Lạc rừng

Lạc rừng

Lạc rừng

Nhành phong lan của lão là loài duy nhất mà tôi thấy trong suốt mấy mươi năm săn lùng phong lan rừng. Nó từ đâu ra, tôi không biết. Lão treo nó ở gốc cây, chỗ ai cũng có thể trông thấy, chỗ ai cũng có thể lấy đi. Tôi sợ nhất điều ấy, hôm trước ta hỏi, hôm sau cây phong lan không còn. Vô tình tôi là kẻ gian, mặc dù đó chỉ là nghi vấn. Vậy mà tôi đã không thể ngăn được bước chân mình, tôi đã đứng trước căn phòng lão, tôi đã tới chỗ nhành phong lan…

Lão đứng nghiêng nghiêng cho gió dễ đi qua, gió thổi thốc tháo vào lớp da nhăn và đôi má đỏ rớm vì lạnh. Khoảnh sân này rộng hơn tôi tưởng, cây lộc vừng không lớn nhưng đã mấy mùa trổ hoa. Cứ sáng sớm, trên nền gạch trắng hoa rơi đỏ cả khoảnh sân. Chỗ lão trực là căn phòng nhỏ nhưng khá tiện nghi. Ti-vi, quạt điện, bình đun nước siêu tốc, một chiếc giường, vài ba cái bát, đôi đũa… Buổi trưa đám thanh niên trong xóm lỡ bữa thường tụ tập ở đây mượn bát đũa của lão để pha mì tôm. Tôi thảnh thơi bước, lão xem như không. Lão cũng chẳng có phản ứng gì khi tôi vào trong sân. Làm bảo vệ đáng ra phải hỏi ngay người lạ vào cơ quan giữa trưa. Tôi ngồi xuống ghế, lão rót cho tôi ly nước.

– Uống thử xem, tôi vừa pha vào trà một thứ rất đặc biệt.

Tôi đưa cốc trà lên mũi ngửi miết rồi uống từng ngụm nhỏ. Thật kì lạ, nó vừa đặc quánh hương của trà lại mang vị thuần khiết của nước suối. Tôi nhấp thêm ngụm nữa, cảm nhận quá rõ ràng. Có sự tách bạch này trong một ly trà thật khó mà tin nổi. Lão bỏ cái gì vào trong ấy. Tôi nhìn, lão cười hì hì.

– Thơm không, thuần khiết không?

– Vị gì thế lão?

– Cậu nhắm mắt lại và nghĩ xem, suối chảy từ đại ngàn, tiếng róc rách của nước. Nó là hương vị của rừng, của ngọn cỏ lá cây hoặc thứ gì hơn thế lạc về đây. Hãy nghĩ xem, giữa thành phố hiện đại và sự xuất hiện một cô gái bản, một bông hoa núi rừng…

Tôi nhắm hờ mắt, lời nói của lão như thôi miên tôi. Lãng đãng trên một cánh rừng với hoa thơm cỏ biếc, với từng cái cây, từng ngọn đồi… giữa thành phố, một cô gái bản… cảm giác này đến khiến tôi rất hứng khởi, mơ màng, chìm đắm, mê dụ. Lão khoái trá khi nhìn ánh mắt lờ đờ của tôi. Còn tôi thấy mình như lạc vào thế giới khác. Bất chợt, tôi nhận ra một cánh rừng, những lối đi phơ phất những nhành phong lan, trắng trong, tinh khiết, nhẹ nhàng. Tôi quay qua lão.

– Hoa phong lan.

– Cậu khá đấy.

– Lão lấy nó ở đâu?

Lão chỉ cho tôi thấy trên chuỗi phong lan vừa bị ngắt vài đóa để lại phần cuống chỏng chơ. Tôi sững sờ, trên cành lá đỏ au lại nở chuỗi ngọc trắng tinh khôi. Sao lão có thể cư xử với hoa như thế, nhất là đối với phong lan. Những người yêu hoa sẽ không làm điều như lão. Một cánh hoa bị gãy là lòng thấy đau như cắt, một cành lá bị hư đã thấy nhói rồi. Ở đây ngược lại, thật đáng buồn. Lão đã chăm nhành phong lan, lão đã yêu nó như thế, sao lão lại làm điều ấy…

– Cậu thấy không? Con sâu nhỏ tôi đặt bên cành si kia đã cắn đứt những bông hoa. Trông nhỏ mà hàm răng nó sắc quá.

Thì ra những con sâu là thủ phạm của những cánh hoa lìa cành.

– Sao lão không giết nó. Để nó qua cành kia mấy hôm nhớ bên này rồi quay lại.

– Bông hoa đối với con sâu kia cũng như dòng nước nuôi dưỡng cây phong lan thôi, sao lại phải giết. Đó là chưa kể con sâu mới ăn tí chút, chúng ta vẫn được thưởng thức hương vị đặc biệt từ mấy cánh hoa. Hôm trước tôi rất muốn ngắt để thử ướp trà nhưng không làm được, nên phải cảm ơn con sâu chứ! – Lão cười, mắt sáng lên, nhìn thẳng tắp vào làn hơi nước đang bay.

Có vẻ lão tự đắc vì đã tìm ra được chân lý. Tôi nghĩ như thế. Và nghĩ đến câu nói của lão, về việc tôi uống cốc trà như nuốt hết mấy bông hoa, tôi còn tệ hơn cả con sâu ấy. Có phải lão ngụ ý như thế không? Tôi giật mình. Lão là ai? Phải chăng lão là người mà cha tôi từng nhắc đến.

Cha kể rằng, ngày trước phố là làng. Ở làng bên có người học sinh nghèo học rất giỏi, sớm nổi tiếng cả vùng bởi sự thông minh. Sau lên thành phố rồi từ đó không thấy trở về. Làng thành phố, những con đường lớn được mở, những bức tường bê-tông mọc lên. Thành phố ồn ào còn con người lặng lẽ sống, nên nếu học sinh kia có trở về cũng chẳng ai hay.

– Trước lão học có giỏi không? – Tôi hỏi dò, lão cười cười.

– Học được, không thi làm quan.

– Sao thế ạ?

– Để làm gì, học một lúc thì thấy nên dừng lại.

– Tôi nghe cha kể, ngày trước…

Lão không dự phần vào câu chuyện của tôi, cũng không đánh tiếng rằng đó có phải là lão không. Chỉ khen cha tôi biết chuyện. Nói rồi lão kéo cánh cửa, sửa soạn lại ít thứ để bàn giao cơ quan, năm giờ chiều lão mới trở lại đây, đoạn đó cũng là lúc tôi trở về nhà.

Suốt đêm không ngủ, tôi nghĩ về lão, về câu chuyện cây phong lan và con sâu. Giờ này ngoài phố mưa rơi ướt đèn. Lão đi ngủ muộn bởi tuổi già, bởi những lo toan và cả sự sợ hãi. Trước đây một năm, chỗ lão làm là một người khác. Trong lúc ngủ say trộm lén vào lấy đi rất nhiều đồ đạc, người bảo vệ đó bị sa thải.

Giờ lão thay thế, người ta tuyển bảo vệ toàn người già nhanh quên, thậm chí nhanh chết còn kẻ cắp thường trẻ, lanh lợi và giỏi luồn lách. Nên xét về mức độ thông thuộc địa hình và hiểu biết mọi ngõ ngách cơ quan chắc bọn người kia rành hơn lão, lão phải cảnh giác. Lão sợ nhất là mang tiếng đời, sợ nhì là đền của, theo như lão nói thì lão chẳng còn gì ngoài ngôi nhà nhỏ ở ngoại ô thành phố và cành phong lan mắc trên cây lộc vừng. Vợ lão mất, đứa con trai duy nhất của lão xin lão phần lớn đất, mang đi cầm cố vay ngân hàng rồi ra thành phố lớn làm ăn. Lão đồng ý, con có cuộc sống của nó, lão không ràng buộc.

Trời không lạnh lắm, nhưng có mưa nên réo rắt và hơi buồn. Chợt muốn tới chỗ lão ngồi nói chuyện bâng quơ. Đằng nào cũng chẳng ngủ được, tôi xỏ giày, đến nơi thì thấy đám người nhốn nháo, công an đang làm việc, còn lão nằm chỏng chơ trên nền gạch, bất tỉnh.

Người ta kiểm tra các phòng, cơ quan không mất thứ gì. Kiểm tra phòng trực của lão, mọi thứ vẫn còn nguyên. Tôi ngước nhìn cây lộc vừng, nhành phong lan đã biến mất. Kẻ trộm hiểu ra giá trị có một không hai của nhành phong lan và đẩy chủ nhân của nó gục xuống sân gạch khi bị phát hiện. Tôi đến thăm lão, tay cầm lủng lẳng một túi quà, lão tủm tỉm cười.

– Mẹ cha nó, may mà uống được cốc trà, trường sinh bất lão…

Lão nói với tôi, về nhành phong lan. Đó là loài phong lan trường sinh, ai uống hoa của nó thì bất tử! Tôi cũng nghe người ta đồn đoán về loài phong lan này, không ngờ nó có thật. Và tôi còn không ngờ đó là cây phong lan của lão. Thì ra lão biết, nó độc nhất vô nhị. Nếu thế thì lão, tôi và con sâu kia sẽ chẳng chết, không bao giờ chết? Và kẻ cắp kia, khi hiểu ra tác dụng của nhành phong lan…

Chương trình truyền hình phát lộ hình ảnh về một loài phong lan trong truyền thuyết. Phát thanh viên bảo, tương truyền, ai dùng hoa của phong lan sẽ trường sinh bất lão. Không biết thực hư, hay đây chỉ là chiêu câu view của nhà đài mà hôm trước ti-vi phát thì hôm sau lão bị kẻ cắp đẩy dúi ra sân, rồi nằm viện.

Lão ra viện, tôi đón, chở lão về cơ quan làm việc. Thành phố về chiều đông người lại qua, tiếng còi nhộn nhạo. Lão giữ chặt hai tay vào hông tôi, bảo đi xe chậm lại, lão kể chuyện kẻo quên.

– Vừa chập tối thì hai đứa thanh niên đi vào, ra thẳng chỗ cây lộc vừng, lấy nhành phong lan…

– Lão đánh chúng?

– Đánh làm gì, của trường sinh bất lão.

– Thế là nó đánh lão?

– Nó cũng chẳng đánh, chỉ đẩy nhẹ, thôi thì ngã cho rồi, chống cự có khi tổn thương càng tệ hơn…

Ra thế, chuyện lão kể như sân khấu tuồng. Tiếc thật, thứ quý như vậy mà bỏ như không. Lão chỉ trách nhà đài, trách luôn đứa xem đài đúng thời điểm ấy. Rồi lão hỏi.

– Hôm đó cậu có xem đài không. Nếu bọn ăn cắp mà ăn nhành hoa là phải sống cả đời, ăn cắp cả đời?

Lão thật đáng sợ, khi nghĩ ra điều ấy. Còn hỏi tôi có xem ti-vi không mới kinh. Công an phường gọi tôi lên. Tôi là người bị tình nghi nhất. Hôm trước tôi ngồi với lão, hôm sau nhành phong lan mất. Nhưng lão khai tôi ư, điều này không dễ chịu lắm. Không, có thể lão kể, khi công an hỏi ai đã từng đến đây vào chiều hôm ấy, ai đã nhìn thấy nhành phong lan, ai biết được giá trị của nó…

Lão ngờ ai nhất, tôi hỏi. Lão bảo chẳng nghi ngờ ai. Hỏi tiếc không, bảo chẳng phải là của mình. Vậy của ai, lão nói của rừng, nó lạc về thôi, rồi trở lại ấy mà. Như, con người lạc vào trần gian, rồi trở về.

– Khi nó mọc lên, cái mầm bé tí trên thanh gỗ mục, như cây cỏ, định nhổ đi nhưng rồi thôi, cứ để nó sống. Sau lớn dần thì thấy giống hoa. Sau khi khúc gỗ mục gãy, lão nhặt cột lên cây. Cũng gần bảy năm nó mới trổ bông thì bị mất cắp… – Lão kể về nhành phong lan, nhẹ bẫng.

Trên ti-vi đang diễn ra một phiên đấu giá trực tuyến. Món hàng đấu giá là nhành phong lan. Tôi chạy vội đến chỗ lão bảo bật ti-vi lên. Tôi vồ vập.

– Đấy, phải không? Phải không?

Lão đè tôi ngồi xuống. Sau một hồi ngắm nghía, lão xác nhận đó là cái cây của lão bị đánh cắp. Tôi vội vàng tìm số điện thoại của công an phường thì lão ngăn lại.

– Khoan vội.

– Vì sao?

– Để xem giá lên mấy.

– Lão kinh thế.

– Thì thế mà, kinh từ hồi mẹ đẻ.

– Hơn ba tỷ đồng rồi…

Lão tắt ti-vi một cách khó hiểu, tôi bật lại để ghi hình làm chứng nhưng lão không cho. Lão nói chuyện với tôi, về ấm trà ướp hoa phong lan. Lão tiết lộ, lão chưa uống. Lão già rồi, uống trà trường sinh bất lão sợ không được chết. Sống mãi cũng nhọc lắm. Con người giá sống được như cây thì lão cũng liều uống trà trường sinh để cược thêm một kiếp. Nhưng người sống chán hơn cây, cứ đứt chỗ nào là cụt luôn chỗ ấy, trừ tóc và một vài thứ nhưng chẳng nhằm nhò gì. Lúc này tôi thấy lo, nếu lời đồn trường sinh bất lão là có thật thì việc tôi uống chén trà kia, tôi không được chết ư? Rồi con sâu kia, nó sẽ sống suốt đời và tiếp tục đi gặm nhấm… Tôi nói với lão, tôi hối tiếc vì đã uống chén trà. Lão cười, chê tôi tuổi trẻ mà lãng phí thời gian, rất nhiều thời gian, người ta tham sống còn tôi thì sợ hãi. Tôi lẩn thẩn đi lui đi lại trong sân, bâng quơ và chán ghét. Tự dưng cảm xúc này đến, sự tẻ nhạt đến, tôi ra vỉa hè gọi một vài thứ để nhắm, lão ra sau.

– Cậu biết vì sao tôi không học hành cao, để thi làm quan…

– Vì sao?

– Không sao cả, hỏi chỉ để được hỏi như thế…

Lão say, lão cười, lão khóc. Lão nói với tôi, trăm ngàn thứ trên đời, lão lo không giữ được mình. Tôi chau mày, có điều oái oăm thế. Nói như lão thì ai làm quan, hoặc giả những người làm quan đều không giữ được mình. Lão nâng chén, nếu cây phong lan trở về lão giao cho tôi, lão già rồi, lão không bảo vệ được nó.

– Con người ta là cánh rừng thì sự thiện lương được ví như cành phong lan kia, tôi sợ, khi lạc ra khỏi khu rừng, tôi sợ khi người ta đồn thổi lên giá trị của nó. Anh thấy không, người ta đã đánh cắp nhành phong lan vì nó được bảo là trường sinh bất lão. Mà điều đó có thật không?

Lão nói trong cơn say. Tôi uống cạn chén rượu, thì ra lão già này cay thế, lão còn để tôi gác cổng cho nhành hoa. Điều đó cũng đồng nghĩa tôi gặp nguy hiểm bất cứ lúc nào. Này lão già, tôi nói. Tôi cũng bằng xương bằng thịt, có gia đình, có người thân, có người yêu… có tất thảy thứ quý giá trên đời, tôi không cần cây phong lan đó, mặc dù tôi rất mê phong lan. Lão cười, không cần cũng phải nhận, không cậu thì là ai, cứ nhận đi, đừng lo, rồi ai cũng bỏ đi, bỏ đi…

Tôi dìu lão trở về phòng trực. Đêm, tôi ở lại thay lão làm bảo vệ. Tôi ngồi nhìn ánh đèn vàng quạch, nhìn cây lộc vừng rung lên dưới mưa xối xả. Tôi biết lão sẽ trình báo công an khi thích hợp nhưng sẽ mất khá nhiều thời gian để lão giành lại nhành phong lan, khi chứng minh được lão là chủ nhân, đám người kia chỉ mua bán một cách cướp bóc. Lão lại treo nhành phong lan vào chỗ cũ rồi gọi tôi đến…

Có thể lão sẽ bảo tôi mang về, cứ treo lên nơi mình thấy thích hợp, đừng sợ mất vì thực chất nó đã mất, khi rời xa khu rừng của nó…

Lời bình của nhà văn Nguyễn Quang Thiều

Bạn phải đọc đến chữ cuối cùng thì may có thể tìm được sự thật mà tác giả vừa muốn cho bạn biết vừa cố tình giấu đi. Hoặc là bạn sẽ thoát ra khỏi một câu chuyện tưởng rất đơn giản nhưng cứ đọc thêm một đoạn bạn lại thấy một vòng “sương mù” bao quanh điều bạn muốn nhìn thấy.

Tác giả đang dẫn chúng ta vào một câu chuyện nhuốm màu hoang đường về một loài phong lan giúp con người trường sinh bất tử? Hay dẫn chúng ta vào một vụ án hoa lan? Hay tất cả chỉ là một cơn “mộng mị” của thuật kể chuyện làm cái thực cái hư tráo chỗ không ngừng cho nhau thành một vòng tròn ma thuật để mê dụ người đọc?

Còn tôi thì nắm lấy một mẩu sự thật mà tác giả cố ý “bỏ quên” bằng một phát triển chi tiết cuối cùng của truyện ngắn Lạc rừng: “đừng sợ mất vì thực chất nó đã mất, khi rời xa khu rừng của nó”.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *