{keywords}
 

Hôm trước, ông đi ăn giỗ về, được thể “phổng mũi” rồi bảo: “Cả họ cứ khen 2 đứa nhà mình giỏi giang, thành đạt. Đấy, cứ kêu tôi khó tính cho lắm vào. Tôi mà không khó tính thì còn lâu chúng mới được như ngày hôm nay!”. Mẹ tôi được thể bĩu môi: “Vâng, giỏi thì là nhờ ông. Còn hư là do tôi”.

Bây giờ, ngẫm lại quãng tuổi thơ của mình, tôi vẫn cảm thấy sợ đến rùng mình. Từ năm tôi học cấp 2, bố đã cấm tôi không được đi sinh nhật bạn buổi tối. “Tuổi này là tuổi học, sinh nhật với chơi bời cái nỗi gì” – ông nêu quan điểm. Năm tôi vào cấp 3 thì ông phủ đầu ngay: “Mày mà yêu đương, tao cạo trọc đầu, nghe chửa!”. Cái đứa con gái mới lớn là tôi khi ấy đã bao phen ấm ức nằm khóc chỉ vì sự quá quân phiệt của bố.

Chuyện trong nhà đã đành, đằng này bố tôi còn can thiệp vào hết thảy chuyện của họ hàng. Hôm rồi, mẹ tôi bù lu bù loa gọi điện cho tôi: “Tao xấu hổ về bố mày lắm. Chỉ mong có cái lỗ nẻ chui xuống để đỡ phải nhìn mặt họ hàng”.

Nhà tôi có ông cậu với bà mợ tuổi đã ngoài 50, rất thích tham gia hội hè, du lịch, ngày nào cũng dành thời gian đi bơi, đi nhảy. Kể ra thì tầm tuổi ấy, việc hưởng thụ cuộc sống như cậu mợ tôi thì cũng không có gì là sai. Ngặt nỗi, con dâu với con trai của cậu mợ thì lại đang khá vất vả. Con trai làm shipper, con dâu là nhân viên nhà nước lương ba cọc ba đồng. Khi dịch bệnh ập đến, lũ trẻ con không được đến trường, vậy mà nói thế nào, cậu mợ tôi cũng nhất quyết không trông cháu nội. Cực chẳng đã, thằng em tôi phải nghỉ shipper để ở nhà trông con. Vợ nó vì thế cũng “từ mặt” bố mẹ chồng.

Chuyện nhà cậu mợ tôi là thế. Ấy vậy mà bố tôi nghe xong chuyện thì phi ngay đến nhà cậu mợ mắng sa sả:

– Cậu mợ bao nhiêu tuổi rồi mà còn đú đởn thế? Con mình, cháu mình không thương, chẳng nhẽ thiên hạ họ thương giúp?

Bà mợ tôi cũng chẳng vừa, có ai thích nghe mắng mỏ đâu, nên quặc lại ngay:

– Việc nhà tôi liên quan gì đến anh. Anh chị về cho!

Mẹ tôi khuyên can mãi chồng không được, khi bị em dâu đuổi thì cũng đâm ra tự ái khóc lóc. “Mợ lấy quyền gì mà đuổi tôi. Đây là nhà bố, nhà mẹ tôi”.

Tôi nghe xong chuyện thì cũng chỉ biết khuyên mẹ tôi rằng: “Bố vốn nóng tính nên những chuyện không vui, mẹ đừng kể với bố”.

Trên đường về, tôi cứ nghĩ mãi về bố tôi, về cuộc sống này. Đúng là dù bố tôi có ý tốt, lo lắng cho người khác nhưng lời nói trong lúc nóng giận của bố, thì dù có đúng, cũng không ai muốn nghe cả.

Hôm nay, tôi đang ở cơ quan thì nhận được điện thoại của bố. Giọng bố tôi có vẻ rất lo lắng: “Này con, chị Hường nhà bác cả có vay tiền con không?”.

– Dạ không. Thế có chuyện gì vậy bố?

Bố tôi được thể như chút được sự lo lắng: “May quá, cái Hường nó vỡ nợ rồi. Bố chỉ lo chị em chúng mày cho nhau vay tiền”.

Chị Hường xưa nay xởi lởi, tốt tính. Nhà ai có công có việc, đều không vắng mặt chị. Vậy mà chẳng hiểu buôn bán thế nào lại ra cơ sự này. Tôi nóng ruột quá, liền phi xe qua nhà bác cả hỏi han sự tình.

Đúng lúc ấy, bọn chủ nợ cũng ập đến nhà bác tôi. Chúng ném những thứ bẩn thỉu vào trong nhà, treo biển bêu rếu trước cửa nhà. Đứng từ xa, tôi nhìn thấy bóng dáng bác tôi trong nhà, ngồi trên ghế mà như đã ngất xỉu. Bố tôi cũng đã kịp thời có mặt bên cạnh bác. Bố tôi là vậy, tất thảy chị em trong nhà có việc gì, ông đều không bao giờ đứng ngoài cuộc.

Đợi cho bọn chủ nợ đi khuất, tôi mới dám mở cửa cổng, phi xe vào nhà. Chị tôi khóc tu tu, quỳ xuống xin lỗi mẹ.

– Con trót dại. Con bị chúng nó lừa hùn vốn buôn bán đa cấp. Giờ chúng nó cao chạy xa bay, bỏ lại mình con.

Bố tôi nhìn chị gái thì xót ruột quá, nên buông lời mắng mỏ cháu gái:

– Chúng mày chết được chỗ nào thì chết, cho mẹ chúng mày đỡ khổ. 80 tuổi đầu rồi còn bị bọn đầu gấu tìm đến tận nhà đòi nợ thế này.

Tối ấy, sau một ngày mệt mỏi với nhiều chuyện không vui, tôi đang ngâm mình trong bồn tắm thì thấy có điện thoại của cái Hương, là con gái chị Hường.

– Dì ơi, mẹ cháu bỏ đi thật rồi, cháu sợ lắm.

Trước khi đi, chị để lại bức thư xin lỗi mẹ mình, xin lỗi tất thảy mọi người trong nhà. Thấy mấy người hàng xóm nói nhìn thấy chị đi về hướng cầu Nhật Tân. Tôi hớt hải cùng với mấy người anh em đi tìm chị. Bữa ấy, nếu chúng tôi đến muộn một chút thì có lẽ đã không níu giữ được chị tôi.

Đấy, cuộc sống này vốn dĩ đã ngổn ngang nhiều nỗi lo, vậy mà con người ta cứ phải nói những câu thật đau lòng, để rồi người nghe xong muốn tan nát cõi lòng là sao? Sau vụ đó, tôi với em trai phải họp gia đình để kịch liệt phê bình ông bố “khẩu xà tâm Phật” của tôi.

Theo Dân Trí