Cuộc sống gia đình tôi không quá giàu có nhưng cũng khá đầy đủ. Nhờ vậy, chúng tôi có điều kiện chăm lo cho các con ăn uống, học hành.
Hai con gái đầu của chúng tôi đều rất ưa nhìn, ngoãn ngoãn và có ý thức. Các cháu học khá tốt và ra trường nhanh chóng có việc làm ổn định. Một cháu làm bên ngân hàng, cháu còn lại là giáo viên của một trường cấp 3.
Các con gái luôn là niềm tự hào của vợ chồng tôi. Ấy vậy mà cậu con trai lại khiến chúng tôi phải thường xuyên mất ăn, mất ngủ.
Ngay từ bé, cháu được mẹ và ông, bà nội vô cùng chiều chuộng. Vốn là cháu đích tôn trong nhà, cháu muốn gì cả nhà đều chiều theo. Tôi nhớ nhất là có lần vào lúc nửa đêm, trời mưa gió, cháu đòi ăn trứng gà luộc. Cả nhà đều thuyết phục cháu đi ngủ, sáng mai sẽ luộc trứng cho cháu ăn.
Tuy nhiên con trai tôi không chịu, khóc lóc suốt cả đêm. Tôi nóng lên, đánh cháu 2 cái vào mông. Vậy là mẹ tôi lao ra, gào lên: “Anh định giết cháu tôi à?”. Rồi bà khóc nức nở ôm cháu vào phòng của bà để ru ngủ, dỗ dành. Không chỉ vậy, bố tôi còn nửa đêm nửa hôm sang gõ cửa nhà hàng xóm xin trứng gà về luộc cho cháu ăn.
Cứ như vậy, cháu lớn lên trong sự bao bọc, chiều chuộng của gia đình.
Càng lớn, cháu càng khó bảo. Kết quả học tập rất tệ, bỏ giờ học hay gây gổ với bạn bè – những chuyện này vợ tôi và bố mẹ đều biết nhưng cả nhà đều thống nhất bao che cho cháu. Bởi nếu tôi phát hiện, cháu có thể bị ăn mắng, thậm chí là đòn roi.
Những năm sau đó, tôi cũng đi làm ăn xa nên không có nhiều thời gian sát sao, dạy bảo cháu.
Cuối cùng khi tôi xin chuyển công việc về gần nhà, mọi chuyện đã quá muộn. Con trai tôi lớn lên – không sa đà vào các tệ nạn xã hội, ăn chơi, đua đòi nhưng cháu lại là người lười biếng, không có ý chí phấn đấu.
Sau khi tốt nghiệp một trường trung cấp, nhờ mối quan hệ, vợ tôi xin cho cháu vào làm việc tại công ty của một người quen. Cháu đi làm nhưng thường xuyên xin nghỉ, năng suất công việc không đạt nên luôn bị cấp trên trách mắng. Một ngày, chịu không được, cháu đòi nghỉ làm khiến vợ tôi rất muối mặt với người quen.
Sau đó, cháu tự xin thêm vài công việc nữa. Việc nào cháu cũng chỉ làm được một thời gian ngắn sau đó xin nghỉ hoặc nếu cháu không nghỉ, người ta cũng sa thải.
Làm gì có nhân viên nào trời mưa xin nghỉ, trời nắng quá cũng không muốn đi làm, sếp mắng thì khó chịu, bực bội, dự án thì chậm tiến độ…?
Cuối cùng, con tôi tuyên bố không muốn đi làm thuê nữa. Môi trường công ty nào cũng không khiến cháu hài lòng. Chỗ thì cháu chê sếp kém cỏi, khó tính, chỗ thì cháu chê lương thấp, chỗ khác thì xa nhà…
Cháu đòi gia đình phải cấp vốn để làm ăn riêng. Thương con, vợ tôi lại gom góp cho cháu số tiền không hề nhỏ để hùn vốn với bạn mở công ty riêng.
Tuy nhiên do không có kinh nghiệm trong việc quản lý, chỉ mấy năm sau, công ty của con tôi làm ăn thua lỗ, phá sản. Từ ngày đó, cháu chỉ ở nhà, không còn nghĩ gì đến chuyện làm thuê hay làm chủ. Hàng ngày, cháu xem phim, chơi điện tử đến tận khuya. Sau đó, cháu ngủ đến 2h chiều mới dậy. Khi dậy, cháu ăn uống, đi cà phê với bạn bè. Tối lại tiếp tục chơi điện tử, xem phim.
Do chán nản cuộc sống bê tha, lười nhác của chồng, con dâu tôi thường xuyên lớn tiếng, cãi cọ. Hai vợ chồng mâu thuẫn đến mức con dâu ôm con về nhà mẹ đẻ. Nhưng việc đó cũng làm con trai tôi không mảy may suy nghĩ, thay đổi. Khi vợ bỏ đi, cháu càng thoải mái ăn chơi, tụ tập bạn bè.
Những lúc hết tiền, cháu lại kêu than với mẹ và ông bà nội. Mẹ cháu và bố mẹ tôi lại lén lút cho cháu tiền.
Nếu cả nhà không cho, cháu đi vay mượn. Người ta đến đòi nợ, cuối cùng chúng tôi cũng phải thanh toán. Tôi đã có rất nhiều cuộc nói chuyện nặng, nhẹ với con nhưng nói với cháu không khác gì “nước đổ lá khoai”.
Giờ đã ở tuổi bên kia của dốc cuộc đời, tôi vẫn phải đau đầu vì con cái. Tôi buồn không thể nào tả xiết.
Độc giả Vũ Hoàng