Vợ Tùng quăng vào hắn ánh mắt sắc như dao cau: “Tại anh! Tại anh hết! Anh có biết là từ đầu ngõ đến cuối ngõ, người ta đang bàn tán về anh không? Hễ thấy em đi qua, họ càng xì xào to hơn cho em nghe thấy”.

Tùng không tin vào những gì hắn vừa nghe: “Vô lý! Anh đắc tội gì với họ mà họ nói xấu anh nhỉ?”. Không thể chịu đựng thêm nữa, chị chỉ thẳng vào một vết màu xanh đen to tướng trên cánh tay anh: “Thì đó! Người ta bảo dân nghiện xăm trổ như anh chắc chắn là chơi với hội đầu gấu chứ không phải dạng vừa. Thứ sở thích quái đản của anh làm tôi vạ lây đó, anh thấy tôi khổ không?”. 

{keywords}
 

Tùng ngửa cổ lên trần nhà, cười chua chát: “Haha, Tại anh á? Em nên ngẫm lại bản thân mình đi. Vì sao trên người anh có những hình xăm này? Em xem nhá, hình xăm mũi tên đâm vào tim này là lúc anh biết mình yêu em, hình xăm loằng ngoằng trên bàn tay anh thể hiện nhịp tim thay đổi bất thường khi lần đầu anh được nghe em thốt lên câu “Em yêu anh”, bông hồng bên ngực trái này là để kỷ niệm ngày anh cầu hôn em”. 

Còn đây, cái hình xăm vô nghĩa này là khi chúng ta cãi nhau, anh cũng đã đi xóa ngay khi em chủ động làm lành. Chẳng qua hình xăm là thứ không thể xóa hết được nên nhìn nó hơi bẩn bẩn tí thôi… Đấy, có thế thôi mà bảo anh chơi với phường đầu trộm đuôi cướp mà nghe được à?”.

Tùng vừa nói vừa bức xúc đến mức đỏ cả mặt. Hắn sống theo cảm xúc thay vì lý trí, lúc nào cũng chỉ biết đến vợ con nên ít khi giao lưu với hàng xóm. Thấy hắn lầm lì, ít nói, lại có nhiều hình xăm nên người ta đánh giá sai về hắn, thay vì trách móc hắn, tự nhiên vợ hắn lại thấy thương hắn hơn. 

Vợ hắn dịu dàng kéo chồng ngồi xuống, tỉ tê: “Thôi mình đừng tranh cãi chuyện này nữa. Em bảo này, anh có muốn người trong xóm thay đổi suy nghĩ về anh không? Thế này nhé, em thấy xóm mình đang hô hào chiến dịch “Tình làng nghĩa xóm”, mọi người thu gom lương thực, quần áo và tiền mặt để hỗ trợ những gia đình hoàn cảnh khó khăn. Em nghĩ anh nên tham gia cùng mọi người, khi có dịp tiếp xúc với anh, họ sẽ thấy anh khác hoàn toàn so với những gì họ định kiến về anh”.

Kể từ ngày Tùng tham gia hội thiện nguyện trong xóm, không mấy khi vợ hắn thấy hắn ở nhà, vợ hắn rút máy gọi cho hắn, lúc thì hắn bảo “Anh đang ở bên nhà bà Nhinh để thay giúp bà cái bóng đèn”, khi thì “Anh giúp chú Tuất thông cống”… 

Tùng quá bận nên một mình vợ hắn phải gánh hết việc trong nhà. Tuy mệt nhưng tinh thần vợ hắn khá thoải mái vì dạo này đi đâu cũng được nghe những lời khen có cánh về chồng: “Chú Tùng trông khù khoằm thế thôi mà hiền ơi là hiền”, “Thằng Tùng vừa tốt bụng vừa khéo tay”, “Người ta nói thế gian được vợ hỏng chồng, đằng này, nhà cô chú ấy xuất sắc cả đôi, đúng là cặp đôi lý tưởng”…

Kế hoạch “tẩy trắng” cho Tùng có vẻ thành công. Vợ hắn ngước lên tường nhìn đồng hồ, gần 11 giờ đêm mà Tùng chưa về. Thấy lạnh, vợ hắn chạy lên nhà, mở tủ định lấy thêm áo len mặc cho ấm thì bàng hoàng vì thấy ngăn tủ treo áo mùa đông không còn một cái nào. Vợ Tùng hốt hoảng bấm số chồng: “Anh ơi, áo ấm của em đi đâu hết rồi? Đừng bảo anh mang đi thiện nguyện hết rồi nhé!”. 

Đầu dây bên kia, Tùng phân bua: “Ừ thì… thế! Thôi em chịu khó quấn chăn cho ấm, anh nhớ là đống chăn nhà mình vẫn còn nguyên vẹn, anh chưa đem cho cái nào. Mấy hôm nữa rảnh, vợ chồng mình đi sắm loạt đồ mới em nhé”.

Theo Giáo Dục và Thời Đại