Cô con gái lớn của tôi mua về rất nhiều len và kỳ cạch ngồi móc những chiếc áo. Ngoài giờ học online ra, hễ ngó vào phòng là tôi thấy con đang áp đôi tai nghe vào tai, đầu lắc lư và tay thì thoăn thoắt chiếc kim móc sáng bóng. Có lẽ nhiều người sẽ thấy ngạc nhiên về một thiếu nữ cất tiếng khóc chào đời trong một căn nhà có từ thời thuộc Pháp trên phố cũ Hà Nội, thuộc thế hệ gen Z, lại có thể cắm cúi ngày này qua ngày khác với mấy cuộn len.
Móc xong ba chiếc áo, ngày nào cô nàng cũng xem thời tiết, đợi trời rét để được mặc áo mới ra đường. Con gái tôi như một bước nhảy cóc từ mẹ tôi, tức bà ngoại của nó, bỏ qua tôi. Tôi thuở bé cũng nhì nhằng học đan lát thêu thùa, nhưng đều bỏ dở. Còn mẹ tôi thì, hễ cứ những cơn gió mùa đầu tiên ùa tới là tôi lại nhớ đến hình ảnh bà ngồi bên bếp lửa, canh nồi rượu to đùng cao ngất ngưởng, nghe “Câu chuyện cảnh giác” trên radio và tay thoăn thoắt đan len.
Nhưng cái thời ấy đâu có nhiều len như giờ…
Cứ vào những ngày cuối thu đầu đông là mẹ bắt đầu sửa soạn tủ quần áo chăn màn. Mẹ mang những chiếc áo len của anh em chúng tôi ra kiểm tra lại. Thường thì chúng tôi lớn nhanh lắm, mùa đông sau đã không mặc được đồ của mùa đông trước. Mẹ ướm áo cho từng đứa. Cái đoạn ướm này là tôi nhớ nhất. Mẹ gọi ba đứa lại trước mặt. Anh em tôi cách nhau cũng khá xa, cứ bốn năm mẹ mới đẻ một đứa nên hầu như năm nào anh cũng hơn em tầm một cái đầu. Mẹ tôi lấy từng chiếc áo ra, đầu tiên là ướm vào người anh cả, không vừa, lại ướm vào người anh hai. Vẫn không vừa. Thế thì đến tôi không phải ướm nữa, cứ đương nhiên mà kế thừa cái áo ấy. Tôi nhớ có năm mẹ ướm hết ba bốn cái áo mà anh cả tôi vẫn chả vừa cái nào. Năm đó anh ấy lớn vọt lên. Anh tôi nhìn mấy cái áo đã xếp sang phía các em, mặt ngẩn ra, mắt đỏ đỏ lên, mũi cũng đỏ đỏ lên, tôi đoán là anh sắp khóc òa đến nơi. Mà anh khóc thì kiểu gì tôi với anh thứ hai cũng khóc theo. Anh em tôi cứ có cái kiểu thế, khóc là khóc cả đàn. Nhưng anh tôi chưa kịp khóc thì mẹ đã nói: “Yên tâm, để mẹ đan áo mới cho”. Thế là anh tôi hét toáng lên: “Ôi, tự dưng mình lại có áo mới”. Mắt mũi anh vẫn đỏ nhưng miệng thì cười toe toét. Giờ thì đến lượt tôi xị mặt ra. Tôi bé nhất nhà nên xuân hạ thu đông gì tôi cũng là đứa mặc thừa nhiều nhất. Tôi chỉ hết phải mặc thừa khi tôi đã ra dáng con gái hẳn hoi, và hai ông anh cũng nghịch ngợm quá nên lúc quần áo chật thì cũng rách.
Mẹ tôi đan áo mới cho anh bằng cách gỡ những chiếc áo len, mũ len cũ của cả nhà ra. Thường thì chúng thủng lỗ chỗ rồi. Mẹ lấy từng đoạn len, nối lại để đan áo mới. Và vì len trộn lẫn của mấy món cũ nên không những nó chi chít mối nối mà còn ba bốn năm màu. Nhưng bằng cách nào đó, đôi bàn tay chi chít vết sẹo lao động của mẹ đã biến đống len vụn hổ lốn ấy thành một chiếc áo mới tinh, kẻ ngang, phối màu rất hợp lý. Anh cả tôi đi chơi thì thôi, hễ về đến nhà là lao ngay đến chỗ mẹ đang ngồi đan háo hức đòi ướm lên người. Tôi nghe thấy anh bảo mẹ: “Mẹ có thể thêm cho con một cái máy bay màu xanh ở ngực không?”. Anh tôi mơ làm phi công giời ạ. Anh ấy mơ từ lúc còn là cậu nhãi nhép đến tận năm lớp 12 người ta về trường tuyển phi công anh cũng nhăm nhăm đi tuyển, mà chả hiểu có cái răng sâu thế nào đó nên bị đánh trượt mất. Mẹ tôi bảo, mẹ chưa nhìn thấy cái máy bay bao giờ nên không đan được. Vừa nói mẹ vừa mủm mỉm cười.
Cuối cùng thì áo của anh tôi cũng được đan xong. Đương nhiên là không có máy bay. Và tốt nhất là đừng bao giờ để lộ mặt trái ra, vì nó chi chít mối nối giống như có một đàn bọ bám làm tổ vậy.
Năm này qua năm khác, mẹ dùng những ngày mùa thu cuối cùng để sửa soạn cho đàn con đủ mỗi đứa một chiếc áo len. Áo nào của anh em chúng tôi cũng đầy mối nối ở mặt trái, và đan cài vài màu. Mẹ tôi giỏi đan lắm. Bà có thể vừa nói chuyện vừa đan áo, không cần phải nhìn vào kim đan. Đôi kim đan cứ thoăn thoắt xoay trở trong tay bà không một lần vấp lỗi. Chúng tôi sẽ mặc những chiếc áo len ấy suốt mùa đông, không giặt. Mùa đông con nhà nghèo dường như kéo dài hơn bây giờ rất nhiều, ngày nào cũng lê thê. Và mưa triền miên nữa. Áo len mà mang ra giặt thì có thể cả tuần liền chưa khô, kể cả mang vào bếp để hong cũng không tài nào khô được. Nên chúng tôi cứ mặc suốt. Mẹ dặn cách giữ áo đỡ bẩn bằng cách mặc ở bên trong một chiếc áo cánh rồi mới mặc áo len, bên ngoài áo len lại một chiếc áo cánh nữa. Có giặt thì chỉ giặt áo trong và áo ngoài, áo len cởi ra lại mặc vào.
Giờ đang là tháng 11, và tôi nhớ đến mức cảm thấy trái tim mình đau nhói, cái buổi chiều nào đó, khi những tia nắng vớt vát của mùa thu xiên qua ô cửa sổ và chiếu lên nền đất, bọn tôi đứng thành hàng ngang ở đúng cái ô có nắng xiên ấy, chờ đợi mẹ mở hai cánh cửa tủ ra. Cái tủ cũ, nhiều hơn tuổi anh cả tôi, bằng gỗ, hai tay nắm cũng bằng gỗ, và một cái ổ khóa to đùng treo lủng lẳng ở giữa. Khi mẹ mở cánh tủ bên trái, kẹt một tiếng, mùi băng phiến thơm lừng ùa ra. Tôi cảm thấy có một chú chim nhỏ đang đập cánh trong lồng ngực mình. Tôi nhớ cái áo của mùa đông năm ngoái, nó pha giữa màu đỏ, vàng và xanh lá. Năm ngoái tôi mặc vừa vặn lắm. Mỗi khi mặc nó tôi có cảm giác mình như một con gà con vừa mới nở, bông xù, mềm mại, rực rỡ. Tôi chỉ sợ mình lớn lên, mình cao hơn, chiếc áo sẽ cộc mất. Chỉ mới nghĩ đến thế thôi tôi đã sắp khóc đến nơi…
Rồi sẽ đến cái buổi sáng nào đó, khi gió mùa về. Người ta thường gọi đó là gió mùa Đông Bắc, vì nó thổi về từ hướng Đông Bắc. Nó rất dễ nhận ra bởi vì mọi cơn gió mùa hè thu đều thổi từ trong khe núi ra, xuyên qua những vạt cây rừng và ùa vào nhà tôi từ phía đầu hồi bên trái, nhưng gió mùa Đông Bắc thì đến từ hướng ngược lại, từ phía dòng sông. Nó sẽ thổi về từ bên phải. Và đương nhiên nó mang theo hơi lạnh. Nó thản nhiên, vô cảm, đầy tính dọa nạt, nhất là đối với những gia đình nghèo. Và lũ chúng tôi chờ nó đến ngộp thở để có thể rón rén mặc vào những chiếc áo ấm.
Cuối cùng thì tôi vẫn mặc vừa cái áo gà con ấy nốt một mùa đông nữa, tuy rằng nó đã cộc đến hở cả bụng ra. Tôi chỉ cao lên thôi chứ không to ngang thêm tí nào. Ống tay áo cũng cộc lửng lơ. Mẹ tôi chưa kịp nói gì thì tôi đã vội vàng: “Vẫn vừa mẹ ạ”. Mẹ mỉm cười, nhưng tôi thấy mắt mẹ đỏ lên, mẹ quay mặt đi.
Đã trôi qua lâu lắm rồi, nhưng hình như càng lâu lại càng nhớ những ngày đông giá của mẹ hơn. Và khi nhìn cô con gái từ phía sau lưng lúc nó đang cắm cúi tự móc áo len, tôi thấy hình bóng mẹ tôi ở đây.
Mẹ tôi không được đi học. Bà tự học để biết chữ. Chính xác là bà đã tự học để biết chữ, và bà bắt đầu học kể từ khi làm mẹ. Nhưng chữ mẹ tôi rất đẹp, kì lạ thế. Mẹ tôi nói: “Bởi vì cuộc đời mẹ thiệt thòi nhất là không được đi học, ước mơ lớn nhất lúc nhỏ của mẹ cũng là được đến trường mà không thành hiện thực, nên mẹ sẽ làm tất cả những gì có thể cho các con được đi học. Cứ học đi, học hết chữ hết khả năng thì thôi, bao lâu mẹ cũng nuôi được”.
Tôi cứ nghĩ, nếu như tôi không được một người mẹ như vậy sinh ra, thì không biết cuộc đời tôi bây giờ đã trôi về đâu. Hai chữ Biết Ơn dành cho người phụ nữ vĩ đại nhất trong cuộc đời tôi sẽ không bao giờ là đủ.