Linh lấy Thắng qua mai mối. Lần đầu gặp Thắng cô rất ngạc nhiên vì sao một chàng trai cao ráo lại có khuôn mặt cũng vào hàng đẹp đẽ ưa nhìn như vậy mà gần 40 vẫn chưa lấy được ai. Trước Linh, Thắng đã có khoảng 2 mối tình, không mối tình nào đi đến đâu cả.
Gặp được Thắng, Linh hào hứng “vồ” ngay vì cô cũng đã bước sang đầu 3. Bao nhiêu năm chuẩn bị sẵn sàng để lấy chồng, công việc đã ổn, thu nhập thì cao, nhà cửa cũng có luôn mà cô chỉ thiếu mỗi một người làm chú rể. Gặp được Thắng, Linh quá đỗi vui mừng. Quen nhau chừng 2 tháng là hai người làm đám cưới.
Lấy Thắng rồi Linh mới có thời gian quan sát để mà… sốc lên sốc xuống. Chồng cô đi làm công chức cho một Bộ thuộc nhà nước thật đấy nhưng lương ba cọc ba đồng, thu nhập hàng tháng còn không đủ tiền ăn sáng với đổ xăng nuôi… ô tô, nên mỗi sáng anh đều cầm thêm… 100 nghìn mẹ “phát” cho để trên bàn, lận lưng khi ra đường còn ăn sáng, uống cà phê.
Việc nhà Thắng không bao giờ động tay động chân, đến đôi tất bẩn anh cũng vứt trên giường chờ vợ dọn. Linh hỏi Thắng trước giờ chưa có vợ thì ai dọn cho anh,Thắng nói đương nhiên là mẹ. Bố mất sớm nên bao nhiêu yêu thương mẹ dồn cả cho anh.
Mẹ cho tiền ăn sáng, mẹ nấu cơm cho ăn, mẹ giặt quần áo, mẹ thay khăn, thay tất, thay ga trải giường, thay từ cái bàn chải đánh răng đến cái khăn mặt trong phòng tắm của Thắng, tất cả mọi việc anh đều để mẹ làm. Kinh tế trong gia đình cũng vẫn là mẹ gánh vác từ công việc kinh doanh. Chồng Linh cứ như là đứa trẻ lên 3 vậy.
Được mẹ nuông chiều thế nhưng Linh thấy Thắng không biết thương mẹ. Anh đi chơi với bạn, mẹ có ốm gọi về cũng không về, lại điện cho Linh đang tăng ca ở cơ quan bảo về xem mẹ thế nào. Về đến nhà thấy mẹ chồng lên cơn tiền đình thở không ra hơi, mắt nhắm nghiền nằm trên giường vẫn bảo Linh “xem cơm nước cho thằng Thắng thế nào” làm Linh tức muốn quạu luôn với mẹ. Cô bỏ ngoài tai lời mẹ chồng, gọi điện cho bác sĩ quen hỏi nên làm thế nào, rồi đặt nồi cháo, đi mua thuốc cho bà uống. Mẹ chồng ăn cháo, uống thuốc xong nằm ngủ cũng là lúc chồng Linh về.
Về đến nhà anh hoạnh họe ngay chuyện cơm nước, cằn nhằn vợ ở nhà mà có bữa cơm nấu cho chồng cũng không xong. Hồi chưa lấy vợ chỉ có hai mẹ con nhưng chẳng bao giờ mẹ để cho anh phải đói. Linh tức khí xả luôn vào mặt chồng: “Anh xem anh là trẻ con lên 3 à hay què cụt tay chân mà không tự mình nấu được cơm? Em làm gì từ lúc về đến giờ, anh vào nhìn mẹ thì biết. Anh nói em làm vợ không nên thân, còn anh làm con kiểu gì mà mẹ ốm gọi cũng không về thế?”.
Linh vốn là người thẳng tính, nóng nảy, trong công việc hay các mối quan hệ trước giờ luôn là người nói thẳng ruột ngựa không nhịn ai. Thắng trợn tròn mắt còn mẹ chồng dù ốm nghe to tiếng cũng cố lết ra phòng, “giận bay màu” quát con dâu: “Đâu cái thứ vợ mắng chồng xơi xơi thế. Thôi con không làm được thì để mẹ làm”.
Linh vốn chỉ muốn nói cho chồng hiểu anh sai thế nào, nhưng thái độ bênh con trai chằm chặp của mẹ chồng lại khiến cô thêm tức giận: “Mẹ chiều anh ấy như vậy, bảo sao chồng con chỉ là đứa trẻ to xác không bao giờ chịu lớn”. Thắng nghe vợ xúc phạm không chịu nổi thì cho Linh luôn một bạt tai. Cô uất ức bỏ ngay về nhà mẹ đẻ.
Linh đi rồi, nhà Thắng mỗi ngày trôi qua không khác gì bãi chiến trường. Bình thường có mẹ làm tất, giờ mẹ ốm, nhà cửa bừa bãi quần áo lộn lên đầu, đến bữa bát cơm còn không có mà ăn vì động đến cái gì cũng chưa rửa. Thắng chẳng biết nấu ăn, vác cặp lồng đi mua cháo cho mẹ thì bữa nhớ bữa quên vì đang mải đánh game trên điện thoại. Nhớ lúc Linh ở nhà, dù cái gì cũng sửa lưng anh nhưng mọi việc đều là vợ thay mẹ quán xuyến.
Mấy ngày hai mẹ con lủi thủi khi ốm đau, mẹ Thắng cũng suy nghĩ nhiều. Bà chợt nhận ra mình không thể bảo bọc con mãi được. Tuổi bà ngày một cao, sức khỏe sẽ yếu dần, làm gì có bà mẹ nào theo con được suốt cuộc đời. Bà bảo Thắng nên sang ngoại xin lỗi đón Linh về , con dâu về bà cũng sẽ xin lỗi nó. Linh tuy ác mồm nhưng cái tâm với chồng và gia đình chồng của con bé rất tốt, cũng đến lúc bà phải nhường cho nó “dạy dỗ lại” con trai mình rồi.
Các chuyên gia hôn nhân, gia đình cho rằng ngay cả trong thời đại này, chuyện những bà mẹ nuông chiều, bảo bọc con trai, làm hết việc cho con trai và mang tâm lý lấy con dâu về để nó hầu hạ con trai thay mình khi mình già vẫn không phải là hiếm.
Hầu hết những bà mẹ này sẽ nuôi dạy nên một đứa “con trai cưng của mẹ”, không biết làm gì, thiếu kỹ năng sống, thiếu cả kỹ năng giao tiếp trong xã hội người lớn. Họ giống như những đứa trẻ to xác không có sức hấp dẫn với phụ nữ (muộn vợ, vợ bỏ, thậm chí không kiếm nổi người yêu), không có đủ tự tin làm những điều lớn lao của một người trưởng thành.
Muốn con độc lập, trưởng thành, ngay từ sớm các bậc cha mẹ nên dần học cách “thả” con, để con tự xoay xở, va chạm và lớn lên trong cuộc đời. Khi con đã dựng vợ gả chồng, bố mẹ nhất quyết phải từ bỏ thói quen can thiệp vào đời sống của con, hãy để chúng tự bảo ban nhau, có như vậy mới mong con cái tự chủ được cuộc sống của chúng và làm người hạnh phúc.
Theo Dân Trí