Đợi

Đợi

Minh họa: NGUYỄN VĂN ĐỨC Minh họa: NGUYỄN VĂN ĐỨC

Lý hay nhìn phía cửa, dù là ăn hay nằm, cổ cũng chọn vị trí có thể ngó ra sân trước, cổng lớn. Dây thường xuân trước cửa phòng tụi mình bạc nhanh hơn chỗ khác là bởi Lý nhìn trắng nhợt chúng đi. Mỗi năm họ thay thường xuân một lần, cứ thấy lá mới tinh được lợp lên rào chắn hành lang là bọn mình biết sắp Tết. Mớ dây mủ đó giờ vẫn mốc cời, nghĩa là vẫn chưa sang năm. Họ từng trồng thường xuân thật, tức là cái loại dây mình ngắt lá bằng tay được, nhưng có người nhìn lá úa khóc không thôi, lại có người bứt cả dây đâm muối đắp đầu gối chữa đau khớp, số khác vặt trụi lá nhai nuốt cho chặt bụng. Từ họ cài dây leo mủ lên mái che, người ta hay kêu ca mất ngủ vì bụng sôi.

Chẳng gì sôi trong người mình. Chỉ là chật chội quá mức, có bao đá chèn đến tim phổi, hiếp đáp và đè nghẹt chúng. Tảng đá cũng muốn thoát đi, mình đoán vậy, nhưng nó quá nặng để có thể tự di chuyển. Nó cần cơn ợ, bằng sức mạnh phi thường, đẩy nó qua cổ họng. Giải thoát cho tảng đá và cho cái lồng ngực căng tức.

Mình đang ngồi ngay tháng 6. Hoặc giờ tháng 11 rồi không chừng. Mà ngày tháng với mình quan trọng gì, ngày nào mà chẳng y hệt nhau, cuộc sao chép đến không sai tiếng ho rũ phía nhà Tây, tiếng đầu gậy lập bập trên nền bê-tông, mùi nước mắm tanh khẳn trong phòng ăn. Và canh thì nát nhừ, bất chấp ngày tháng.

“Giết già Chân Rưỡi là xong. Họ nấu theo hàng răng bình địa của ổng, nên món nào cũng nát”, Lý có lần nổi khùng, cổ không thường vậy. Nhưng ông già một chân rưỡi đã lên trời. Lý cũng đi. Cả hai đều đi theo một cách hơi khó hiểu: rơi xuống đất và lên trời, gần như cùng lúc, chỉ khác là ông già kia rớt từ mái nhà. Những bữa cơm vẫn vậy, vẫn khiến cho những cái răng còn sót lại ngượng ngùng vì sự tồn tại vô nghĩa. Bữa nọ mình nhìn thấy ở đáy chén một cái răng. Cả bàn ăn nhao lên bởi cái vật mình trưng ra, ai nấy đều tự lần lưỡi đếm lại bọn răng trong miệng. Phải có ai đó từng sở hữu nó. Mình kệ họ, chừng không ai nhận nó thì là của mình thôi. Cái răng mình vẫn giữ trong túi áo đây. Mỗi khi nhìn nó, mình nghĩ về những thứ rời đi mà chẳng cần đụng tay bứt bẻ. Đi như là lá rơi. Đi như là mưa rơi. Như Lý vậy.

Giường Lý chưa ai chuyển tới. Mình tùy nghi trèo lên cả hai giường. Giờ thì mình ngồi chờ ợ ngay tháng 6, trên giường Lý. Có thể đã tháng 12, nay mai họ sẽ giắt thường xuân mới lên rào. Bắt chước Lý, mình nhìn ra cửa, cố thôi miên mớ dây leo giả dối. Biết đâu những lá đó chịu vàng úa đi. Nhưng mình chán ngay sau đó. Giường Lý có mùi, dù họ đã mang chiếu gối đi, đã lau chùi sạch bóng mọi bề mặt. Không phải cái hỗn hợp mùi của người già, của dầu gió, thuốc đông dược, nước tiểu són bộ da chết, dải mùi này trong hơn, nên cũng nhẹ hơn, có gì đó hơi xa vắng. Mình nghĩ là mùi của cái nhìn phía cửa. Tích tụ lâu ngày, chúng sao tan được ngay.

Mình thì chẳng quan tâm gì cửa hay cổng. Ợ không ào qua mấy chỗ đó, nó ngoi lên từ bên trong mình. Chờ mỗi ngày ba lượt, nó phải tới thì mình mới ngủ được. Khó đoán nó sẽ tới lúc nào, hoặc khi cơm vừa xong, mình còn nán uống trà, nghe tán chuyện. Hoặc phải đợi nó từ bữa chiều đến quá nửa đêm. Những khuya mê man. Bạn phòng bên cũng thôi gãi vào tường (rồi sáng sau than ngứa gì mà gãi bật máu tay cũng không đã). Không khí tịch lặng đến nỗi thằn lằn rơi sau cú hụt mồi cũng phát giật mình. Gió tát rát bờ tường. Con muỗi bay với cú đập cánh thỏa mãn, vòi hút nó chắc còn lấm máu người nằm giường bên kia. Lúc ngủ mặt Lý cũng hướng ra thềm trước, chắc vía cổ trong mơ có vỗ cánh bay cũng nhìn phía đó thôi. Lâu ngày, bọng mắt ở phía áp gối sưng phù hơn bên còn lại, và da mặt nữa, cũng nhiều nếp xếp hơn.

Mình có thể nhìn bao quát cả căn phòng, ý mình là mọi thứ. Kê hai cái gối dưới lưng, dựa vô tường thành góc trăm hai mươi độ, thả cặp giò xuống giường cho gió thổi, là có thể ngồi bao lâu cũng được. Cái tủ sắt xệ cánh, một góc mền thò ra, như thể dò thử coi không khí bên ngoài có lạnh. Hũ đường luôn quên đậy nắp trên cái bàn nhỏ đặt giữa hai giường đầy những hộp thuốc lớn nhỏ, trong mớ đó nhiều vỉ thuốc chẳng còn viên nào. Bọn ruồi giấm căng thẳng không biết nên bu vào má Lý đầy nếp sóng hay chỗ khoảng bụng hở ra bởi hàng nút thưa. Da thịt cổ hoặc bị ẩm mốc hoặc thơm mùi trái cây mà tụi nó bị bùa. Trên ti-vi nói đám sinh vật đó còn nhận biết được tế bào ung thư. Từ Lý đi, đám ruồi giấm cũng biến mất, mình nghi chúng cũng lên trời. Giường bên trống hoang. Giờ chỉ mớ kim đồng hồ là động đậy. Nôn nao đi gặp nhau, chạm mặt trong khoảnh khắc chới với, rồi lại rời đi. Cái hành động tưởng chừng vô tận. Chẳng có cây kim nào đi ngược, hoặc buông mình khỏi cái vòng tù túng.

4_1-1632053420071.jpg
 

Cái đồng hồ và cuốn lịch nhỏ kia nữa, mình nằm ngoài chúng. Thời gian của mình không đêm ngày, cũng chẳng mùa mưa nắng, hết thảy nằm trong quỹ đạo của cơn ợ. Trước và sau ợ, chỉ vậy. Ợ tháo tảng đá trên ngực mình, giúp mình thở được khi nằm xuống, rồi bữa ăn lại mang mớ đá kia quay lại. Kích cỡ, hình khối của đá cũng khác nhau, nên ngực cũng nặng hoặc nặng đến nghẹt thở, tùy lúc. Những cuộc thăm khám thường niên, mấy cái ống thọc sâu dò dẫm, rồi thuốc viên tròn dẹt mà bác sĩ chìa cho đều chẳng ích gì. Hồi đầu ợ còn miễn cưỡng tới khi mình tợp nước ngọt có ga, rượu ngâm trái cây vào, lâu ngày nó trơ lỳ ra. Lý vẫn tin vỗ vào lưng thì ợ được, nhưng là với ai đó, không phải mình.

“Kỳ, sao không được ta ? Mấy nhỏ bú đầy bụng, tui bồng đứng vỗ lưng vầy là ợ cái rột luôn”, Lý nói, giọng bẽ bàng. Cuộc vỗ lưng bao giờ cũng lộp bộp bên giường Lý, ngồi đó cổ mới nhìn ra cửa được. Trên trời có cửa cho cổ ngó không ?

Mình mà lên trời, cũng ngồi chờ ợ. Nó sẽ nhắc mình nhớ bữa chiều đã ăn gì. Mọi thứ vẫn còn rờ rỡ đằng sau vị chua hỗn xược. Ợ hệt như ký ức, lúc dội về nồng thất kinh, rồi chua cay dịu lại, rồi mình nhận ra vài ba thứ ngọt ngào. Ợ xong mình thường không ngủ ngay, nấn ná một lúc hồi nhớ hương vị mấy món ăn, lúc ấy mới có cảm giác ngon.

Có bữa nằm đắng dư vị của khổ qua kho, nghe Ngoại rón rén đi qua. Cổ bỏ gậy lại phòng, đi bồ bịch. Tóc cứng xù ra như sắp phóng xiên vào ai đó, miệng đeo quai, chẳng cho ai mượn gì, mang cái tên được cả thiên hạ gọi bà. Cổ còn kỵ đám đàn ông bên dãy Đông, phủi họ như phủi hủi. Giờ cổ lại cặp bồ, dưới sự đồng lõa của đêm.

“Tụi này trong sáng”, Ngoại thì thào khi bị mình bắt tại trận cổ đang rù rì với bóng ở băng đá ngay giữa sân, cạnh hòn non bộ. Thường ngày cổ hay nhìn bọn mình với ánh mắt bề trên, kiểu “trong viện này chỉ còn mình ta khôn”. Đó là cái nhìn của người tới buổi tiệc khi nó sắp tàn, ngó những người say khướt sắp dài lại chiếc đuôi thành vượn. Đám đàn ông bên dãy nhà Đông trong mắt cổ còn thảm hơn tấm thảm chân, cổ không ngại phát lộ ra ánh nhìn chà đạp. Mình không ưa Ngoại lắm, gặp chuyện hay ho bèn theo giày vò chơi. Nhưng nhìn ngọn đèn chong phía văn phòng viền sáng bộ tóc xù, vào đôi mắt đang yêu bập bùng như sốt ấy, mình bỗng thương. Ai có thể sống sót được khi cơn sốt đó mãi không chịu ngừng, máu lúc nào cũng bừng sôi?

“Xả láng luôn đi bồ, tuổi này rồi”, mình nói, giữ ý không nhìn thẳng vào thằng cha tối thẫm kia, cũng đang vặn mình vì ngượng.

Mình cứ ghẹo vậy thôi, nhưng cổ hẹn hò trong tối thật. Văn phòng tìm thấy cổ lạnh run, người lấm bùn sình ở phía sau vách nhà ăn, chỗ đám rau đắng tươi tốt bởi lớp đất mặt lúc nào ướt. Nơi những ngọn đèn không vói đến, cổ đợi bóng tới sáng.

“Thằng chả cho tui leo cây”, Ngoại nói. Có an ủi cổ rằng đôi bạn chỉ có thể yêu nhau dưới đèn thôi cũng chẳng ích gì. Như thể đêm đó nước dưới chân đã ngấm tận đỉnh đầu, ướt tới tủy, dập tắt những sôi những sốt. Lạnh đến tro.

Không hẹn hò nào, đêm trong viện miên mải. Từ ông già Chân Rưỡi đi qua trời khác không ai mộng du. Cái hồi bạn còn đi trên mái nhà, hay có những bình minh náo động. Cả đám mình kéo ra coi cảnh ông già bấu víu vào máng xối kêu cứu khi tỉnh giấc, rống lên chửi đứa nào chơi ác đưa tao quăng lên trên nóc, rồi họ chạy lăng xăng tìm tụi trai trẻ, vài kẻ đủ sức trèo thang đưa ông già xuống. Ở viện, chẳng mấy khi có chuyện sống động vậy để coi, ngoài vài lần đội thiện nguyện nào đó tới.

Trăng gần tròn thì ông già mộng du cho tới khi trăng méo. Bạn cùng phòng có giấu chìa khóa chỗ nào, guộn lưng quần hay bỏ vào khe tường nứt hay trong cái hộp đựng răng giả, kiểu gì già Chân Rưỡi cũng tìm ra. Không nạng, bước nhẹ như một con mèo, ông có thể trèo lên mái nhà, đi lại trên những tấm tôn ướt, trên máng xối đầy lá mục. Chuyện ông già, với một chân lẻ nửa, leo lên đó bằng cách nào là cả một bí ẩn lớn lao. Và còn bí ẩn hơn khi cả đêm ông hướng mặt về trăng kêu meo meo. Lý nói giọng thê lương vậy chắc là gọi mẹ.

“Giọng đó gọi ợ được không?”, mình nói.

“Xa lắm sao nghe”, Lý nói, tay chỉ trời, mặt ngó ra cổng lớn. Lý duy trì cái nhìn ra cửa, xa hơn là cái cổng, cho tới khi đi. Hướng nhìn chỉ dành cho những người mới chuyển tới. Cứ thấy ai ngồi trông cửa y như là dân mới. Tụi ở viện thâm căn cố đế không vậy, biết không có gì ngoài đó. Thường xuân mủ mà nở hoa thì cũng hoa mủ, hay ho gì. Chúng giả từ khởi sinh, có cố như thật thì vẫn giả. Ợ mới thật thà, không thể giả đò, vờ như.

Nhưng ợ bí ẩn và đỏng đảnh, cứ bắt mình đợi. Giờ là tháng 6 nhưng cũng có thể tháng Chạp rồi. Giường Lý chưa trải chiếu mới, mặt thép không gỉ lạnh ớn cả con ngươi mình. Họ nghĩ giường kim loại thì không ám mùi, nên sắm toàn thứ đó. Mình từng nằm thử lúc không chiếu, cảm giác như đang được ướp xác. Họ nói nay mai sẽ có người lấp vào chỗ trống ấy thôi.

“Ủa sao bồ ngồi thù lù không chịu ngủ?”, kẻ còn đầy bỡ ngỡ ấy sẽ cất tiếng hỏi.

“Đợi ợ bồ ơi”, mình sẽ trả lời bằng cái giọng hụt hơi.

Thật muốn nhớ trưa nay đã ăn gì.

Có người mới trờ tới, chưa kịp hắng giọng xin đường, mình nói luôn, “đúng một muỗng, không hơn”. Mùi cao dán vừa trôi qua khỏi phòng bên là mình kêu, “Ngủ rồi nghen”. Rồi mình ngáy rống lên khi mùi cao dán van nài “Bú miếng đi, sữa chảy uổng quá đây nè”. Bạn khốn khổ với cảm giác sữa lúc nào cũng căng, nhưng mình khó thể ngậm lấy đôi vú da nhăn ríu chảy thõng nặng mùi con bịnh đó. Mình nhớ ai đó nói, đàn bà già bắt đầu từ đôi vú. Lúc đó mình không tin, nhưng khi bạn vạch áo nài nỉ mình bú lần đầu, mình đã nghĩ tuổi vú phải một trăm năm mươi sáu, gấp đôi tuổi người mang nó. Ngay bữa đầu chuyển tới, bạn đã than sữa căng đau, đám chắt ở nhà chẳng bú được là bao, “vì người ta rầy dữ lắm”. Lý lấy đôi khăn tay xếp làm tư, độn vào ngực bạn, nói “sữa chảy ướt áo rồi kìa”. Rồi Lý thở dài, trông ra cửa.

Ở trên trời không cửa, Lý sẽ nhìn đâu?

4_2-1632053420118.jpg

Tôi thấy không cần thiết phải truy tìm ý nghĩa hay biểu tượng nào đấy trong truyện ngắn này như những truyện ngắn khác tôi đã đọc trong nhiều năm trước. Một tác phẩm văn học cũng không bắt buộc người đọc phải làm điều đó và nhà văn cũng không phải đắm chìm trong cái gọi là ý nghĩa, biểu tượng hay tính tư tưởng vì nó đã hiện diện trong mọi chữ của tác phẩm. Cái không gian u mờ, bàng bạc, lẫn lộn, oi bức, nghẹn ứ, mông lung… lúc này bao bọc tôi và thuộc về tôi. Thời gian lúc này đã bị xóa nhòa, không xác định vì có lúc nó cũng không ý nghĩa gì nữa. Nhưng tất cả đã làm hiện lên chính xác nhất một hiện thực, một hiện thực mà bằng những cách viết khác không thể gọi tên nó dược.

Chỉ có một thứ mờ mờ, lúc gần, lúc xa như chơi trò ú tim là cái cửa. Đó là không gian duy nhất tôi thực sự muốn nhìn thấy và tìm cách đi qua nó.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *