Mẹ và con gái căng thẳng vì cô giúp việc - 1

Ảnh minh họa.

Gia đình tôi khá cơ bản nên tôi được đảm bảo một cuộc sống ổn định, không áp lực kinh tế. Mẹ tôi đã về hưu, tôi mới ly hôn và nuôi con một mình nên bao nhiêu thời gian bà đều dành hết cho tôi.

Họ hàng bên nhà tôi còn bảo: “Mày sướng! Được bố mẹ chiều chuộng, chẳng thiếu thứ gì”. Về cơ bản là vậy. Nhưng ở trong chăn mới biết con rận to như thế nào.

Chung quy vẫn là chuyện mẹ và con gái “lệch pha”. Khi công việc của tôi bước vào giai đoạn cao điểm, tôi tuyển ngay một giúp việc chuyên nghiệp, cô bé này từng làm việc rất tốt ở những gia đình khác. Cứ ngỡ giải pháp này giải quyết được mọi vấn đề: Tôi yên tâm đi làm vì thằng Ben đã có người trông, cũng như không phải nhờ vả bà ngoại bất cứ việc gì liên quan đến cháu.

Thế nhưng kể từ ngày đó, cuộc sống gia đình tôi bắt đầu “nổi sóng”. Có hôm mẹ kéo tôi vào một chỗ, phàn nàn: “Con ơi, đuổi giúp việc này ngay cho mẹ. Nó không biết trông trẻ con gì cả, toàn cố tình cấu cho cháu mẹ khóc. Chưa kể nó cứ thản nhiên sử dụng đồ đạc của nhà mình”.

Chưa cần xét lời kể của mẹ có bao nhiều phần trăm là sự thật thì tôi cũng biết chắc chắn một điều giúp việc nhà tôi chẳng dại gì mà làm thế. Ben là đứa trẻ ngoan, nếu không có sự kiện gì quá ghê gớm thì nó chẳng bao giờ khóc, chưa kể nết ăn ngủ rất trộm vía. Thực thế thì giúp việc nào cũng thích trông một đứa trẻ như Ben nhà tôi, công việc của họ vì thế mà nhàn hơn.

Hơn nữa, ngoài việc trông cháu, giúp việc nhà tôi còn phải nấu cơm, rửa bát, giặt giũ, nếu không dùng đồ đạc trong nhà tôi thì con bé sang nhà hàng xóm dùng nhờ à… Vì không muốn mẹ tự ái khi nghĩ rằng tôi không tin lời bà nên tôi vẫn phải nói khéo: “Mẹ yên tâm, để con nhắc nhở con bé”.

Hôm sau, giúp việc lại kéo tôi vào một chỗ, khóc thút thít: “Cô ơi, ngày nào bà cũng theo dõi nhất cử nhất động của cháu, cháu làm gì bà cũng cằn nhằn, thậm chí quát mắng, có hôm bà còn bảo: “Mày không làm được thì đi chỗ khác”. Có khi cháu không giúp cô được nữa…”.

Nghe lời giúp việc kể tôi cũng thấy bàng hoàng, những gì mẹ tôi thể hiện khác hẳn với kiểu một người hiền lành và “kiệm lời”. Chưa biết xử lý sự việc này thế nào, tôi an ủi giúp việc: “Cháu đừng lo, cứ ở lại giúp cô nhé, bà già rồi nên nhiều khi hơi khó tính, cháu cứ nghe tai này rồi cho ra tai kia”.

Bố tôi về, được nghe tôi tường thuật sự việc thì lăn ra cười: “Con quên ngày xưa mẹ con từng làm trong ngành điều tra à? Chuyện bà ấy theo dõi giúp việc nhà mình cũng dễ hiểu thôi mà”. “Bố suy nghĩ quá đơn giản, trong khi ngày nào con cũng phải đau đầu xét xử những xung đột giữa mẹ và giúp việc thì bố chẳng tìm ra giải pháp nào giúp con cả. Chuyện như vậy không thể tái diễn mãi được, con không muốn mất công tuyển người giúp việc khác đâu bố ạ”.

Nghe tôi nói vậy nhưng bố vẫn cười xòa: “Không đến mức ấy đâu, con đừng căng thẳng”.

Một hôm, tôi hí hửng xách túi hoa quả về thì bị hàng xóm chặn lại, thông báo: “Chẳng biết có chuyện gì mà lúc nãy bác thấy giúp việc nhà cháu vừa khóc vừa chạy ra khỏi nhà, còn mang theo cả hành lý nữa”.

Đoán có điều chẳng lành, tôi cuống cuồng chạy về, mẹ tôi đang bế thằng Ben, thái độ tỉnh bơ: “Nó chẳng giúp được việc gì nên mẹ đuổi nó đi rồi. Con bảo tuyển đứa khác đi. Mẹ chỉ trông thằng Ben hôm nay thôi đấy”.

Mẹ tôi liên tục kiếm chuyện với người giúp việc thì tôi bói đâu ra người vừa trông trẻ vừa lo chiều chuộng, nịnh nọt “bà chủ” trái tính trái nết này?

Theo Giáo dục và Thời đại