Lời toà soạn

Chốn công sở, bên cạnh chuyện công việc, chuyên môn, là một xã hội thu nhỏ với đủ hỷ nộ ái ố. Những câu chuyện bên lề nơi công sở đôi khi ảnh hưởng rất nhiều tới năng suất lao động và hiệu quả công việc của các nhân sự.

VietNamNet mở tuyến bài Chuyện khóc cười chốn công sở, mời độc giả chia sẻ những câu chuyện bi hài xung quanh các mối quan hệ ở nơi làm việc của mình. Bài viết xin gửi về địa chỉ email: bandoisong@vietnamnet.vn.

Nhắc đến chuyện khóc cười chốn công sở, tôi không thể nào quên những ngày tháng cống hiến tuổi trẻ, nhiệt huyết tại công ty cũ. Năm đó, tôi đến công ty với quyết tâm kiếm được việc làm, có tiền trả số nợ gia đình đã vay cho mình đi học.

Có lẽ bộ phận nhân sự của công ty đã thấy quyết tâm ấy trong tôi nên nhận tôi vào làm ngay sau buổi phỏng vấn đầu tiên. Ngày đến công ty, tôi rất bất ngờ.

Văn phòng, nơi tôi làm việc có nhiều đồng nghiệp nữ hơn nam. Mọi người ở đây ai cũng mặc đồ sang trọng, lịch lãm. Các chị nhân viên mặc những bộ váy, đi đôi guốc, xách túi xách… mà tôi thường thấy trên các tạp chí thời trang.

Trong khi đó, tôi trông quê mùa và lạc hậu. Tuy nhiên, tôi không buồn, thậm chí còn tự tin nghĩ rằng, một ngày nào đó, khi làm việc thật tốt, tôi cũng sẽ có tiền để ăn mặc sang trọng như mọi người trong công ty.

cong-so-1.jpg
Có lúc, tôi mệt mỏi vì không biết vì sao mình bị đồng nghiệp nữ ghét bỏ, tìm cách cô lập trong công ty. Ảnh minh họa: P.X

Là nhân viên mới, tôi cố gắng thân thiện, hòa đồng với mọi người. Tuần đầu tiên, tôi đặt trà sữa, cà phê đãi các anh chị trong văn phòng. Thật bất ngờ, khi biết đó là quà của tôi, các chị lại tỏ ra thờ ơ.

Có chị trách: “Chưa biết người ta thích ăn gì, uống gì mà đã tự ý đặt. Quà như thế chẳng bằng ép người ta phải nhận. Kiểu này giống như làm cho có, chứ chẳng thật tâm chút nào”.

Có người lại nửa đùa nửa thật với nhau: “Mày còn nhớ không, hồi mới vào làm, tao phải dẫn mọi người đi ăn nhà hàng để ra mắt. Dăm ba ly trà sữa đã là gì”. Nghe vậy, dù rất ngượng nhưng tôi cố cười trừ và nghĩ các chị cố tình đùa.

Ít hôm sau, tôi nghe các chị bàn nhau đi ăn trưa. Dù không ai rủ rê, tôi cũng chủ động xin đi cùng để làm thân. Các chị nhìn nhau kiểu khó hiểu, nhưng rồi cũng gật đầu.

Tôi cứ ngỡ cả nhóm sẽ vào quán cơm văn phòng dùng bữa. Nào ngờ, các chị bảo tài xế taxi chạy đến một nhà hàng quen. Bữa ăn ấy khiến tôi vừa tiếc vừa tức.

Tôi tiếc vì nó quá đắt đỏ so với đồng lương ít ỏi của mình. Tôi tức vì trong bữa ăn, tôi cảm thấy mình như không tồn tại. Không ai để ý, đếm xỉa gì đến tôi.

Làm trong công ty được 1 tháng, tôi dần quen việc nhưng vẫn không tài nào thân thiện được với các đồng nghiệp nữ. Ngoài sai vặt tôi các kiểu, các chị không bao giờ trò chuyện dù chỉ là xã giao với tôi.

Tại công ty, ngoài chị lao công, tôi không thể thân thiết với bất kỳ đồng nghiệp nữ nào. Cuối cùng, tôi biết rằng, các chị chơi theo đẳng cấp. Tôi nghèo, không đẹp và thiếu sang trọng nên các chị không cho chơi chung.

Thậm chí, các chị còn cảm thấy tôi làm xấu đội hình mỗi khi xuất hiện cùng nhau ở một sự kiện nào đó của công ty. Các chị luôn tìm cách để tôi đứng phía sau, đứng ngoài cùng hoặc đứng cùng nam đồng nghiệp lúc chụp ảnh nhóm…

Lâu dần, tôi quen với cảnh không được các chị đón nhận. Tôi cũng không quan tâm đến chuyện phải làm vừa lòng các chị nữa. Tôi tập trung làm việc, cố gắng khai thác tệp khách hàng của mình.

Tôi nghĩ khi được cấp trên công nhận, các chị sẽ nhìn mình với ánh mắt khác. Cuối cùng, những nỗ lực của tôi cũng được giám đốc ghi nhận.

Tôi được tăng lương, khen thưởng trong những cuộc họp. Tôi là nhân viên có doanh số bán hàng lớn nhất dù chỉ được phép tiếp cận đối tượng khách hàng là người bình dân.

Sau khi “giật giải” nhân viên xuất sắc nhất năm, tôi tự tin các chị sẽ nể trọng, kết thân với mình. Nào ngờ, thành công ấy lại khiến tôi càng bị mọi người ghét bỏ, tìm cách làm khó.

Sau những lần được khen, tôi trở thành cái gai trong mắt các đồng nghiệp nữ. Tôi không thể ăn cơm mình mang theo tại văn phòng vào mỗi trưa. Bởi, các chị liên tục ý kiến, báo cáo cấp trên rằng mùi thức ăn của tôi làm hôi văn phòng.

Tôi cũng không được phép dùng máy tính, hay bật điện thoại giải trí vào giờ nghỉ trưa. Vì như thế, ánh sáng, tiếng động khiến các chị không thể ngủ, nghỉ ngơi.

Đã thế, các chị luôn quan sát, thăm dò để rồi phán xét các hành động, lời nói của tôi, kể cả khi tôi thấy mình chẳng làm gì sai trái. Rồi các chị cố gắng cô lập tôi, thậm chí tác động cấp trên để giao cho tôi nhiều việc hơn.

Sợ bị mắng, tôi luôn nỗ lực hoàn thành. Dù biết bị làm khó, tôi cũng cố gắng thực hiện những việc vặt mà các chị cố tình bắt bẻ, o ép tôi làm.

Nhưng tôi càng nỗ lực, càng hoàn thành tốt lại càng bị ghét. Giám đốc càng khen tôi, càng tăng lương cho tôi thì tôi càng bị đồng nghiệp quay lưng, cô lập.

Cuối cùng, việc bị đặt điều là “rau sạch” của giám đốc, “đổi tình lấy việc làm”, “chỉ giỏi nịnh bợ”… như giọt nước tràn ly khiến tôi không thể chịu đựng thêm. Tôi xin nghỉ việc, dù thực sự rất yêu thích công việc mình đang làm.

Lúc ra đi, tôi mang theo câu hỏi “vì sao mình lại bị ghét đến vậy”. Đến cuối cùng, tôi mới được tiết lộ rằng, nỗ lực, thành công trong công việc của tôi đã phá vỡ cách làm việc theo kiểu cầm chừng, đối phó của mọi người.  

Độc giả Hiền Trang (TP.HCM)

Ban ngày làm sếp, rời công sở làm bà chủ

Ban ngày làm sếp, rời công sở làm bà chủ

Phụ nữ giờ đây đã tiến công vào cả những lĩnh vực vốn là lãnh địa của đàn ông, đặc biệt là các hoạt động kinh tế, nhằm thiết lập các quan hệ xã hội bền vững và công bằng hơn.