Người vợ viết ngắn gọn:
Đọc tin nhắn chắc mọi người sẽ hiểu vấn đề không cần em kể nữa. Em chỉ nói sơ về hoàn cảnh gia đình em là như thế này:
Em xinh đẹp, gia đình có điều kiện, chồng thì không có địa vị lẫn nhà cửa, nhưng lại có ý chí cầu tiến và siêng năng. Chúng em cưới nhau trong sự ngăn cấm của gia đình. Lấy nhau tới giờ đã được 4 năm, từ lúc sinh bé tới giờ được 3 năm em hiện chưa đi làm, còn chồng thì nhờ có vốn ba mẹ em cho, nên tháng làm ngoài trăm triệu.
Tin nhắn cuối em nhắn chắc ảnh ngủ trưa nên còn chưa đọc. Ảnh không bận tâm mọi người ạ. Mọi người nhẹ lời với em thôi! Em còn nhỏ tuổi, lại sống trong sự bao bọc từ bé nên kinh nghiệm sống còn ít lắm. Em là người hiền, hay giải quyết vấn đề theo xu hướng nhẹ nhàng. Các chị thông thái cho em xin lời khuyên.
Cùng với đó, cô gửi lên diễn đàn tấm ảnh chụp đoạn chat giữa cô với chồng. Người vợ nói với chồng rất nhiều, nhưng tóm lại có 3 vấn đề:
– Về tổ chức cuộc sống: Trước giờ chồng cô không phụ vợ chăm con và làm việc nhà, nhưng vì cô không đi làm, nên cô nghĩ thế là công bằng.
– Về chi tiêu tài chính: Chồng kiếm tháng hơn 100 triệu đồng nhưng xem vợ như ăn bám, đồng tiền đưa vợ như ban phát, phải xin xỏ mới có được. Đưa vợ có 2 triệu mà nói “lỡ anh đưa sớm em xài hết thì sao”.
– Cô muốn ra ngoài đi làm và vợ chồng công bằng hơn với nhau về tài chính.
Đáp lại những lời ruột gan của vợ, người chồng lại tỏ thái độ thờ ơ, nói rằng: “Em muốn nghĩ như thế nào thì em nghĩ. Anh không nghĩ như vậy. Còn nếu em nghĩ như vậy thì em cứ làm theo suy nghĩ của em”.
Khi cô vợ hỏi lại: “Vậy là anh thấy anh không cần phải giải thích gì hay cần ý kiến chuyện gì phải không?”, anh này trả lời: “Còn vấn đề anh nói tháng anh đưa 2 triệu để em xài, còn lặt vặt anh lo…”.
Nhiều người đọc xong chưa rõ đầu đuôi câu chuyện, không hiểu 2 triệu đưa vợ là tiền tiêu vặt hàng tháng hay tiền để chi tiêu gia đình. Song dù sao, đối với một người đàn ông thu nhập tháng hơn trăm triệu thì nghe đến số tiền anh ta đưa cho vợ ở nhà chăm con như vậy cũng đủ khiến chị em não lòng.
“Đàn ông mà tính toán với vợ từng đồng, tính toán cả từng miếng ăn nghe nản quá”, “Sợ nhất đàn ông làm ra tiền mà không đưa vợ giữ. Như vậy là coi vợ không ra gì. Chồng làm mà không đưa tiền cho vợ, vậy nó đưa cho bồ giữ rồi. Đàn ông mà thương mình thì còn lo mình không đủ dùng ấy. Như thế này có con khác rồi cũng nên”, “Trăm triệu mà mỗi tháng đưa vợ những 2 triệu, ỉm ghê vậy”… các chị em bắt đầu bàn tán.
Nhiều người cũng cho rằng cách nói chuyện của người chồng thể hiện rằng anh ta không hề thương vợ nên không quan tâm đến cảm xúc của cô ấy. “Đó là vốn nhà vợ cho mà còn như vậy, chắc có bồ rồi. Đàn ông thương vợ thì có đưa bao nhiêu tiền cho vợ cũng không bao giờ tiếc, không bao giờ tính toán, có là đưa. Ông chồng này đúng đang mưu đồ gì trong lòng mới ki bo cho bản thân như vậy”.
Cánh chị em khuyên người vợ nên nghĩ cách đòi lại tiền vốn nhà đẻ cho, rồi gửi con để đi làm, tiền mình mình giữ, chồng phải có trách nhiệm lo đủ sinh hoạt cho gia đình. “Chồng biết điều thì không tiếc nhưng đã tính toán thì bạn nên tích lũy cho bản thân, phòng có chuyện gì còn có cái mà lo cho bạn và con”, một thành viên nhắn nhủ.
Câu chuyện của cô vợ vừa xinh đẹp lại có gia thế tốt, xuất phát điểm hơn chồng nhưng đang rơi vào cảnh phụ thuộc chồng chỉ vì 3 năm liền ở nhà chăm con không đi làm đã củng cố thêm niềm tin của nhiều chị em vào việc phụ nữ nhất định phải có một công việc ra thu nhập, phải ra ngoài gặp gỡ mọi người.
Thiếu một ông chồng không chết được nhưng thiếu tài chính, không lo nổi cho mình, cho con, không kịp trở tay khi “có biến” chính là cái kết nhãn tiền mà không ít chị em đã rơi vào và đau khổ vì không thể thoát ra.
Theo Dân trí