Cách đây 4 năm, vợ chồng chị quyết định ly hôn sau 3 năm cưới nhau, lúc con tròn một tuổi. Chỉ sau vài tháng mâu thuẫn và cả hai xác định không thể tiếp tục cuộc sống chung. Không ai muốn ai phải đày đọa ai. 

Nhìn ngoài chị không đến nỗi nào, chăm con tốt lại công việc ổn định, có thu nhập. Khi đó, rất nhiều người nói với chị: Bỏ cho hắn sáng mắt ra, xem kiếm nổi đứa nào hơn mình không? Hóa ra, rất nhiều người vợ ấp ủ chiến thắng cả sau khi đã chia tay. 

{keywords}
Ly hôn cho chồng… sáng mắt ra!

Ôi không! Chia tay với chị là khi cả hai không còn muốn ở chung một nhà, không còn muốn bước chung một đường, không còn mong muốn vun vén cho nhau.

Đã là ly hôn hoặc sống mà không hạnh phúc, nghĩa là cả hai thất bại trong cuộc hôn nhân đó. Chứ không thể đặt mình ở vị trí chiến thắng người kia. Đừng ảo tưởng biến mình thành nữ hoàng thanh cao, còn họ thành… kẻ lụn bại không ra gì.

Có thể, phụ nữ họ trong cuộc hôn nhân này, họ đã cho đi quá nhiều, mất mát quá nhiều. Chưa kể, có người mang trên vai sự tô vẽ công lao quá mức, cho rằng mình đã hy sinh, đã đánh đổi. Thế nên, nhiều người nghĩ buông mình ra, không có mình thì đối phương chạm ngày tận thế đến nơi. 

Nhiều người bỏ chồng nhưng khắc khoải chờ kết quả chồng phải hối hận, phải day dứt, phải khổ sở, không bao giờ tìm lại được vì không biết nâng niu mình, vì đã để để mất mình. Cứ mãi phải tìm giá trị của mình bằng sự vớt vát, bám víu vào cảm giác của người khác. 

Chia tay chẳng phải để ai sáng mắt ra làm gì cả. Mắt là mắt của người ta, sáng hay tối là lựa chọn, cách nhìn của họ. Phải nhìn thẳng rằng, có khi ở bên mình, người đàn ông từng là chồng mình cũng… bất hạnh. 

Trong hôn nhân, phụ nữ luôn nghĩ mình là cao cả, cho rằng đàn ông phải thay đổi nhưng họ quên mất, nhiều khi, mình cũng là người cần thay đổi. Thay đổi cách nhìn, thay đổi cách sống, yêu thương mình nhiều hơn, trân trọng người khác hơn. 

Vì hận thù sau ly hôn mà nhiều người tưởng bỏ nhau rồi vẫn gieo rắc đau khổ cho nhau. Chưa kể, con cái cũng phải gánh chịu hậu họa. 

Khi chia tay, chị nói với chồng: “Chia tay mẹ là hạnh phúc lớn nhất của đời ba. Thế nên, ba hãy gắng sống tốt nhất. Hãy biết cách yêu bản thân, chăm chút nhà cửa, cuộc sống của mình và hãy tìm người phù hợp với mình hơn”. Lúc đó cả hai đã không thể gọi nhau là “anh – em” nữa.

Chị tâm niệm, chồng cũ sống tốt, hạnh phúc thì chính con mình được hưởng. Họ bất hạnh thì hơn ai hết, chính con mình bất hạnh. 

Chia tay rồi, đi hai con đường, cùng cầu để nhau hạnh phúc chả vui hơn sao? Nguyền cho nhau khổ sở chi vậy?

Cần gì phải chọn cách chà đạp, hy vọng người khác tệ hại để thỏa mãn cái tôi, khẳng định giá trị của mình. Nếu không thể mong nhau hạnh phúc, thì chỉ cần quan tâm đến cuộc sống của bản thân mình, mong chờ họ phải dày vò, hối hận để làm gì?

Cuộc sống ngoài kia, còn rất nhiều thứ để tận hưởng, sao phải mong chờ vào sự thất bại, đau khổ của một người đàn ông để thấy mình hạnh phúc.

Cũng có người nói với chị “hãy quay lại vì con”. Với chị, quan điểm sống rất rõ ràng: Người mẹ hạnh phúc thì con mới hạnh phúc. Chị không thể vì con mà phải làm việc gì đó gượng ép, đi ngược với hạnh phúc của bản thân.

Chị không chọn cách lừa dối, giả tạo, diễn kịch với con. Bởi mọi đứa trẻ đều xứng đáng được thụ hưởng cảm xúc chân thật nhất, trước hết ngay trong nhà mình. Và con chị không bao giờ phải mang món nợ “vì con” của mẹ. 

Mà nữa, từ ngày thoát khỏi cuộc hôn nhân với chị, chị phải thừa nhận chồng cũ đẹp trai, phong độ hẳn ra… Nghe đâu còn bỏ nhậu, bỏ thuốc. 

Theo Dân Trí