Tôi gặp và lấy anh là do dì ruột của tôi mai mối. Anh định cư ở Đức, kế hoạch là sau khi cưới sẽ đưa tôi sang Đức. Nhưng do bố anh bị ốm nặng nên kế hoạch này tạm thời bị hoãn, đợi bố anh qua cơn nguy hiểm.
Sau khi hai vợ chồng bàn bạc, thống nhất, tôi vui vẻ đồng ý ở lại Việt Nam thêm một thời gian để chăm sóc bố, làm tròn nghĩa vụ dâu con.
Tôi vốn dĩ là cô gái năng động, nhanh nhẹn nên trong lúc vừa chăm bố ốm bệnh, tôi vẫn nhận hồ sơ về nhà làm online. Trước khi sang Đức, anh yêu cầu tôi nghỉ hẳn việc ở công ty. Mỗi tháng, anh đều đặn gửi 50 triệu đồng cho tôi lo chi tiêu trong nhà.
Khi biết tôi vẫn tự ý nhận công việc về làm, anh nổi trận lôi đình, quát mắng ầm ĩ. Lý do anh đưa ra là không muốn tôi vất vả, chỉ cần tập trung chăm bố, dưỡng thai, việc kiếm tiền cứ để anh lo.
Tôi không phải không biết những điều chồng nói. Chẳng qua tôi nghĩ, mình có thể thu xếp tốt việc chăm sóc bố, đồng thời vẫn đảm bảo công việc tại công ty. Bệnh của ông không thể ngày một, ngày hai mà khỏi được.
Trong khi tôi còn rất trẻ, tư duy của tôi là tư duy của người phụ nữ hiện đại. Tôi muốn sống một cuộc sống tích cực, nuôi dưỡng sở thích cá nhân để bản thân không cảm thấy bị trì trệ, tụt hậu so với sự vận động không ngừng của xã hội ngoài kia.
Tôi không thể nào ở nhà ăn bám vào chồng, ngày ngày quanh quẩn trong 4 bức tường, suốt đời sống như cây tầm gửi được.
Dù sau này sang Đức sống cùng chồng, tôi vẫn muốn tự mình đi làm, tự kiếm tiền bằng sức lao động của mình, có công việc, có bạn bè và những mối quan hệ tích cực để thấy mình còn giá trị.
Chỉ vì chuyện này, hai vợ chồng tôi xảy ra mâu thuẫn. Các cuộc nói chuyện qua điện thoại đều kết thúc bằng tranh cãi của anh và nước mắt của tôi. Tôi trách anh không yêu thương tôi, không biết đặt mình vào vị trí của tôi để suy nghĩ.
Thấy nước mắt không lay chuyển được chồng, tôi quay sang thủ thỉ nhẹ nhàng. Tôi hứa với anh sẽ sắp xếp và phân bổ ổn thỏa việc chăm sóc bố, quán xuyến gia đình. Khi nào sinh con, tôi sẽ tự nguyện ở nhà chăm con, cho anh yên tâm lo làm ăn.
Nhưng anh nhất định không thay đổi quan điểm: “Em có 2 lựa chọn, hoặc nghỉ hẳn việc ở nhà, hoặc là ly dị. Anh sợ nhất đàn bà tham vọng”.
Tôi bối rối và tủi thân. Mặc dù cưới nhau qua mai mối, thời gian tìm hiểu không quá dài, tôi vẫn yêu và hiểu chồng. Anh là người chăm chỉ làm ăn, một lòng lo cho gia đình nhưng khi có xung đột, anh hiện rõ là người đàn ông gia trưởng, cố chấp.
Việc của tôi chỉ là ngoan ngoãn nghe lời, không có thương lượng, không cần chính kiến. Cái khó của tôi là tôi chỉ có thể nói chuyện với anh qua điện thoại nên nhiều điểm muốn bày tỏ cũng bị hạn chế. Khoảng cách địa lý quá xa càng khiến cho khoảng cách của chúng tôi trở nên khó lại gần nhau hơn.
Tôi hoang mang tự hỏi, có khi nào hôn nhân của tôi sẽ chấm dứt nhanh đến thế? Nếu nghe theo yêu cầu của anh, tôi sẽ trở thành bà nội trợ ngày ngày chỉ biết quanh quẩn cơm nước, sống một cuộc đời chông chênh, trống rỗng.
Nhưng nếu không nghe lời anh, đồng nghĩa với việc hôn nhân của tôi ở bên bờ vực thẳm.
Thật khó để dung hòa ước muốn của tôi với định nghĩa về người vợ hoàn hảo trong mắt chồng. Nhưng dù kết quả có thế nào, tôi vẫn phải đưa ra quyết định. Nhất định tôi phải có một buổi ngồi bên chồng, tâm sự để anh hiểu tôi hơn.
Tôi sẵn sàng vì anh mà hy sinh nhiều thứ để có thể là người vợ, người mẹ tốt, là hậu phương vững chắc cho anh. Nhưng tôi sẽ không bao giờ từ bỏ bản thân để trở thành bà nội trợ chuyên nghiệp trong cuộc hôn nhân của chính mình.
Theo Dân Trí
Có 500 triệu tiền tiết kiệm, người mẹ 70 tuổi không dám nói với con
Tôi vừa xây xong nhà mới, em trai đã đòi chuyển vào sống chung
Nghe bạn trai cũ kể về vợ, tôi bỗng thấy yêu chồng mình hơn