Tết trong kí ức của tôi là những ngày vô cùng bận rộn nhưng hạnh phúc. Mẹ bán hàng đến tận tối mịt ngày 30 mới nghỉ.

Cả ngày hôm đó là nỗi ám ảnh đối với chị em tôi. Vừa chạy ra chạy vào phục vụ quán hàng của mẹ, vừa lau chùi dọn dẹp nhà cửa, vừa nấu ăn, chuẩn bị đồ cúng lễ… Nào là bữa tất niên buổi trưa, nào là xôi, gà, măng, miến, mâm ngũ quả, bày biện ban thờ, nào là đồ cúng giao thừa trong nhà, ngoài sân… Cả gia đình, ai cũng vất vả đến tận khuya. 

30 Tết nhà tôi chưa khi nào được cùng nhau ngồi xem trực tiếp chương trình cầu truyền hình đón giao thừa. Nhưng dù vất vả là thế, cứ đúng thời khắc giao thừa vừa điểm, cả nhà ai ai cũng cười tươi hớn hở, bao nhiêu bận rộn cảm giác như chưa từng tồn tại. Bố luôn luôn giữ thói quen ra khỏi nhà trước giao thừa vài phút, rồi đúng lúc tiếng pháo hoa nở bung trên màn đêm thì bố về xông đất, đồng thời hắng giọng gọi mẹ con tôi: 

– Mẹ mày đâu rồi, các con đâu rồi, ra bố mừng tuổi. 

Hơn 40 năm trên đời, từ ngày kí ức bắt đầu biết lưu giữ, nghi lễ gia đình tôi chưa bao giờ thay đổi vào thời điểm kim đồng hồ chạm nút 12h đêm. Sau này, dù có những năm đón giao thừa ở quê chồng, thói quen và cách thức có thể khác nhau, nhưng cảm nhận về thời khắc này đều là yêu thương như thế.

Cả năm có đúng ngày này, 12h đêm đèn điện vẫn thắp sáng sáng trưng, ti vi vẫn phát bài Happy New Year quen thuộc, cành đào lấp lánh, tiếng nút chai rượu vang được khui ra bắn tung tóe. Người già chúc sức khỏe, sống lâu cùng con cháu. Người lớn chúc hạnh phúc, thành công. Trẻ nhỏ chúc học hành giỏi giang, mau lớn. Giờ phút ấy chỉ có ấm áp, bình yên, tình yêu và những nụ cười. 

Tết vui mà, đừng để lòng mình trở nên hạn hẹp… Ảnh: Lê Anh Dũng

Nhưng rồi, khi chúng ta trưởng thành, cùng với Tết là bao nỗi lo toan, nào con cái, nào sắm sanh, nào tiền nong, nào quê hương nội ngoại… Có lần không kìm được, tôi mệt mỏi thốt lên: “Con chán Tết”. Nhìn sang ánh mắt buồn buồn của bố, gương mặt thoáng sững đi của mẹ, là tôi biết tôi đã lỡ lời. 

Tết nhiều thứ phải lo, nhưng Tết là sum vầy, là người đi làm ăn xa cả năm mới về, là sức khỏe mẹ cha, là thăm hỏi người thân, bạn bè, làng xóm, là nụ cười trên môi, là chúc tụng an lành, là bỏ qua mọi buồn phiền năm cũ, cởi bỏ những khúc mắc trong lòng, hướng tới một năm mới luôn bình yên, no ấm và gắn kết. Cho nên đừng vội than chán Tết, bố mẹ đợi ngày này để con cháu sum vầy, nghe ta nói chán, bố mẹ sẽ buồn biết bao nhiêu.

Giống như ngày còn thơ bé mong tiếng trống tan trường để được chạy thục mạng về nhà ăn cơm. Giờ lớn lên lại mong tiếng pháo giao thừa báo hiệu một năm mới đang dần sang. 

Mấy năm trở lại đây, tôi dành ngày cuối năm cho sự thảnh thơi.

Thời buổi mà mọi dịch vụ đều muốn là có, đa số chị em gọi người đến dọn nhà từ trước đó vài hôm, cỗ bàn đặt sẵn đúng ngày giờ bày lên thắp hương, vừa đầy đủ lễ nghi, vừa đẹp về hình thức. Tiết kiệm hơn thì không cần thuê, nhưng tự mình lên kế hoạch cụ thể, rõ ràng, chuẩn bị những gì, làm giờ nào, mọi việc sắp xếp hợp lý, khoa học, toàn gia chạy êm ru. 

Nếu làm được vậy thì ngày cuối năm, thay vì tất bật đầu tắt mặt tối, chúng ta dành thời gian thư giãn cùng nhau: nghe nhạc, tâm sự, nghiêm túc nhìn nhận bản thân, lắng nghe tiếng lòng của bạn đời, con cái, để xem chúng ta đã thực sự là người đồng hành ưng ý của nhau chưa, xem mình làm cha mẹ có đáng yêu đáng trọng trong mắt con cái hay không; cùng nhau chia sẻ, tự hào về thành tựu đã đạt được và tự tin bắt đầu một hành trình với thành tựu mới.

Tết vui mà, đừng để lòng mình trở nên hạn hẹp. Mọi niềm vui, nỗi buồn, thành công hay thất bại, không gì là mãi mãi. Chỉ là ta sẽ thấy mình trưởng thành hơn sau mỗi chặng đường.

Tết là để tâm hồn và bước chân chậm lại, nhìn nhận được mất, bỏ qua sự hơn thua, bước sang một chặng mới với một tâm hồn ấm nóng.

Tết là kết thúc một năm vừa qua đi, là đánh một dấu mốc tính sang năm mới. Việc của chúng ta là đặt bàn tay lên nhau, cho một tiếng chào mừng năm mới đang dần sang. 

Độc giả: Như Ý Cát Tường

Mời độc giả gửi bài Chuyện Tết xưa – Tết nay về địa chỉ email: bandoisong@vietnamnet.vn