Chị gái tôi năm nay 35 tuổi, là một người hiền lành, nhẫn nhịn. Chị lấy chồng cách đây 10 năm và có 1 con gái.

Người ta nói “ở hiền gặp lành” nhưng chị tôi lại hoàn toàn khác. Tính hiền lành, yếu đuối đã trở thành nhược điểm lớn của chị, đặc biệt từ ngày chị lấy chồng.

Chồng chị là người đàn ông chịu thương chịu khó nhưng tuyệt đối nghe lời mẹ. Đi làm được bao nhiêu tiền, anh đều đưa về cho mẹ giữ. Mỗi lần vợ và mẹ xảy ra xích mích, anh đều đứng về phía máu mủ của mình.

{keywords}
 

Mới một đứa con nhưng chị tôi không muốn sinh thêm cháu nào nữa. Chị nói, tương lai chưa biết thế nào nên chị không muốn sinh con, làm khổ cả mình lẫn con.

Mẹ chồng ghê gớm, chồng lại nhu nhược nên chị tôi như cái bóng trong nhà. Ngoài việc làm thuê cho một quán ăn ở thị trấn, chị phải đảm nhiệm tất cả việc nhà.

Cách đây mấy năm, chị chồng của chị ly hôn, đưa 2 con về ở nhà mẹ đẻ. Vì vậy ngoài phục vụ chồng, mẹ chồng, chị tôi còn phải nấu ăn, giặt giũ cho cả chị chồng lẫn các con của chị chồng.

Chồng chị không đưa tiền chi tiêu nên các khoản tiền học, quần áo… để nuôi con và nhiều khoản chi tiêu khác, chị đều phải tự mình lo liệu.

10 năm kết hôn đã lấy hết vẻ đẹp và sự vô tư, hồn nhiên của chị. Ngoài đứa con gái nay 8 tuổi, chị không có gì trong tay.

Cách đây 2 năm, vợ chồng chị vay mượn để xây ngôi nhà 2 tầng trên mảnh đất đứng tên mẹ chồng. Bà hứa hẹn sẽ sang tên cho 2 anh chị sau khi nhà cửa xây xong. Nhưng nhà hoàn thành đã lâu, bà vẫn lần lữa không thực hiện lời hứa.

Không dám làm phật ý ai, chị đành nín nhịn cho qua chuyện. Chị nghĩ rằng, rồi sau này, bà mất đi, tài sản nào cũng sẽ là của anh và chị. Vậy mà một tình huống chị không ngờ đến đã xảy ra.

Chồng chị bị tai nạn giao thông khi đang đi giao hàng cho khách. Anh mất ngay trên đường đến bệnh viện cấp cứu. Chồng ra đi là một cú sốc lớn đối với chị. Chị khóc đến cạn nước mắt. Nhìn con gái 8 tuổi thẫn thờ ôm ảnh bố, chị chỉ muốn ngã quỵ.

Đau đớn là vậy nhưng thay vì động viên, an ủi con dâu, cách hành xử của nhà chồng khiến chị càng nhói lòng hơn. Sau đám tang, bà tổ chức họp gia đình. Trong buổi họp, bà thông báo khoản tiền người gây tai nạn đền bù và tiền phúng viếng của con trai bà được 350 triệu đồng.

Số tiền này, bà dùng 200 triệu để trả nợ ngân hàng do anh chị vay xây nhà trước đây, còn lại bà dự định gửi ngân hàng để sau này gia đình dùng vào việc cần thiết.

Bà không đả động gì đến tương lai của mẹ con chị. Những ngày tháng sau đó, chị sống lầm lũi, hàng ngày làm các công việc để phục vụ gia đình chồng. Nhưng trước đây, chị còn có chồng để làm chỗ dựa về tinh thần, nay chồng mất, chị thấy chông chênh khi ở trong mái nhà này.

Vừa rồi, bố chúng tôi ốm nặng, tôi là con gái nhưng lấy chồng xa, không đỡ đần được gì cho cha mẹ. Vì vậy chị tôi muốn về nhà chăm sóc ông một thời gian. 

Chị nói với mẹ chồng về tâm tư của mình nhưng bà lại lạnh lùng đáp, việc đi hay ở của chị, bà không cấm. Thậm chí chị có thể rời khỏi nhà chồng. Nhưng nếu chị đi thì phải chấp nhận ra đi tay trắng vì từ trước nay, theo bà, chị chưa đóng góp được gì cho nhà chồng.

Chị đề nghị bà trích một khoản trong số tiền phúng viếng đám tang để chị nuôi con nhưng bà cũng không đồng ý.

Nghe mẹ chồng nói, chị uất ức vô cùng. Chồng chị vừa mất, nay nhà chồng lại đối xử phũ phàng với mẹ con chị như vậy. 10 năm qua chị hết lòng, hết sức với họ nay không lẽ lại ra đi tay trắng?

Nhưng tiếp tục sống trong mái nhà đó, liệu chị có được hạnh phúc?

Độc giả Phùng Thu Ngọc