LTS: Tết xưa là mùi thơm tỏa ra từ nồi bánh chưng nghi ngút khói đặt trên bếp lửa hồng, là mùi thơm phưng phức của những chiếc bánh quy tự làm, là vị ngọt man mác của miếng mứt quất, mứt mận, là mùi hồ vương lại trên chiếc áo mới may cho các con, là những nhọc nhằn vị mặn mồ hôi của cha mẹ…

Không sung túc, đủ đầy như bây giờ, nhưng những cái Tết ấy luôn là miền ký ức không thể nào lãng quên, là một thời để nhớ, là nơi để ai đó khát khao tìm về.

Nhân dịp Tết Nguyên đán sắp tới, VietNamNet mời bạn đọc cùng chia sẻ những cảm xúc, những hồi tưởng về hương vị Tết xưa, mà nay bởi cuộc sống hiện đại bộn bề, chúng ta ít có cơ hội được thưởng thức lại. Bài viết liên quan, độc giả vui lòng gửi về: bandoisong@vietnamnet.vn.

Sớm nay ngủ dậy, bước ra phòng ngoài, thấy mẹ đang nói chuyện với bố. Mẹ bảo, “nhanh thật, lại sắp Tết Nguyên đán rồi, năm nay không biết con An có được nghỉ sớm không để còn gói bánh chưng”.

Bố đáp, “ăn được mấy đâu mà bánh với trái, tiết kiệm được mấy đồng mà phải thức khuya dậy sớm cho khổ. Tết ra chợ mua thiếu gì”. Mẹ gắt, “ai chả biết thế, làm để cho có không khí Tết thôi, cho các cháu biết thế nào là Tết ngày xưa vất vả như thế nào, chứ giờ ngày nào chả là Tết”.

Nghe bố mẹ nói chuyện, tự dưng tôi thần người. Bao nhiêu cảm xúc và cả hương vị Tết xưa bỗng đâu tràn về trong tôi.

banh quy gai bao cap.jpg
Bánh quy gai

Những năm 80 của thế kỷ 20, chắc chỉ có thế hệ 7X trở về trước, cùng lắm là 8X đời đầu còn nhớ thôi. Thời kỳ đó, nhà ai cũng nghèo. Cái nghèo giống nhau, nên cảm giác Tết cũng giống nhau. Giống nhau từ mâm cỗ cúng ông bà, giống nhau từ bộ quần áo mới, từ cái bánh đến cái kẹo.

Ấy thế mà khi hỏi nhau, nhiều người bạn của tôi lại chưa từng thử tự làm và thưởng thức một món ăn ngày Tết vô cùng hấp dẫn và ngọt ngào. Đó là bánh quy gai. Chỉ nghĩ thôi, là khoang mũi, khoang miệng của tôi đã ngập tràn mùi bánh thơm phưng phức, mùi sữa, mùi trứng gà…

Trong trí nhớ của tôi, thuở ấy, mỗi lần gần tới Tết Nguyên đán, bố mẹ nhận được một ít tem phiếu mua thực phẩm. Bố sẽ ưu tiên mua bột mì, đường, sữa vì biết chị em tôi rất thích ăn bánh quy và cũng để thực hiện lời hứa suốt 12 tháng “Tết bố cho ăn bánh nhòe”. Trứng gà thì mẹ đã để dành sau mỗi lần đi chợ. Ấy thế mà, tới ngày làm bánh, mẹ lại phát hiện thiếu vài quả vì chị em tôi mang ra rán ăn cơm.

Vào ngày đi làm bánh, tôi và em gái dậy từ 6h sáng, háo hức ngồi chờ bố mẹ sắp xếp nguyên liệu vào các túi nhỏ rồi cho vào chiếc làn nhựa để xách đi. Thực ra, từ tối hôm trước, bố đã chuẩn bị hết rồi nhưng sáng hôm sau mẹ đều kiểm tra thêm lần nữa cho chắc ăn.

Xong xuôi khâu chuẩn bị cũng tới 9h hơn, cả nhà tôi mới “khởi hành”. Cách nhà tôi chừng 3 cây số có lò bánh trung thu của cụ Khả. Lò của cụ chỉ đỏ 2 lần trong năm, vào mùa Trung thu và dịp gần Tết Nguyên đán. Các gia đình gần nhà tôi hễ tới cuối năm đều tới lò cụ Khả để làm bánh quy.

Cụ Khả đã chuẩn bị sẵn cho mỗi nhà 1 cái xô để quấy bột. Là chị lớn hơn, tôi thường giúp mẹ đổ nguyên liệu vào xô. Đầu tiên là bột mì. Mở bao đựng ra, một làn hơi bột trắng xóa bay lên, tỏa mùi thơm dìu dịu. Không biết có phải tôi cả nghĩ không mà thấy mùi bột mì xưa thơm hơn bây giờ.

Sau bột mì là sữa, là đường và lòng đỏ trứng gà. Từng thứ một được cho vào xô đựng. Bố liên tục dùng phơi gỗ đánh đều tay cho mọi thứ cuộn vào nhau. Bố mỏi tay thì tới phiên mẹ, còn hai chị em tôi chạy loanh quanh xem các nhà khác. Nguyên liệu làm bánh cơ bản nhà nào cũng như vậy.

Có một năm, tôi thấy nhà bạn Dũng, hàng xóm với tôi, cho thêm vào xô bột một cục gì đó màu vàng nhạt, rất thơm. Tôi thắc mắc thì bố bảo đó là bơ. Hồi đó, nhà nào sang lắm mới có bơ. Nhà tôi không có, mà cũng phải mãi chục năm sau, tôi mới được ăn bơ lần đầu tiên, cảm giác rất tuyệt.  

Sau khi xong, cụ Khả sẽ đi kiểm tra và cho một nhúm bột gì đó vào, rồi bảo bố tôi nhào thêm lần nữa. Sau này, tôi biết được đó là bột nở. Không có cái bột ấy thì bánh không xốp. Bố tôi lại dùng phơi đánh bột thêm vài lần nữa, rồi mới chuyển xô bột của nhà mình vào trong bếp.

Cụ Khả thường cấm tụi trẻ con chạy vào trong bếp, không phải để che giấu bí quyết gì, mà vì trong ý rất nóng, có nguy cơ bị bỏng. Nhưng chúng tôi vẫn lén vào xem thợ làm bánh vắt bột, cho vào khuôn thành hình con mèo, con thỏ xinh xắn rồi xếp lên khay nhôm trước khi đẩy vào lò nướng.

Em tôi thích những cái bánh quy hình hoa, hình động vật lắm nên cứ mải mê ngồi ngắm thợ làm bánh ấn khuôn vào dải bột, còn tôi thì thích mon men lại gần xem con trai cả của cụ Khả vần cái vô lăng to đùng phía trên một chiếc máy đặc biệt, rồi từ dưới cái máy ấy “chảy” ra dải bánh quy gai.

Một người thợ đứng dưới sẽ cắt bánh thành từng đoạn dài chừng 8cm. Lý do gọi đó là bánh quy gai, vì nó có những chiếc gai ở hai bên như lưng con kỳ nhông.

Bánh quy gai sau khi được “vắt” ra như vậy, thì được đưa vào lò. Ngày xưa, người ta không có lò điện như bây giờ, nên cụ Khả phải thường xuyên theo dõi để đảm bảo nhiệt độ trong lò vừa đủ. Những chiếc bánh rời lò có màu vàng ươm, thơm phức, không chút đen hay vị đắng do quá lửa.

Đợi bánh nguội, cụ Khả đưa cho mỗi nhà một tờ báo để gói bánh vào rồi mới cho vào túi ni lông cuộn lại lần nữa. Bố tôi thường lấy ra vài cái chia cho các con, rồi cất bánh vào tủ khóa lại. Bố nói, bánh để dành đến Tết, nhưng hễ bố mẹ đi vắng, chị em tôi lại lén mở tủ, lấy vài cái ăn đỡ thèm.

Bố mẹ tôi biết thừa chuyện chúng tôi ăn vụng, nhưng không bao giờ mắng. Tới Tết, bố mẹ giả vờ mở tủ rồi kêu toáng lên “nhà có chuột chui vào tủ ăn bánh”. Chị em tôi cười hi hí với nhau, nghĩ bố mẹ không biết. Đấy, mỗi việc “ăn vụng” bánh quy thôi cũng khiến cái Tết hấp dẫn thế nào rồi.

Tết không chỉ là dịp để đoàn tụ, nghỉ ngơi, vui chơi. Tết còn ăm ắp kỷ niệm, là miền ký ức không bao giờ quên. Giờ cuộc sống hiện đại, tự làm bánh rất đơn giản. Có thể mua lò nướng, học công thức, đặt nguyên liệu từ trên mạng. Nhưng khó nhất sẽ là không thể có không khí rộn ràng khi xưa.

Có lẽ vì thế, những cái Tết cứ lặng lẽ trôi qua, năm nay hay năm sau cũng không quá nhiều khác biệt. Những năm tháng nhọc nhằn giờ nghĩ lại chính là thời có những cái Tết vui nhất, tình cảm ấm áp nhất.

Độc giả Hoài An