Tôi sinh ra ở làng quê thanh bình vùng cao Tây Bắc. Từ nhỏ đã lớn lên trong hương vị của núi rừng và tình yêu thương của bố mẹ. Tuy sống ở vùng cao nhưng bố mẹ tôi lại không phải là người dân tộc. Quê gốc của tôi ở vùng Hà Tây cũ.
Năm xưa, bố mẹ tôi rời xa nơi chôn rau cắt rốn đi khai hoang vùng kinh tế mới. Ở vùng cao lập nghiệp, kinh tế khó khăn nên bố mẹ tôi xác định chỉ sinh một con. Ông bà luôn quan niệm bậc làm cha làm mẹ phải có trách nhiệm với con cái, thà nuôi dạy một đứa con thật tốt còn hơn đẻ một bầy nheo nhóc.
Trong ký ức của tôi, quanh năm suốt tháng gần như không lúc nào thấy bố mẹ tôi nghỉ tay. Từ sáng sớm tới tối mịt, bố mẹ tôi ở trên nương rẫy chăm sóc hàng trăm cây mận đặc sản của nông trường, tranh thủ trồng thêm lúa thêm ngô.
Dù công việc nhọc nhằn vất vả, nhưng bố mẹ tôi vẫn luôn yêu chiều tôi. Bố mẹ cho tôi đi học trường nội trú của tỉnh, với hy vọng sau này tôi sẽ có một tương lai tươi sáng. “Con cố gắng học tập thật tốt, sau này về Hà Nội học rồi kiếm một công việc nhẹ nhàng ổn định chứ đừng ở đây như bố mẹ vất vả lắm”, mẹ vẫn thường động viên tôi.
Hơn 10 tuổi, tôi đã sống xa bố mẹ để đi học rồi đi làm. Nhưng tôi luôn khóc mỗi khi nhớ nhà. Cứ được nghỉ là tôi lại tranh thủ về vùi đầu, hít hà mùi hương tóc của mẹ cho thỏa nỗi nhớ. Không giống như những đứa bạn thành phố, Tết với tôi là những khoảng thời gian đẹp và ấm áp nhất.
Tôi nhớ tình cảm yêu thương gắn bó của bà con làng xóm, nhớ không khí cả xóm hân hoan mổ lợn, gói bánh chung. Nhớ mùi khói lam chiều trong tiết trời se se lạnh…
Những ngày cuối năm, tôi chỉ mong mau chóng được về nhà để cùng bố mẹ dọn dẹp chuẩn bị đón Tết. Tôi chạy lăng xăng cắt lá, rửa lá cho bố gói bánh. Tôi cùng mẹ làm hàng trăm thứ việc tủn mủn không tên.
Thế nhưng, năm nay tôi vừa lấy chồng ở thành phố. Đại gia đình chồng tôi 4 thế hệ chung sống dưới một mái nhà, lúc nào cũng đông vui tấp nập người ra người vào.
Những lúc ấy, cứ nghĩ tới cảnh bố mẹ một mình ở nhà, tôi lại rưng rưng nước mắt. Gọi điện về hỏi thăm mẹ chuyện nhà, chuyện làng xóm xong tôi lại khóc như đứa trẻ lên ba.
Tết Nguyên đán năm nay, vì là dâu mới nên tôi cũng xác định không về quê dọn dẹp nhà cửa giúp bố mẹ được. Nghĩ tới cảnh chỉ có bố mẹ lủi thủi vào ra, tôi lại không cầm được nước mắt.
Tôi định bụng sẽ xin nghỉ làm vài ngày trước Tết để về quê giúp đỡ bố mẹ. Vì hôm Tết Dương lịch, bà nội của chồng tôi tổ chức khao thọ nên tôi không thể tranh thủ về quê thăm bố mẹ được.
Trước khi kết hôn, chồng tôi có nói sau này về làm dâu, tôi chỉ cần nghe lời mẹ chồng là chắc chắn sẽ dễ sống trong gia đình tứ đại đồng đường. Vì thế, tôi nghĩ mẹ chồng tôi là người phụ nữ rất “quyền lực”.
Sáng mùng 1 tháng Chạp, mẹ chồng bỗng rủ tôi đi lễ chùa và dạo phố. Bà bảo cuối năm rồi muốn mua sắm thêm một số đồ trang trí Tết, vì năm nay gia đình có thêm dâu mới.
“Ở nhà mình con cứ mở lòng, coi tất cả mọi người như người thân của chính con. Khi đó con sẽ thấy thoải mái. Gia đình mình không quá câu nệ khuôn phép, ưa hình thức như nhà người ta nên con không phải quá lo lắng”, mẹ chồng nói với tôi.
“Mẹ bảo thằng Tuấn đi mua mấy lễ quả, đến hôm ông Công ông Táo dắt con sang nhà bác cả, nhà chú Ba lễ Tết sớm. Rồi sau đó 2 vợ chồng đi sắm đồ mang về Sơn La ăn Tết với bố mẹ bên đó nhé. Nuôi con gái mấy chục năm trời, đùng phát đi lấy chồng không về là ông bà nhớ lắm đấy. Con về bên đó cho ông bà thông gia đỡ nhớ”.
Tôi còn đang bất ngờ chưa kịp phản ứng, mẹ chồng tôi nói thêm: “Năm nay nhà mình chỉ có 1 việc lớn, đó là mừng thọ cho bà nội Tuấn. Nhưng mọi việc đã xong xuôi hôm tết Dương lịch rồi. Kỳ nghỉ dài ngày tới là lúc mọi người nghỉ xả hơi để lấy lại sức cho năm mới làm việc tốt hơn. Nhà anh cả cũng đi du lịch, bố mẹ và bà cũng đi chơi với các bác hết rồi. Con cứ yên tâm về bên ngoại, không phải lo lắng gì nghe chưa”.
Tôi òa lên khóc, không ngờ mẹ chồng tôi lại tâm lý như vậy. Giờ thì tôi đã hiểu vì sao, gia đình chồng tôi đông người, đa thế hệ mà vẫn luôn vui vẻ, hạnh phúc. Tôi thật may mắn khi có một người mẹ chồng tuyệt vời như thế.
Hồng Nhung
Mẹ chồng nói dâu mới: Cứ vác người về ăn Tết là được, không phải nghĩ gì
Những tưởng về nhà chồng ăn Tăn Tết sẽ chịu đủ thứ áp lực, mệt mỏi nhưng không ngờ tôi lại… “sướng như tiên”.
Cả nhà chồng bàn tán với lì xì của dâu mới
3 năm đã trôi qua, tôi vẫn chưa thể quên câu chuyện đặc biệt xảy ra vào lần đầu tiên vợ tôi về nhà chồng đón Tết.
Dâu mới khốn khổ vì hai hộp bánh biếu Tết mẹ chồng
“Chả biết thế nào, thấy vợ chồng nó cầm về hai hộp bánh. Chắc chỉ có chừng ấy. Chỉ tội tôi tưởng bở, nghĩ năm nay dâu mới sẽ mua quà lớn, quà bé biếu bố mẹ, họ hàng”…