Tôi có thói quen đặt đồ ăn trưa đến nhà cho tiện. Mỗi lần đặt, tôi đều dùng các mã ưu đãi để được giảm tiền vận chuyển, giá đồ ăn. Nhưng tôi không hề ngại ngần cho shipper thêm vài nghìn khi thấy họ vất vả mưa nắng giao đồ cho mình.
Cách đây mấy hôm, trời Hà Nội mưa to, tôi không thể ra ngoài ăn nên đặt cơm về nhà cho hai mẹ con. Thật ra, tôi nghĩ trời mưa này rất khó có người nhận đơn. Nhưng một lúc sau có cậu tài xế trẻ nhận.
Lúc cậu đến nơi, mặt đầy nước mưa, quần và giày ướt sũng. Cậu đưa đồ cho tôi và nói: “Em vừa nhận đơn của chị thì trời mưa to”. Không phải vì câu nói ấy tôi mới cảm động. Mà trước khi xuống, tôi đã cầm sẵn 20 nghìn đồng để “bo” cho cậu.
“Chị gửi em thêm 20 nghìn nhé, vất vả quá, mưa thế này đi một ngày được bao nhiêu đơn?”, tôi hỏi. Cậu thanh niên trẻ nhìn tôi cười, rối rít cảm ơn, còn nói “chúc chị ngon miệng”. Đó là lần đầu tiên tôi nhận được câu chúc ấy từ một shipper.
Tôi kể chuyện cho cô con gái nhỏ học lớp 4. Con gái ríu rít hỏi sao mẹ cho chú thêm tiền. Tôi nhắc con, thấy người ta vất vả mang đồ ăn đến cho mình, trời mưa ướt, trời nắng vã mồ hôi, con có thể dùng một chút tấm lòng đáp lại công sức của họ.
Nhiều người bảo tôi sao phải làm vậy. Họ có nghề, họ nhận lương để làm việc đó, với lại “chắc gì lương của bà đã hơn lương của người ta”. Tôi cười. Rất có thể thu nhập của tôi không hơn một người shipper, nhưng không vì thế tôi tiếc 20 nghìn.
Ngoài việc mang lại niềm vui cho những người vất vả vì mình, tôi cũng tin rằng với số tiền ít ỏi 10 nghìn, 20 nghìn đồng ấy, có thể sẽ làm thay đổi suy nghĩ của một con người.
Cách đây vài tháng, hai mẹ con tôi bắt xe máy công nghệ đến nhà bạn chơi. Thấy hai mẹ con, cậu tài xế xe ôm khó chịu ra mặt. Tôi không vui nhưng vẫn phải ngồi lên xe.
Hai mẹ con ngồi thì xe hơi chật và nặng, nhưng con gái nhỏ không thể đi một mình. Suốt quãng đường, tài xế có vẻ khó chịu, tôi hỏi chuyện, cậu ta cũng không đáp lời.
Trên đường, cậu càu nhàu hết người này đến người kia. Ai vượt qua mặt, cậu cũng cau có, mắng mỏ. Lúc dừng đèn đỏ, cậu liên tục kêu xe non hơi vì chở nặng.
Thái độ ấy thực sự khiến tôi khó chịu. Nhưng tôi vẫn cố ngồi đến nhà bạn và không nói thêm một câu nào. Lúc xuống xe trả tiền, lẽ ra chỉ hết 35 nghìn nhưng tôi đã trả cho cậu ấy 70 nghìn.
Cầm tiền, cậu ấy có vẻ rất ngạc nhiên. Tôi bảo: “Em cứ cầm lấy, chị đi hai người vất vả cho em, nhưng con chị không đi riêng được. Em thông cảm”.
Cậu tài xế có vẻ ái ngại và ăn năn về thái độ của mình. Cậu nhìn tôi cười hiền, khuôn mặt khác hẳn lúc đầu. Có lẽ tôi nên nói với cậu ngay từ đầu rằng mình sẽ trả gấp đôi tiền để cậu vui vẻ trên đường. Nhưng tôi đã không làm vậy.
Trước đây, tôi từng gặp nhiều trường hợp tương tự nên muốn cậu ta nhận ra rằng, không phải ai bị đối xử không tốt cũng sẽ có thái độ tương tự với người khác.
Tôi có thể không cần trả thêm tiền cho chuyến đi của hai mẹ con vì thái độ khó chịu của tài xế. Nhưng tôi đã lựa chọn cách khác.
Chiều hôm đó, cậu tài xế nhắn tin cho tôi: “Em cảm ơn chị, hôm nay chị mở hàng cho em tốt vía quá. Em nhận rất nhiều cuốc xe và ai cũng “bo” thêm cho em, chị ạ. Chúc hai mẹ con đi chơi vui vẻ chị nhé”.
Đọc dòng tin nhắn, tôi mỉm cười, hiểu rằng mình đã làm đúng. Và dù tài xế không nói xin lỗi nhưng tôi hiểu tin nhắn của anh ta đã thay cho tất cả.
Độc giả Nguyễn Lan
Lời nhắc ‘chị ơi, chân chống xe’ của người lạ đã cho tôi bài học quý giá
Nhắc người lạ kém duyên trong thang máy, tôi nhận cái kết bất ngờ
Ông lão 70 tuổi đi họp lớp, đúc kết bài học xương máu từ những người bạn cũ