Cách đây 2 năm, tôi lấy chồng. Những ngày đầu về nhà chồng còn bỡ ngỡ nên tôi rất lo lắng. Tôi liên tục dặn chồng nhắc nhở mình về thói quen của bố mẹ chồng để biết đường làm theo. Con dâu mới lúc nào cũng lo lắng không phải phép, không quán xuyến được mọi việc trong nhà.
Tính chồng tôi xuề xòa nên với anh không có việc gì là quá quan trọng. Lúc nào câu cửa miệng của anh cũng là “không sao đâu, bố mẹ anh dễ ấy mà”. Nói là vậy nhưng thân làm dâu, tôi luôn muốn hoàn thành trách nhiệm và làm thật tốt nhiệm vụ của mình.
30 Tết đầu tiên ở nhà chồng, tôi tất bật ngược xuôi đi mua bánh kẹo, hoa đào, mai ngày Tết để trang hoàng nhà cửa. Dù mẹ chồng không mấy hài lòng với cách trang trí của con dâu nhưng bà vẫn lặng im cho tôi làm. Xong xuôi, mẹ góp ý tôi phải thế này, phải thế kia. Lúc đó tôi hơi tủi thân nên rơm rớm nước mắt và bị chồng phát hiện.
Những ngày sau đó, dù là việc nhỏ anh cũng nhắc tôi phải làm sao để vừa lòng bố mẹ. Anh bắt đầu thấy mọi việc cần phải để tâm hơn.
Mùng 1 Tết, tôi là dâu mới nên phải đi chào hỏi họ hàng khá nhiều. Nói là nghỉ Tết nhưng tôi thấy mệt gấp nhiều lần những ngày đi làm. Tôi than thở một chút thì anh càu nhàu nói tôi tính tiểu thư.
Sang ngày mùng 2, một mình tôi chuẩn bị cỗ bàn trong bếp, cả nhà ngồi bên ngoài ăn uống chúc tụng khiến tôi chạnh lòng, muốn rơi nước mắt. Tiệc tùng xong xuôi, trời rét căm căm, tôi lại một mình rửa bát đến tê cứng bàn tay.
Tôi vào trong nhà run lẩy bẩy nhưng chồng không thông cảm còn bĩu môi trách móc. Bữa cơm hôm đó có rất nhiều món, tôi làm bằng cả tấm lòng nhưng không nhận được lời khen nào từ chồng và bố mẹ chồng.
Mùng 3 Tết, tôi được về nhà ngoại. Khỏi phải nói cũng biết tôi vui thế nào.
Năm đó ở nhà vợ, chồng nhận ra bố mẹ chiều chuộng tôi vô cùng. Tôi không phải động chân động tay vào mấy việc nhỏ trong nhà. Hơn cả, chị dâu tôi dù là dâu trưởng cũng không phải làm bất cứ việc gì.
Trước Tết, mẹ tôi đã lo chuẩn bị tất cả bánh kẹo, đồ dùng cần thiết trong nhà. Những thứ có thể đi mua được, mẹ tôi sẽ tự sắm hoặc nhờ cô giúp việc sắm trước đó. Những thứ cồng kềnh, anh trai tôi là người lo liệu.
Đến bữa cơm, cả nhà cùng nhau nấu nướng. Mẹ chồng, con dâu, con gái, con trai chung tay cùng chuẩn bị, chỉ có chồng tôi là ngồi uống nước bên ngoài. Xong xuôi, cả nhà cùng nhau ngồi ăn, nói chuyện rôm rả chứ không để ai ở lại trong bếp một mình.
Mẹ tôi còn ưu tiên con dâu không phải dọn dẹp vì có bộ móng tay đẹp. Anh trai thì nhanh nhẹn đeo bao tay rửa bát giúp vợ và mẹ cũng coi chuyện đó rất bình thường.
Năm đó chồng có vẻ ngạc nhiên về khung cảnh ăn Tết ở nhà vợ. Người chưa từng vào bếp nấu nướng như tôi lại trở thành đầu bếp chính ở nhà anh. Người chưa từng sắm sửa Tết trong gia đình như tôi lại trở thành nội trợ chính giúp mẹ chồng mọi việc từ A đến Z. Tuy có hơi vụng về nhưng đó là sự cố gắng hết sức của tôi.
Tôi tin, những hình ảnh về cái Tết gia đình ở quê ngoại năm trước khiến chồng phần nào chột dạ. Thế nên, Tết năm nay, chồng tuyên bố, vợ chỉ việc làm đẹp, sơn móng tay, làm tóc, mọi việc cứ để anh ấy lo.
Anh cảm thấy tôi đã nỗ lực rất nhiều để trở thành một người con dâu tốt. Sự vụng về chưa được lòng mẹ chồng ấy cũng chính là kết quả rất tốt mà tôi trông đợi. Vậy thì tại sao anh không nỗ lực để trở thành một người chồng sẵn sàng san sẻ cùng vợ mình?
Tôi hi vọng từ năm nay, Tết không còn là gánh nặng. Tết sẽ là ngày sum họp, vui vẻ thực sự của cả nhà chúng tôi.
Độc giả Thanh Thanh (Hải Phòng)
Mời độc giả gửi bài Chuyện Tết xưa – Tết nay về địa chỉ email: bandoisong@vietnamnet. |
Vỡ òa tiếng ‘ting ting’ chiều cuối năm
Tết thời 4.0, vợ chồng đi du lịch vẫn lì xì được cả họ
Tết đến lại nhớ tuyệt chiêu ‘con gà có 4 bắp đùi’ của mẹ