LTS: Những ngày cuối cùng của năm 2023 sắp qua đi, một năm mới sắp đến. Với nhiều người, đây là lúc hưởng thụ những trái ngọt gặt hái được trong năm, nhưng không ít người khác vẫn đang phải từng ngày, từng giờ vật lộn với cuộc sống khó khăn, mong có được một cái Tết sum vầy, ấm áp bên người thân. Với diễn đàn Chuyện cuối năm VietNamNet mong muốn trở thành cầu nối chia sẻ những câu chuyện, tâm sự của tất cả mọi người về khó khăn, vất vả cũng như thành công đạt được trong năm qua và cả những ước vọng cho năm tới. Bài viết chia sẻ của độc giả, xin gửi về hòm thư: bandoisong@vietnamnet.vn. |
Ba tôi bị bệnh và mất hồi đầu năm nay. Mấy tháng trước đó, ba còn khỏe mạnh lắm, đi chơi khắp làng trên xóm dưới, thi thoảng còn rủ chồng tôi làm bữa nhậu lai rai. Thế mà, một hôm trời mưa to, ba đi đón cháu về rồi đổ bệnh. Nằm nhà được hơn chục ngày, sức khỏe ba yếu dần rồi sang thế giới bên kia tìm mẹ. Thế là tôi mồ côi cả ba lẫn mẹ.
Sau ngày ba mất, tôi được chú bác kể cho nghe nhiều chuyện thú vị về ông, toàn là chuyện thường ngày thôi nhưng tôi vì bận bịu con cái nên chưa có dịp nào ngồi yên nghe ông kể trọn vẹn. Nào là chuyện ba nhặt được ví tiền, đi tìm tận nơi để trả cho người ta. Nào là chuyện đi đường bị đụng trúng nhưng ông không bắt lỗi người ta, còn nói đỡ giùm…
Nghe những “sự tích” nho nhỏ về ba mà tôi thấy ba mình sao vĩ đại, bao dung quá. Vậy mà trước giờ thi thoảng tôi vẫn càm ràm ba làm mấy chuyện không đâu.
Các chú bác cũng kể cho tôi nghe về những năm tháng quá khứ anh hùng của ba, từ chuyện ba tôi tham gia cách mạng, rồi bị địch bắt nhưng kiên trung, không hé răng nửa lời về đồng đội, đến chuyện ba tôi ra Bắc gặp và yêu mẹ tôi, chờ suốt mấy ngày mấy đêm ngoài đầu xóm để được ông bà ngoại thương mà thuận tình cho ba mẹ tôi đến với nhau.
Hồi xưa, khi còn nhỏ, thi thoảng tôi cũng được nghe những mẩu chuyện về tình yêu của ba mẹ. Khi đó, tôi thường nổi quạu vì tưởng chú bác trêu chọc. Sao giờ nghe lại thấy bồi hồi, xúc động tới trào nước mắt. Con tôi ngồi bên khều tay mẹ, “chuyện về ông ngoại vui mà, sao mẹ lại khóc?”.
Tôi nhiều lần dự định sắp xếp công việc đưa ba quay lại miền Bắc, về thăm quê mẹ tôi. Giờ cũng không còn mấy người họ hàng bên ngoại sinh sống ở đó, nhưng ba tôi luôn có tâm nguyện được thấy lại những gì đã từng là kỷ niệm yêu thương với mẹ. Nhưng dòng đời cứ cuốn đi, mỗi lần thất hẹn tôi lại tìm lý do giải thích và ba cũng không hề trách cứ.
Quê mẹ ở xa thì đành vậy, nhưng quê ba ngay gần thành phố mà cũng họa hoằn lắm, tôi mới đưa ba về thăm được. Giờ nghĩ lại, tôi nhớ lần về quê ba gần nhất cũng phải cách ngày ba mất tới 8-9 tháng. Tôi thấy mình vô tâm quá, không lo lắng được chút gì cho ba. Vậy mà lúc trước đưa ba lên đây ở chung, tôi đã hứa với ba thật nhiều.
Gần chục năm nay, kể từ khi mẹ tôi rồi ba mẹ chồng tôi lần lượt ra đi, ba lên ở với vợ chồng tôi, trở thành người lớn tuổi nhất trong nhà. Mọi việc trong nhà, dù lớn hay nhỏ, chồng tôi cũng kêu để ba quyết định cuối cùng vì ba “lớn nhất”. Ngay cả bữa ăn cũng vậy, ai cũng phải đúng giờ tự động xuống nhà ăn cơm, riêng ba thì được các con lên mời.
Lần nào tới lượt, tôi cũng ra đứng ôm chân cầu thang gọi với lên “ba ơi, ăn cơm”, nghe tiếng ba “ơi” rồi nhưng tôi vẫn kêu “ba ơi, ăn cơm” thêm vài lượt nữa, cho tới khi thấy bóng ba đổ dài xuống cầu thang mới thôi. Ba xuống nhà mắng nhẹ “nghe rồi mà kêu hoài”, rồi lại cười xòa.
Tết sắp đến rồi, nhưng năm nay nhà tôi thiếu bóng hình ba, không còn đầy đủ cả nhà ngồi quây quần ăn bữa cơm cuối năm nữa. Tôi cũng không còn phải ra ôm chân cầu thang gọi với lên nhà trên nữa và cũng không nghe được tiếng ba từ trên vọng xuống, không được thấy dáng ba lòng còng xuống bậc cầu thang.
Con nhớ ba quá, ba ơi!
Độc giả Ánh Dương
Con trai GS Tạ Quang Bửu: Cuối đời cha tôi mới biết 1kg gạo giá bao nhiêu
Cha tôi mất sau cơn bão nghiệt ngã
Cha mất sau cơn bão số 6 nghiệt ngã. Bệnh tả làm ông kiệt sức, lả dần, rồi lặng lẽ ra đi… Cha ra đi khi vào tuổi 64.
Những lần đạp xe trăm cây số của cha tôi
Ngồi sau xe cha, cái xe hiệu Thống Nhất đã bục lốp, phải chằng cuốn bằng dây rợ, cứ nhảy bình bịch mỗi khi gặp ổ gà, tôi nhắm tịt mắt lại.