Tôi sinh ra và lớn lên ở làng nghề mộc truyền thống. Từ trước tới nay, ở làng tôi, mọi người không chú trọng việc cho con cái học cao. Với nhiều gia đình, chỉ cần con học hết phổ thông rồi sẽ theo bố mẹ làm nghề. Nhà nào khá giả thì cho con mở xưởng sản xuất riêng, nhà nào không có điều kiện thì cho con đi làm thuê cũng đủ sống.
Bố mẹ tôi thì khác. Dù nhà tôi kinh tế khá vững, có xưởng mộc với 10 công nhân vào mùa làm không hết việc nhưng bố mẹ vẫn luôn nhắc chị em tôi cố gắng học lên đại học.
“Các con cố gắng ăn học thành tài. Bố mẹ cho các con đi học thoát khỏi lũy tre làng, ra ngoài xã hội mở mang kiến thức. Sau này, nếu các con không đi làm ở đâu thì về làng làm nghề cũng chưa muộn. Các con có tri thức chắc chắn sẽ hơn bố mẹ chỉ kinh doanh bằng kinh nghiệm”, bố tôi nói.
Hùng là người yêu của tôi, hơn tôi 6 tuổi. Chúng tôi yêu nhau khi tôi mới học lớp 11. Anh có tài kinh doanh nên sớm được bố mẹ giao quản lý xưởng sản xuất đồ nội thất của gia đình. Anh vẫn thường trêu đùa rằng “nuôi” tôi từ khi còn đi học, chắc chắn sẽ không để tôi đi học đại học rồi tuột vào tay người khác.
Cuối năm 2021, bố anh mắc bệnh hiểm nghèo. Mẹ anh giục chúng tôi kết hôn: “Các con yêu nhau cũng được 3 năm rồi, cưới luôn mà đẻ con để cho bố được nhìn thấy cháu”.
Khi đó, tôi đang học năm thứ 2 đại học. Tôi thực sự không muốn bỏ dở việc học. Nhưng vì yêu anh, vì muốn chia sẻ áp lực cùng anh, tôi đồng ý kết hôn với điều kiện: tôi vẫn được đi học đại học. Bố mẹ tôi vẫn sẽ tiếp tục chu cấp cho tới khi tôi tốt nghiệp.
Vậy là tôi lên xe hoa khi vừa tròn 20 tuổi. Chồng tôi rất yêu chiều tôi. Anh thường xuyên mua quà tặng tôi, đưa tôi đi chơi hay xem các chương trình giải trí ở thành phố. Anh bảo đó là để đền bù tuổi thanh xuân cho tôi, chưa kịp vui chơi đã phải làm vợ.
Cuộc sống hôn nhân của tôi êm đềm trôi qua. Chỉ có điều, hơn 1 năm rồi tôi vẫn chưa có tin vui.
Mẹ chồng dần thay đổi thái độ với tôi. Có lần tôi nghe thấy bà nói chuyện với bác hàng xóm: “Chả có ai như nhà tôi, chiều dâu con đến thế là cùng. Con nhà người ta về làm dâu thì làm tròn bổn phận. Con dâu nhà này chả phải làm gì, mỗi việc học với đẻ mà không xong”. “Trước tôi đồng ý cho nó cưới xong vẫn được đi học vì nghĩ kiểu gì khi về làm dâu, nó bận con bận cái làm sao mà đi nổi. Thế mà tôi chờ mãi chả thấy cháu đâu. Ông nhà tôi chả biết chờ được bao lâu nữa”.
Nghe những lời mẹ chồng nói, tôi buồn lắm. Nhưng việc mang thai có phải tôi muốn là có ngay được đâu.
Tôi có 5 cô bạn thân cùng làng. Chúng tôi chơi với nhau vì học chung trường từ tiểu học tới hết cấp 3. Các bạn tôi đều có con bế con bồng, còn tôi vẫn đang là cô sinh viên, đi lấy chồng nhưng vẫn được bố mẹ đẻ nuôi.
Nghe tin sắp có show diễn của nhóm nhạc Hàn Quốc vào cuối tháng 7, mấy “mẹ trẻ” – bạn tôi cũng hí hửng rủ nhau săn vé đi xem. Bạn tôi còn sắm luôn bộ áo đồng phục theo trend (xu hướng) đen – hồng cho cả nhóm.
Thấy chúng tôi cười nói vui vẻ, mẹ chồng tôi cũng vào nói chuyện. “Các chị em chơi với Hương, có kinh nghiệm gì chia sẻ hướng dẫn cho em nó, chứ lấy chồng cả năm rồi mà thế này thì không ổn chút nào. Việc nhà chưa lo xong suốt ngày bay nhảy cứ như đang độc thân vậy. Bác không hài lòng chút nào”.
Khi biết tôi sẽ cùng lũ bạn đi show diễn BlackPink, giá vé mấy triệu mỗi người, bà bỗng không tiếc lời nhiếc móc tôi ngay trước mặt các bạn.
“Tôi không ngờ chị chưa làm ra tiền mà lại phung phí tiền bạc của con trai tôi như vậy đấy. Chị xem đã làm tròn bổn phận của mình chưa mà sớm hưởng thụ như vậy. Tốt nhất chị bán lại cái vé này cho ai cần. Chị mà đi, sẽ không có cửa quay về nhà đâu”. Mẹ chồng tôi nói xong đùng đùng bỏ ra ngoài, mặc tôi bẽ bàng trước mặt bạn bè.
Mấy đứa bạn nhìn tôi e ngại. Chúng thì thầm: “Chưa thấy ai như mẹ chồng mày. Mẹ chồng gì mà chẳng giữ thể diện cho con dâu. Cưới vợ cho con trai chứ phải cái máy đẻ đâu mà bà bảo đẻ là phải đẻ luôn được”.
Bạn bè tôi lục tục kéo nhau ra về. Mình tôi vẫn đứng giữa nhà hoang mang không biết phải làm gì tiếp theo.
Minh Hương