Chị sợ bị chia con nên cầm cự mỗi ngày (Ảnh minh họa) |
“Nếu là mẹ, con không bao giờ lấy ba làm chồng đâu!”. Đứa con gái 15 tuổi lên tiếng khiến tim chị nhói đau, cơ thể đơ lại. Chị muốn nói với con điều gì đó, nhưng tạm thời đầu óc chị không nghĩ ra câu gì hay ho để trấn an con gái và chính mình.
Anh vừa cầm dao đuổi chị chạy từ trong nhà ra đường. Chị sợ đến tái xanh mặt mày và trốn vào nhà cô Tám. Đợi đến khi anh ngủ say vì thấm rượu, chị mới rón rén về nhà, khe khẽ bước vào phòng và khóa cửa lại vì cơn sợ vẫn còn nguyên. Hai đứa con vẫn chưa ngủ, chúng chạy lại ôm mẹ và khóc nấc lên từng tiếng.
Đây không phải là lần đầu diễn ra cảnh tượng như thế. Cuộc hôn nhân lay lắt kéo dài hơn 15 năm qua với bao nước mắt, tổn thương, bế tắc. Anh về nhà với những cơn say mềm, những trận đập đồ tanh bành, những lời thô thiển chửi vợ mắng con…
Hai đứa con lớn lên nhờ một tay chị, từ việc chăm sóc đến kiếm tiền nuôi nấng, anh mặc kệ hết cho chị, không buồn đoái hoài. Các con chị chưa hề trải nghiệm cảm giác đầm ấm, sum vầy bên cha là như thế nào. Anh chưa bao giờ chở vợ con đi chơi vào cuối tuần, không có những buổi cơm nhà quây quần ấm áp hay đón đưa con đi học. Chị và hai con bên nhau như một “single mom” chính hiệu.
Khi chị vỡ kế hoạch, mang bầu đứa con thứ hai, anh không quan tâm. Chị lủi thủi đi khám thai một mình. Sau khi chị đem kết quả siêu âm có giới tính về, anh mới thay đổi thái độ vì đã có đứa con trai nối dõi.
Được một thời gian sau khi chị sinh con trai, anh lại đâu hoàn đấy. Anh đi từ sáng đến tối, con cái phó mặc hết cho chị. Đến nỗi khi nghe tiếng xe anh từ xa vừa dừng trước cổng, ba mẹ con vội vàng chạy hết vào phòng và khóa cửa lại để khỏi “gai” mắt anh.
Ngày trước, khi về ra mắt gia đình, cô Tám kéo chị ra phía sau nói nhỏ: “Thằng L. cộc tính, ham nhậu nhẹt và chơi bời, gia đình khuyên bảo nhiều lần mà không thay đổi. Cô chỉ muốn thông báo cho con rõ như thế, để con quyết định”. Nhưng khi còn say trong men tình, khi còn trẻ đời non dạ, chị tin sẽ cảm hóa được anh và vẫn quyết định gật đầu về chung nhà.
Cái gật đầu đã lấy đi 15 năm thanh xuân của chị. Nhưng chị nhất quyết không ly hôn. Chị nói, cha mẹ ly hôn, con cái thiệt thòi lắm. Hàng xóm bên cạnh nhà chị có một cặp vợ chồng ly hôn, con cái họ học hành sa sút. Đặc biệt, con chị đang bước vào giai đoạn nhạy cảm tâm lý. Chị nhủ lòng cố gắng dìu dắt nuôi hai đứa con khôn lớn rồi mới tính tiếp.
Nếu ly hôn, anh chắc không để cho cuộc sống của ba mẹ con chị yên, ít nhất anh sẽ giành giật quyền nuôi con trai. Mà khi không được ở bên con, chăm sóc con, để con sống với một người cha như vậy chị không thể chịu nổi. Chỉ khi nào anh chủ động buông xuôi thì chị sẽ chấp thuận”.
Sau này, chị tìm đến kinh Phật để chữa lành, chị đọc sách, chị tập yoga và thiền, chị làm từ thiện trong khả năng của mình và tập trung hết cho công việc và con cái. “Chị cảm thấy tâm an, vui vẻ, đời sống của ba mẹ con chị sang trang mới từ khi chị ngộ ra và thay đổi. Chị biết lo cho bản thân, không chỉ lo tiết kiệm, vun vén như trước nữa. Thỉnh thoảng chị đưa hai con đi chơi, ra ngoài đi ăn để biết đó biết đây. Chị gạt anh sang một bên và chỉ chú tâm đến đời sống của ba mẹ con. Đối với chị, con cái là tất cả”.
Khi chị tập trung vào bản thân mình, chị dần loại bỏ được những tổn thương và không còn hận anh nữa. Chị tin rằng cuộc sống của chị đang khác đi, bởi thực tế sau nhiều năm, anh đã nhẹ nhàng hơn trong gia đình, đặc biệt là với các con.
Có thể anh chị sẽ ly hôn vài năm sau nữa, khi chị đã đến giới hạn chịu đựng, hoặc khi con đã lớn, khi chị đủ vững tin và cảm thấy đủ an toàn để bứt ra. Cũng có thể chị sẽ quên hai chữ ly hôn và họ tiếp tục bên nhau, nhưng phải là bên nhau theo đúng nghĩa một gia đình.
Theo Phụ nữ TP.HCM
‘Hôn nhân không phải hợp đồng kinh doanh, đừng rạch ròi đặt lý trước tình’
‘Tôi sẽ dạy con chọn người yêu bằng trái tim và duy trì hôn nhân bằng lý trí’
Ông bố dạy con gái cách chọn chồng gây tranh cãi