các việc này là “nghĩa vụ” của tôi. Muốn chồng thể hiện trách nhiệm với gia đình, nên thi thoảng, cần lo việc, tôi vẫn hỏi tiền chồng nhưng lúc nào anh cũng điệp khúc “làm gì có, tiền còn để lo việc lớn”.
Bạn bè biết chuyện, có người khuyên tôi phải cứng rắn và rõ ràng trong chuyện chi tiêu, đóng góp với gia đình của cả chồng lẫn vợ. Một vài lần tôi cũng đã nói chuyện nghiêm túc với anh, yêu cầu chồng có trách nhiệm với gia đình nhưng anh chỉ à uôm cho qua chuyện, đưa tiền được một hai lần rồi đâu lại vào đấy. Chán cảnh hỏi tiền chồng, tôi luôn cố gắng chi tiêu trong khoản thu nhập của mình.
Gần đây, tôi nghe phong thanh chồng tự ý đầu tư đất đai cùng cô em gái nhưng không cho vợ biết. Tôi đề nghị anh công khai tài chính với tôi song anh mắng tôi “thọc mạch, đàn bà đái không qua ngọn cỏ, biết gì buôn bán bất động sản mà lắm chuyện”. Nhân việc này, tôi yêu cầu anh hàng tháng đóng góp với tôi các khoản chi tiêu chứ tôi sẽ không lo toan một mình nữa. Tức thì anh quắc mắt bảo tôi “đang sống trong nhà của ai mà chia bôi tiền bạc”. Tôi nghẹn ngào nuốt nước mắt vào trong vì không ngờ, chồng tôi nghĩ tôi đang… sống nhờ trong nhà của bố mẹ anh! Phải chăng vì thế mà từ mẹ chồng cho đến chồng luôn cho rằng tôi phải có trách nhiệm chăm lo vô điều kiện cho nhà chồng?
Câu chuyện hỏi tiền Tết của chồng mới đây chỉ là cốc nước tràn ly. Hôm nay 21 âm tháng Chạp rồi nhà tôi vẫn chưa động tĩnh một cái gì của Tết. Hôm trước, chồng tôi dọa sẽ ly hôn nếu tôi còn tư tưởng “chia” tiền chi tiêu gia đình mỗi tháng cho anh.
Thú thật, đến giờ này, cơ quan tôi vẫn chưa động tĩnh gì lương thưởng tháng thứ 13 như mọi năm. Thậm chí, lương tháng trước mới được tạm ứng một nửa.
Nhìn lại mình, có lẽ, sai lầm của tôi là ngay từ đầu khi làm vợ, đã không rạch ròi kinh tế với chồng, để rồi anh được đà lấn tới, vô cảm trước những cố gắng và hy sinh của vợ.
Tôi đã sai quá lâu rồi, giờ tôi không thể nhân nhượng với chồng được nữa. Vì những ngày tương lai không còn ấm ức, tôi đã sẵn sàng tinh thần đối diện với một cái Tết không êm đềm. Nếu chồng không đưa tiền, nhất định, thà ly hôn chứ tôi không chi một đồng cho Tết nhà chồng nữa.
Theo Phụ nữ Việt Nam
Mẹ dặn 5 con gái ở xa: Tết về mùng nào cũng được, đừng tranh cãi với nhà chồng
Lần đầu ăn Tết nhà chồng, nàng dâu run rẩy trước bảng chi tiêu của mẹ
Thu Sao kể chuyện làm dâu ở tuổi 68: ‘Về đến nhà chồng là lao vào dọn dẹp’