Được nhờ - 1

Thủy luôn tị nanh với bạn bè vì họ được nhờ ông bà nội ngoại. Nhờ tức là được ở gần, được gửi con cả ngày không phải lo lắng, được ông bà giúp đỡ mọi việc trong nhà.

Cô lấy chồng cách nhà mẹ đẻ 300 cây số. Thế nên hai vợ chồng luôn vất vả, tự mình lo mọi việc của gia đình nhỏ. Chồng cô là người hiền lành, chịu khó. Anh rất biết chia sẻ việc nhà và chăm con cùng cô. Có lẽ như thế là đã đủ cho một tổ ấm. Thế nhưng cô lúc nào cũng mang trong mình nỗi ấm ức không “được nhờ”.

Nhà ngoại ở xa đã đành, nhà nội ở gần cũng không nhờ được gì. Lúc cô sinh con đầu, ông bà bận làm mùa. Hai mẹ con về nhà ngoại ở cữ mà ông bà nội chỉ ra đúng 1 ngày đầy tháng rồi về. Đến khi cô đi làm trở lại, tới ngày đầy năm cháu, ông bà mới xuống thăm thêm lần nữa. Cô giận lắm, thầm nhủ trong bụng, đã vậy cô cũng không thèm đưa cháu về nhà nội làm gì. Ông bà có cần cháu đâu.

Bố mẹ chồng cô là người làm nông, công việc bộn bề quanh năm nhưng cô nghĩ không ai lại không thể dành được vài ngày trong vài tháng để thăm cháu. Lại còn là con đầu cháu sớm. Cô nghĩ mà thấy tủi và thương con vô cùng. Chồng cô tất nhiên phải bảo vệ ba mẹ. Anh chỉ biết động viên và san sẻ mọi việc cùng cô, thay luôn phần của ông bà.

Dung, bạn thân của cô, thì khác. Cô ấy lấy chồng gần nên ở cạnh nhà bố mẹ chồng. Hàng ngày ông bà sang chăm cháu, trưa mẹ chồng nấu cơm cho cả hai vợ chồng ăn, chuyện gì cũng khỏe. Thủy thầm ao ước được như vậy. Thế nhưng Dung lại muốn được như Thủy. Chồng Dung vì ỉ có ông bà nội nên rất lười, không chịu chia sẻ việc gì với Dung. Bình thường chồng Dung đi làm cả ngày, đêm về nằm gác chân chơi game, một góc của chồng Thủy cũng không bằng. Dung nói với Thủy đừng buồn, được cái này thì hụt cái kia, nhà ai cũng vậy cả thôi. Dù biết vậy nhưng lòng Thủy vẫn băn khoăn.

Hôm đó chuẩn bị đến ngày giỗ ông nội của chồng Thủy, bố mẹ chồng gọi điện lên nói hai vợ chồng sắp xếp đưa cháu về chơi với ông bà. Bình thường khi chưa sinh con, năm nào vợ chồng cô cũng sắp xếp về quê. Nhưng năm nay Thủy quyết không về nữa. Cô giả bộ nói với chồng:

– Anh về đi. Mẹ con em ở lại. Thằng nhóc hơi sụt sịt, đi xa về sợ nó ốm ra lại khổ.

Chồng cô nghe vậy, động viên vợ mãi mà Thuỷ không chịu nên anh chặc lưỡi:

– Ừ, vậy năm nay mình anh về cũng được. Hai mẹ con ở lại ăn uống cho đầy đủ, ba về vài ngày lại lên với hai mẹ con.

Buổi tối, anh chạy đi mua một ít đồ chuẩn bị mang về quê. Thủy vừa cho con ngủ xong thì Dung gọi tới. Sẵn ấm ức, cô kể lể một tràng dài với Dung: “Tao chán lắm, chồng tao mai về quê nội rồi. Tao ghét, tao chả muốn về nữa. Ông bà nội gì mà không lên thăm cháu nổi vài lần. Khi có công chuyện thì lại bắt tao đưa cháu về chơi. Tao không chịu. Đã giúp tao với thằng nhóc được cái gì đâu, ông bà chắc chẳng thương mẹ con tao nên mới vậy. Tao đâu được tốt số nhờ nhà nội như mày”.

Thủy đâu biết trong lúc cô thao thao bất tuyệt, chồng cô đã đứng bên ngoài từ lúc nào. Anh im lặng không nói gì. 11h đêm, anh ra bắt xe về quê. Cô ôm con ngủ say sưa, sáng ra đã không thấy chồng đâu. Điện thoại của Thuỷ báo có tin nhắn.

“Em hãy nghĩ lại những điều em đã nói với bạn em tối qua. Anh thật sự thất vọng. Anh chưa để hai mẹ con phải thiệt thòi một ngày nào. Bố mẹ anh đã già, còn phải làm lụng vất vả. Mình phận làm con không phụ giúp được ông bà thì thôi, sao em lại có tư tưởng ấu trĩ bắt bố mẹ phục vụ mình như vậy? Nếu đổi lại anh đòi hỏi bố mẹ em phải chăm cháu, giúp đỡ mình thì sao? Anh đặt xe về quê luôn rồi. Ở nhà chăm con cho tốt”.

Đọc tin nhắn của chồng, Thủy thấy xấu hổ vô cùng. Chắc là anh giận cô lắm. Anh nói đúng, cô đã quá ích kỉ. Cô và chồng cô đều chưa báo hiếu được cho bố mẹ ngày nào, vậy mà cô đã vội đòi hỏi ông bà phải có trách nhiệm với con của cô. Cô sai rồi. Cầm chiếc điện thoại trên tay, Thuỷ suy nghĩ xem phải nói gì với anh và bố mẹ chồng…

Theo Phụ Nữ Việt Nam