Kiếm hàng trăm triệu đồng mỗi tháng mà vẫn không hạnh phúc - 1

Ảnh minh họa: Getty Images

T. thuộc nhóm những người bạn thân thiết học với nhau từ mẫu giáo đến cấp 3 của tôi. Lớn lên mỗi người đi lập nghiệp ở một nơi, chúng tôi vẫn giữ tình bạn lâu năm, dù không có nhiều dịp gặp gỡ.

Gần đây, một người bạn trong hội là M. vừa gặp phải biến cố lớn trong đời, chồng M. tai nạn qua đời nên chúng tôi rủ nhau về thăm bạn. Đây cũng là dịp đông đủ hiếm hoi sau nhiều năm bôn ba. Buổi tâm sự của những người bạn nối khố có những câu chuyện khiến chúng tôi đau lòng.

Ông trời rất biết cách trêu ngươi, người yêu nhau tha thiết thì phải chịu cảnh âm dương chia lìa. M kể mười mấy năm bên nhau, số lần họ cãi nhau chỉ đếm trên đầu ngón tay, vợ chồng lúc nào cũng gần gũi, quấn quýt như đôi chim câu. Chồng bạn qua đời, bạn chới với như người mất hồn.

Người vẫn được sống cùng nhau dưới một mái nhà, thì lại không muốn nhìn mặt nhau nữa. T. đã mất hẳn vẻ hồn nhiên, hớn hở ngày xưa. Trước mặt tôi là một gã trung niên ăn mặt sang trọng nhưng khuôn mặt hơi nhầu nhĩ, đăm chiêu.

Ngày xưa nhà bạn rất nghèo, nhưng bạn là đứa có ý chí cao nhất nhóm. Bạn vào đại học danh tiếng, ra trường làm công việc lương cao, rồi cưới vợ là một cô gái giỏi giang, con nhà giàu.

Ngày ấy lúc vừa nhìn thấy vợ mình, T. đã say đắm hào quang lấp lánh xung quanh cô. T. nghĩ rằng chính sự giàu có đã tạo nên vẻ đẹp ấy. T. nỗ lực gấp đôi, gấp ba để khiến mình xứng đáng, khiến cô ấy chú ý tới. Cuối cùng cậu đã thành danh và cả thành thân với người trong mộng.

Vậy mà giờ họ đang sống ly thân trong căn nhà rộng lớn. Con gái duy nhất của họ vừa lên lớp 9 đã đi du học. Giờ họ không ăn chung hay nói chuyện với nhau.

T. nói rằng cứ tưởng giàu có sẽ hạnh phúc, càng lao vào kiếm tiền, vợ chồng họ càng thấy trống rộng khi ở cạnh nhau. Họ thoả mãn với tiền tài, danh vọng, các mối quan hệ xã hội. Nhưng họ dần mất đi những đề tài chung. Con cái sớm tự lập, tiền bạc dư dả, họ không có gì nhiều để nói với nhau nữa. Họ không cãi vã, vẫn cư xử lịch sự với nhau nhưng lại không có sự trìu mến, yêu thương.

T bảo ghen tị với Q., một anh bạn trong nhóm hay chụp ảnh khoe những hộp cơm do vợ chuẩn bị cho cậu mang đi ăn trưa. Q. cười xoà nói rằng đó chẳng qua là để tiết kiệm chi phí thôi.

Rồi như thấy hơi thẹn vì đã lỡ lời, Q. tâm sự: “Tớ biết ơn vợ tớ lắm, cô ấy hy sinh sự nghiệp ở nhà chăm ba đứa con. Vợ chồng tớ còn nhiều mối lo toan, có tháng vẫn thiếu trước hụt sau, nhưng tháng nào mà không cãi nhau là thấy bất thường. Được cái ngày nào cũng có chuyện để nói với nhau, chuyện con cái, công việc, nhà cửa, họ hàng, có chuyện vui, có chuyện buồn, nhưng không câu chuyện nào là ngần ngại chia sẻ”.

Mọi người gật gù: “Ồ thì ra như thằng Q. lại hay, nó đâu cần quá giàu, vợ nó đâu cần quá đẹp, con nó đâu cần quá giỏi giang, nó vẫn vật lộn với bao nỗi lo, nhưng nó có người lo cùng, thế là hạnh phúc rồi”.

Bản thân tôi thì nghĩ giàu hay nghèo có thể ảnh hưởng đến mức độ hưởng thụ nhưng không quyết định được hạnh phúc của chúng ta. T. có lẽ đã sai ngay từ lúc đặt vấn đề, “kiếm tiền trăm triệu” không liên quan nhiều đến hạnh phúc.

Bạn đã định nghĩa sai con đường dẫn đến hạnh phúc nên bạn cứ lao đầu vào mà quên mất rằng cũng cần phải đầu tư vào những thứ quan trọng, như sự gắn kết, sẻ chia, cảm xúc giữa hai vợ chồng. Bạn tìm mọi cách leo lên để có chỗ đứng ngang vợ nhưng lại quên mất xích lại gần để họ có thể dựa vào nhau.

Khi nghe ý kiến của tất cả chúng tôi, T. có vẻ vỡ ra nhiều điều. Tôi không biết cậu ấy có cứu vãn được cuộc hôn nhân của mình hay không, nhưng tôi mong rằng dù kết quả có như thế nào đi nữa, từ nay bạn hãy thôi suy nghĩ mọi việc bắt đầu từ “tôi kiếm hàng trăm triệu mỗi tháng mà…”.

Theo Dân trí