Lời tòa soạn:

Quấy rối tình dục có thể hiểu là việc có những hành động hoặc lời nói liên quan đến vấn đề tình dục nhằm gây tổn thương danh dự và nhân phẩm cho cả nam giới hoặc nữ giới. Đây được xem là hành vi mang tính xúc phạm đối phương không được chấp nhận hay mong muốn.

Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu rõ về các hành vi quấy rối tình dục. Ở công sở, chúng ta vẫn bắt gặp những câu chuyện, lời bàn tán về cơ thể người khác. Phần lớn mọi người cho rằng đó là lời nói đùa, và không ý thức được đó cũng là một hành vi quấy rối tình dục.

Báo VietNamNet mở diễn đàn Quấy rối tình dục nơi công sở để cùng chia sẻ với các độc giả về những hành vi lệch lạc này. Bài viết liên quan xin gửi về: bandoisong@vietnamnet.vn

Vốn là một cô gái tài giỏi, xinh đẹp, con luôn tự tin vào bản thân. Ngày đi học, con đạt được nhiều thành tích. Ước mơ của con sau khi ra trường là được vào làm ở một cơ quan có tiếng, đúng chuyên môn và sở thích của mình.

Thế nên, ngay từ khi còn là sinh viên, con đã xin đi thực tập ở cơ quan đó. Cho đến một ngày, con mừng rỡ nói với tôi rằng con đã được nhận chính thức vào cơ quan mình từng thực tập. Khỏi phải nói cũng biết con vui thế nào. 

Tôi làm một mâm cơm thịnh soạn, mừng cho con gái. Từ bé, con chỉ có thể nương tựa vào mẹ, vì tôi là mẹ đơn thân. Không cho con được tình yêu thương trọn vẹn đủ bố mẹ, tôi luôn tự động viên bản thân phải tìm hiểu, quan tâm con nhiều hơn.

Bất cứ tổn thương nào dù nhỏ của con, tôi cũng cố tìm nguyên nhân để giải đáp. 

quayroi freepik.jpg
Con gái chịu nhiều áp lực nơi công sở. Ảnh minh họa: Freepik

Nhưng càng lớn, con càng ít nói, ít chia sẻ với mẹ. Hiểu rằng những đứa trẻ khi trưởng thành sẽ có nhiều điều riêng tư, nhưng tôi không ngừng lo lắng. Vì con vốn là một cô gái ngây thơ, trong sáng và hết mực coi trọng giá trị của bản thân.

Hơn 2 năm con đi làm, tôi thấy con càng trở nên trầm lặng hơn. Tôi còn tưởng con sa vào lưới tình, yêu đương nên buồn khổ. Tôi gắng an ủi con bằng những bữa cơm ngon, những buổi tối đi dạo nhưng con kín như bưng. 

Thấy con mệt mỏi hơn, tôi bắt đầu lo lắng. Tôi cảm thấy con dường như trầm cảm vì suy nghĩ quá nhiều. Tôi cố thử tìm đồ đạc của con để xem có phát hiện gì. Và rồi, khi những trang nhật ký nhỏ cất trong ngăn tủ đập vào mắt, tôi thực sự choáng váng. 

Những trang đầu con nói về khát khao được làm việc trong môi trường mơ ước. Và khi được nhận làm nhân viên chính thức, hạnh phúc trong con vỡ òa. Những ngày đầu đi làm với con đúng là thiên đường. Con đặt hết hy vọng vào công việc. 

Sóng gió ập đến khi người quản lý có tình ý với con. Mỗi ngày đi làm, anh ta đều nhìn chằm chằm vào con, ánh mắt không rời. Trước mỗi bữa trưa, người đàn ông đó lại nhắn tin rủ con đi ăn, thậm chí lộ liễu rủ đi chơi xa. Con hoảng sợ không đáp lại thì cả ngày ánh mắt ấy cứ dõi theo con ở nơi làm việc. 

Không được đáp ứng nguyện vọng, người quản lý còn tự đặt ra các cuộc tiếp khách và yêu cầu con đi cùng. Dù không phải phần công việc của mình nhưng con không dám từ chối vì sợ bị sa thải. Con miễn cưỡng đi theo người đàn ông đó đến các cuộc rượu, còn bị anh ta bắt ăn mặc mát mẻ để “khoe” với đối tác. Đó là lý do, có những buổi tối con về trong tình trạng mệt mỏi, người đầy hơi men. 

Mỗi ngày người đó đều nhắn tin “khủng bố” tinh thần, muốn con làm bồ nhí của anh ta. Nếu con chấp nhận điều kiện, anh ta sẽ giúp con thăng tiến trong công việc, còn không thì hậu quả khó lường. Anh ta còn dọa nạt con không được hé răng chuyện này, lộ ra ngoài thì người chịu thiệt chỉ là con. 

Con sợ mang tiếng ở cơ quan và cũng sợ mất công việc mình ao ước. Những suy nghĩ chấp nhận làm người tình bí mật của anh ta hay tố cáo anh ta… cứ ám ảnh con. Vì thế con rơi vào bế tắc, trầm cảm.

Con trăn trở chuyện nghỉ việc vì đây là công việc con ao ước. Con không muốn làm mẹ buồn, càng không thể chia sẻ chuyện này. Mỗi ngày đi làm, con sợ hãi chuyện bị quấy rối tình dục. Đầu óc quay cuồng, công việc kém hiệu quả, con dần trở nên tiều tụy. 

Đọc được những dòng tâm sự của con, người làm mẹ như tôi thực sự xót xa. Tôi không ngờ con phải sống trong nỗi sợ hãi, áp lực như vậy.

Tối đó, tôi tâm sự với con và kể một câu chuyện na ná tình trạng của con để giúp con hiểu ra vấn đề. Công việc tốt đồng nghĩa phải có môi trường, đồng nghiệp tốt. Từ bỏ không có nghĩa là mất, mà còn là cơ hội để “được” ở một nơi tốt hơn.

Tôi khuyên con nếu công việc quá áp lực, mệt mỏi, hãy cho mình một cơ hội khác. Khi đó con sẽ thấy giá trị thực sự của mình còn lớn hơn hiện tại. 

Độc giả giấu tên