Nhiều người nói rằng, khi nào chồng ngoại tình, chồng phản bội hay cờ bạc nợ nần tiền tỷ hãy tính chuyện ly hôn. Còn nếu không thì đừng dại dột đưa ra quyết định đó bởi có chuyện cũng hãy “cố sống vì con”.
Tuy nhiên, nhiều người chẳng coi cái “cố sống” đó là lý tưởng cả đời. Họ phải tìm cách vượt qua tất cả.
Cuộc hôn nhân tột cùng của sự nhàm chán
Mới đây, một cô vợ 30 tuổi chia sẻ chuyện hôn nhân. Hiện tại, cô và chồng đã có một cậu con trai 2 tuổi. Hai vợ chồng đều làm nhà nước, lương cơ bản, chi tiêu thoải mái chẳng hề phải suy nghĩ.
“Chồng mình thuộc tuýp dễ bằng lòng với cuộc sống, thích hưởng thụ và ưa nhàn. Đi làm về anh cầm điện thoại ngắm cây cảnh, ngắm ô tô. Vợ đi làm về thì một tay nấu cơm, tắm rửa cho con, chồng đợi cơm chín dọn ra mời vào thì ăn, ăn xong lại xem điện thoại”, cô vợ kể.
Có những ngày, hai vợ chồng cô chả nói với nhau câu nào. Nếu có nói cũng chỉ những thứ cơ bản mang nội dung thông báo cần mua gì, đón con hộ, nhắc nộp tiền điện, nước… Nếu cô vợ có tâm sự thì chồng nghe dăm câu rồi à ừ vì còn bận.
Ảnh minh họa.
Thậm chí nhiều lần anh chỉ xem chứ không đáp, 10 phút sau gõ lại một dòng chẳng liên quan đến cái vợ nói. Ngoài ra, chồng cô còn có một “em gái mưa” khiến người vợ khó chịu tận cùng.
“Chồng có cô bạn đồng nghiệp thân lắm, mình biết 2 người họ chả bồ bịch nhưng kiểu cái gì cũng kể với nhau, tâm sự như tri kỉ tâm giao ấy. Hai vợ chồng cãi nhau bao lần về vấn đề này nhưng cũng chả đi tới đâu, chán quá nên mình cũng chẳng buồn để tâm”, cô vợ kể.
Dần dần, cô vợ từ không để tâm đến chẳng buồn quan tâm nữa. Cô vô cảm với chồng, sống như hai người xa lạ thuê chung nhà. Chuyện hôn nhân cũng vì vậy mà rơi vào ngõ cụt.
Quyết định ly hôn lúc 3 giờ sáng
Cho đến một hôm, chồng đi nhậu với đội bạn cũ, 12 giờ đêm về sau khướt, nôn ọe khắp nhà. Anh ta còn lèm bèm trách móc vợ chẳng biết chia sẻ với chồng.
Khi đó, con thì ốm, vợ thì mệt, tự nhiên lúc lau dọn bãi chiến trường nôn ọe của chồng mà cô cảm thấy thất vọng đến tột cùng. Cô tự hỏi mình còn phải sống trong mớ hỗn độn này đến bao giờ nữa. Và cuối cùng, đêm ấy lúc lên giường đi ngủ khi đã 3 giờ sáng, cô quyết định ly hôn. Đó là một quyết định táo bạo nhất cuộc đời cô.
Tuy nhiên, quyết định đó không được gia đình cô ủng hộ. Khi cô nói chuyện với mẹ, mẹ cô hỏi ngược: “Ly hôn vì cái gì, chồng mày không cờ bạc rượu chè, không nghiện hút gái gú, mày còn muốn gì, mày sướng quá hóa rồ hả con?”. Cô nhắn cho chị gái thì kết quả cũng tương tự như thế: “Lí do là gì, chồng mày hiền lành tử tế thế còn đòi hỏi gì? Bớt bớt cái tính trẻ con lại, thả ra đứa khác nó hốt ngay”.
Cô kể: “Cả ngày hôm ấy mình tự hỏi mãi, đàn ông cứ không rượu chè, gái gú cờ bạc, cứ hiền lành sẽ là người chồng tốt ư? Dù người chồng ấy chẳng chia sẻ việc nhà, chẳng thèm chăm con.
Ra bên ngoài anh ta tử tế, tâm lý với tất cả mọi người nhưng lại thờ ơ với cảm xúc của vợ mình. Anh ta coi bất kể nỗi đau nào của vợ cũng là làm quá, bất kể tâm sự gì của vợ cũng là nhảm nhí. Dù có như thế vẫn phải cố gắng sống chung với anh ta cả mấy chục năm cuộc đời ư?
Một đời dài quá, mình chẳng thể nói ra lí do để ly hôn là gì nhưng mình nghĩ nếu thực sự cảm thấy không hạnh phúc trong hôn nhân thì nên mạnh dạn chọn dừng lại. Ly hôn để giải thoát, không làm nhau hạnh phúc cũng được nhưng ít nhất đừng dằn vặt làm khổ nhau”.
Hôn nhân là cùng chung tay, chung sức, cùng xây dựng gia đình hạnh phúc. Nếu như hôn nhân đánh mất đi những giá trị đó thì có duy trì, hai bên cũng chẳng tìm thấy bình yên bên nhau. Tình yêu và hôn nhân giống như uống trà, nóng hay lạnh chỉ có người trong cuộc mới biết. Bởi vậy, nếu cảm thấy không còn ổn với cuộc sống thì hãy mạnh dạn tự giải thoát chính mình.
Theo Gia đình và Xã hội