Lời tòa soạn:

Sống ở bất cứ môi trường nào, chúng ta cũng có những người hàng xóm và có những câu chuyện bi hài khó nói. Báo VietNamNet mở diễn đàn Chuyện hàng xóm. Mời quý độc giả chia sẻ những câu chuyện của mình qua địa chỉ mail: Bandoisong@vietnamnet.vn. 

Đọc những bài viết về chuyện hàng xóm, tôi lại nghĩ đến những tháng ngày sống trong con ngõ nhỏ ở Hà Nội.

Cưới nhau không bao lâu, vợ chồng tôi được anh chị chồng cho mượn căn nhà cấp 4 trong con ngõ nhỏ ở Hà Nội để sinh sống. Với chúng tôi khi đó, có được chỗ ở thoải mái, riêng tư lại không mất tiền thuê là một điều quá may mắn.

Trong con ngõ này hầu hết là những gia đình trẻ ở các tỉnh về đây sinh sống, chỉ có nhà bà Hà đầu ngõ là dân gốc. Thế nên gia đình bà ta luôn tỏ thái độ là “thổ địa”, rất khinh miệt mọi người.

cainhau nuoicho.jpg
Hàng xóm cãi nhau vì chuyện nuôi chó. Ảnh minh họa: FP

Ở đây một thời gian, tôi nghe hàng xóm kể, chồng bà Hà từng đi tù về. Hai đứa con gái lớn đã có chồng, con nhưng ngày nào cũng về đây ăn bám, ra vẻ huyênh hoang. Đứa con trai út xăm trổ, bặm trợn, mỗi lần đi về lại rồ ga xe máy ầm ĩ.

Hầu hết mọi người trong ngõ đều sống biết điều, không làm phiền ai, cũng không muốn ai làm phiền đến mình. Họ đều biết gia đình bà Hà là thành phần “bất hảo”, nên ra vào cũng chào hỏi xã giao đôi câu, rồi về nhà đóng cửa im lìm.

Thế rồi, cuộc sống trong ngõ bắt đầu đảo lộn khi gia đình bà Hà mang 3 con chó về nuôi. Bà ta nuôi kiểu “thuận tự nhiên”, nên 3 con chó tha hồ phóng uế khắp ngõ.

Cả xóm đi làm từ sáng tới tối mới trở về nhà, nên ai cũng rất khó chịu khi trước cửa nhà mình bị chó phóng uế tanh hôi.

Ai đến góp ý, bà Hà cũng quát: “Biết rồi, tí nữa tao hót”. Nhưng bà chỉ nói cho xong, mặc kệ hàng xóm kêu ca, khó chịu.

Một lần, chị hàng xóm cuối ngõ phàn nàn việc chó làm bẩn cửa nhà, bà sẵng giọng: “Mày làm gì khó chịu thế, dọn tí là xong, lắm chuyện”.

Chị ấy phân trần: “Nếu một lần, hai lần lỡ thì cháu dọn được, nhưng ngày nào cũng thế này thì nhà cháu không chịu được. Chưa kể, bọn trẻ con không biết dẫm phải, rồi đi dép vào nhà rất mất vệ sinh”. 

Thấy chị hàng xóm có vẻ gay gắt, bà ta hét lên: “Con nhà quê, mày nói ít thôi. Tao cứ kệ vậy đấy. Làm gì được tao?”.

Không nói lại được bà ta, chị hàng xóm đành lấy cũi quây lại một góc nhỏ trước cửa nhà mình để chó không chui vào được. Sáng hôm sau chị đi làm, bà ta ra túm cái cũi của chị rồi vứt chỏng chơ “cho đỡ ngứa mắt”.

Tối về, chị kiểm tra camera thấy bà Hà vứt cũi, chị lại sang hỏi. Bà quát ầm ĩ lên: “Ngõ này là ngõ chung, chứ ngõ của nhà mày à, đồ nhà quê? Mày có quyền gì quây cũi lại như thế? Mày không ở được thì đi chỗ khác mà ở!”.

Hai người lời qua tiếng lại một hồi. Bà Hà cầm cái chổi lao vào đập lên đầu chị rồi chửi rủa thậm tệ.

Chị hàng xóm bất lực, khóc rưng rức vì biết có nói gì cũng không thể thay đổi được ý thức của con người sống “càn” như vậy.

Hôm sau, có người trong ngõ báo lên phường về việc gia đình bà Hà nuôi chó gây mất vệ sinh và an toàn. Bên phường tới kiểm tra, nhắc nhở.

Tối đó, khi mọi người trở về nhà, bà ta bắt đầu gào lên chửi, rồi con trai, con gái, chồng bà thay nhau chửi cả ngõ. 

Họ còn đi từng nhà hỏi: “Đứa nào báo phường?”, “Nuôi chó thì làm sao?”. Tất nhiên chẳng ai dại gì nhận mình báo lên phường việc này. Mọi người trong xóm nhìn nhau chán ngán, bất lực.

Gia đình tôi ít động chạm với gia đình bà Hà nhất nhưng thực lòng, tôi rất thương những người hàng xóm đó. Họ khó khăn lắm mới mua được ngôi nhà để ở, nhưng ngày nào cũng phải chịu ức chế từ sáng sớm đến tối muộn.

Chưa kể việc nuôi chó còn gây nguy hiểm đến cuộc sống và sự an toàn của con cái, bởi chó nhà bà Hà chạy lông nhông suốt ngày.

Hai năm trôi qua, gia đình tôi cũng thoát khỏi con hẻm nhỏ đầy ám ảnh đó. Dù ngôi nhà hiện tại của chúng tôi không to, không đủ đầy tiện nghi nhưng có được sự yên bình thực sự. Rồi có lúc bất chợt tôi nghĩ đến những người hàng xóm cũ…

Độc giả Thành Trung (Hà Nội)