Đọc bài ‘Khốn khổ vì hàng xóm nửa đêm vẫn ‘đập vỡ cây đàn’, ‘hót đi chim’ trên VietNamNet, tôi như thấy chuyện của gia đình mình trong đó.

Cũng như gia đình chị Phương Hà, thời gian này, cả nhà tôi (5 thành viên) đều ở nhà và phải chịu ô nhiễm tiếng ồn từ hàng xóm.

Chồng tôi là chủ một quán cà phê, đợt này, quán của anh tạm nghỉ nên anh ở nhà. Tôi làm nhân viên truyền thông cho một tập đoàn nên cũng làm việc online. Ngoài ra, chúng tôi có 2 con và mẹ chồng đã về hưu. Không đến trường, các cháu đều học qua mạng.

Như vậy, suốt mấy tuần nay, cả gia đình đều sinh hoạt tại nhà. Chúng tôi đang sống trong một căn chung cư 75m2, khá đầy đủ tiện nghi.

Khoảng 2, 3 ngày tôi đi chợ một lần, mua các đồ thiết yếu cho gia đình. Còn lại chúng tôi sinh hoạt, giải trí hoàn toàn trong nhà. Bởi vậy, không gian yên tĩnh, sạch sẽ vô cùng quan trọng với các thành viên giai đoạn này. Vậy mà, hàng xóm của chúng tôi không hiểu cho điều ấy.

Ngày thứ 2 cả nước thực hiện việc giãn cách xã hội, khi đang ngủ thì tôi nghe tiếng huyên náo ở căn hộ bên cạnh. Tôi mở mắt nhìn đồng hồ, thấy 7h sáng. Chỉ khoảng 30 phút sau, tiếng khoan, đục, dịch chuyển đồ đạc… bắt đầu vang lên ầm ĩ từ nhà bên.

Hỏi ra mới biết, nhà hàng xóm tranh thủ thời gian được nghỉ vì chỉ thị giãn cách xã hội nên quyết định sửa sang lại căn hộ. Không thể thuê thợ thời gian này, gia đình họ tự đứng ra làm.

Cứ thế, suốt buổi sáng, họ làm ầm ĩ cả tầng. Buổi chiều, các công việc lại tiếp tục cho đến 6h tối. Tuy nhiên việc sửa chữa không chỉ ngày 1, ngày 2. Đến ngày thứ 3, không chịu nổi, chúng tôi sang nói chuyện và góp ý vì sự ồn ào, bất tiện ảnh hưởng đến gia đình tôi.

Hàng xóm bày tỏ, họ phải tiến hành sửa nhà vì căn hộ lâu nay bị hư hại một số khu vực và đã được Ban quản lý tòa nhà đồng ý. Tôi hỏi sao không tranh thủ làm lúc các gia đình xung quanh đi làm, nay mọi người phải ở nhà thì lại tiến hành sửa chữa, gây ồn ào, thì hàng xóm nói cộc lốc, đợt này họ cũng phải ở nhà nên mới có thời gian sửa chữa.

{keywords}
 

Cứ thế gia đình tôi như bị tra tấn. Nhiều hôm công ty có cuộc họp online, tôi đành phải báo cáo tình hình là nhà mình quá ồn không thể họp. Các con tôi học online tại nhà cũng rất bất tiện khi tiếng ồn vang lên hằng ngày.

Ngoài ra, cửa sổ và tất cả cửa trong nhà lúc nào cũng phải đóng kín, bật điện. Vừa không được ra ngoài, ở trong nhà lại phải đóng cửa sổ nên gia đình tôi vô cùng bức bí. Nhưng hàng xóm đâu hiểu cho, họ chỉ làm cho được việc của họ.

Tôi cũng đề cập vấn đề này với các hộ khác cùng tầng nhưng những hộ này đều là bạn bè thân quen của gia đình sửa nhà. Họ cả nể nên cũng đành ‘sống chung với lũ’.

Một gia đình có cháu nhỏ 6 tháng tuổi đã phải di cư xuống tầng dưới – nơi có căn hộ của ông bà ngoại đang sinh sống. ‘Ồn quá, con bé nhà em đang ngủ khóc thét lên. Nay em phải cho xuống ở tạm nhà ông bà’, nghe em ấy chia sẻ tôi càng bức xúc.

Ngày xưa, gia đình tôi sống ở một căn nhà cấp 4 do ông bà để lại. Khi gia đình muốn sửa chữa đều phải sang từng nhà hàng xóm để thông báo và nói họ thông cảm nếu gây ồn ào, bụi bặm. Thậm chí, gia đình chỉ dám yêu cầu thợ làm các ngày trong tuần khi hàng xóm đi làm, trẻ con đi học.

Vào ngày cuối tuần, khi các gia đình nghỉ ngơi, chúng tôi không dám gây ồn ào gì. Sống 5 năm ở nhà mặt đất vì yêu thích sự văn minh, yên tĩnh của chung cư nên chúng tôi bán nhà và mua căn hộ này.

Vậy mà, khi chúng tôi chuyển lên sống ở chung cư lại gặp phải hàng xóm vô ý thức như vậy. Nghĩ đến những ngày ở nhà sắp tới trong tiếng ồn và tâm trạng bức xúc, tôi vô cùng ngán ngẩm. 

Bạn nghĩ gì về vấn đề này? Những ngày ở nhà để phòng tránh dịch Covid-19, cuộc sống của bạn thay đổi thế nào? Hãy gửi ý kiến, chia sẻ của bạn đến VietNamNet thông qua bình luận bên dưới bài hoặc địa chỉ mail: bandoisong@vietnamnet.vn. Những ý kiến phù hợp sẽ được chúng tôi đăng tải trên mục Đời sống của Báo.
Trân trọng cảm ơn.

 

Độc giả Lê Chi (35 tuổi)