Colleen McCullough sinh năm 1937 ở vùng nông thôn New South Wales (Australia) nhưng lớn lên ở Sydney. Cha mẹ luôn lục đục khiến bà tìm lối thoát bằng cách vùi đầu trong sách vở và viết lách.
Nỗi bất hạnh của McCullough không dừng ở đó. Bà còn bị suy giáp gây tăng cân quá mức, liên tục phải tới bệnh viện. Nhưng cũng nhờ các lần đi khám, bà dần nảy sinh tình yêu với nghề y.
Bà học y tại Đại học Sydney, chọn ngành Khoa học thần kinh. Sau thời gian làm việc ở quê nhà, bà chuyển tới Anh 4 năm rồi được mời sang nghiên cứu, giảng dạy tại Đại học Yale (Mỹ). Trong thời gian ở đây, bà đã viết 2 cuốn sách gồm Tiếng chim hót trong bụi mận gai (1977) bán được hơn 30 triệu bản khắp thế giới.
Colleen McCullough và chồng – Ric Robinson. Ảnh: The Australian Women’s Weekly
Lễ cưới ở tuổi 46
Cuối những năm 1970, McCullough chia tay nghề y, sống ẩn dật trên đảo Norfolk. Dù có tính cách lập dị nhưng bà vẫn nhận được sự ngưỡng mộ của người dân địa phương nhờ trí tuệ, khiếu hài hước.
Hòn đảo ở Thái Bình Dương không chỉ là chốn trú ngụ để sáng tác của McCullough mà còn là nơi bà tìm được bạn đời Ric Robinson. Hai người có quá nhiều khác biệt, McCullough chưa từng kết hôn, Robinson kém 13 tuổi nhưng đã có 2 con riêng. Nữ nhà văn nổi tiếng trên toàn cầu trong khi nửa kia của bà là thành viên Hội đồng Lập pháp của đảo.
Nhưng rồi họ vượt qua những rào cản đó, tổ chức lễ thành hôn vào năm 1983. Họ chung sống hơn 30 năm nhưng không có con chung.
Theo Norfolkislander, McCullough hiếm khi trang điểm, số lần chỉ đếm trên 1 bàn tay là đủ. Sáng hôm cưới, bà xuất hiện trong bộ quần áo cũ kỹ thường thấy. Nhưng 1 giờ sau, bà trở lại sang trọng và thanh lịch với nét trang điểm nhẹ nhàng, đi giày cao gót. Người phụ nữ ấy đã sẵn sàng cho tình yêu đầu tiên và duy nhất của cuộc đời mình.
Chuyện tình của nữ nhà văn và người yêu kém 13 tuổi được ca ngợi hết lời. “Cuộc sống của Colleen với Ric rất đáng trân trọng, như con đường 2 chiều. Tôi từng nói với cô ấy rằng tôi hiếm khi gặp được cặp vợ chồng thực sự là bạn thân”, 1 người quen nhớ lại.
Bản ‘Tiếng chim hót trong bụi mận gai’ xuất bản tại Việt Nam.
Bất hòa vợ chồng phơi bày sau bản di chúc
McCullough qua đời vào ngày 29/1/2015 do suy thận khi 78 tuổi. Lúc đó, bà còn bị suy giảm thị lực, mắc bệnh tiểu đường, ung thư tử cung, luôn phải ngồi xe lăn.
Nữ nhà văn ra đi chưa được bao lâu, cuộc tranh chấp ầm ỹ liên quan tới khối tài sản của bà nổ ra. McCullough sở hữu bất động sản trị giá hàng triệu USD, bộ sưu tập nghệ thuật, tiền bản quyền từ tác phẩm ăn khách Tiếng chim hót trong bụi mận gai và một số cuốn sách khác.
Selwa Anthony là bạn thân và người thi hành di chúc của McCullough. Người phụ nữ này khẳng định tính hợp pháp của bản di chúc tháng 7/2014 và Quỹ Đại học Oklahoma thừa hưởng mọi thứ thuộc về nữ nhà văn. Bà Anthony khẳng định ông Robinson bị loại bỏ khỏi di chúc do “có tình nhân và tiêu hết tiền”.
Tuy nhiên, Tòa án Tối cao New South Wales cho rằng, bản di chúc trên không phải là ý nguyện cuối cùng của McCullough. Theo đó, tháng 10/2014, bà đã có văn bản mới quyết định để lại toàn bộ tài sản cho chồng.
Ông Robinson cũng kịch liệt phản bác các khiếu nại cho rằng mình lợi dụng tình trạng ốm yếu của vợ để ép buộc bà ký các tài liệu. Ông thừa nhận hôn nhân gặp khủng hoảng vào giữa năm 2014 khiến McCullough phải gọi cả cảnh sát và nói rằng bà sợ chồng. Nhưng sau đó, cặp đôi đã làm hòa vào ngày 17/7.
Tòa án phát hiện lời khai của ông Robinson có một số chi tiết không hợp lý, bao gồm việc McCullough khuyến khích bạn đời có tình nhân. Tuy nhiên, sau cùng, người chồng vẫn được nhận tất cả tài sản của nhà văn quá cố.
Theo VietNamnet