Anh ấy hay nổi đóa, đập bàn đập ghế, nói oang oang. Sau mỗi lần như vậy, chồng em có xin lỗi, hứa sẽ không tái phạm nhưng vài ngày rồi lại chứng nào tật ấy.
Chị Thanh Tâm thân mến!
Nhiều lúc, em muốn ly dị vì không thể chịu nổi những lời nói cay độc của chồng. Chỉ cần tranh luận một chút, có ý kiến không vừa lòng là anh ấy sẵn sàng nói em không ra gì. Về cơ bản, chồng em là người có trách nhiệm, kiếm tiền cũng khá vì công việc tương đối ổn. Duy chỉ có điểm xấu ở anh ấy là ăn nói không suy nghĩ, lời nói cay độc làm tổn thương người khác. Điều này khiến em rất ức chế, không chỉ nói vợ mà nói con cũng không ra gì.
Có hôm con bị ốm, chồng em không những không giúp em chăm con mà còn trách móc: “Có mỗi việc chăm cho con khỏe thôi mà cũng không làm được, vô tích sự!”. Thanh Tâm thử nghĩ xem, có ai muốn con mình bị ốm đâu chứ. Mỗi lần con ốm sốt, chẳng đêm nào em được ngủ yên, hết sờ trán rồi đến đo nhiệt độ, hết cho con uống hạ sốt rồi lại lau mồ hôi… Chồng thấy vợ lục đục, còn khó chịu nói: “Đấy, cho chừa cái tội để cho nó ốm!”. Sau đó, con quấy khóc nhiều thì anh ấy lại cáu kỉnh, quát ầm lên: “Im đi, không được khóc!”… Con mệt nên nó mới vậy, chứ bình thường cháu rất ngoan. Em nói anh ấy hãy bình tĩnh thì chồng em quay sang chỉ trích em.
Chồng em khi nóng lên rất hay nói những lời xúc phạm, khiến em thực sự bị tổn thương, mặc dù mỗi lần tranh cãi em vẫn thường nói nhỏ nhẹ. Anh ấy hay nổi đóa, đập bàn đập ghế, nói oang oang. Sau mỗi lần như vậy, chồng em có xin lỗi, hứa sẽ không tái phạm nhưng vài ngày rồi lại chứng nào tật ấy. Em đã nhiều lần lựa lúc chồng vui vẻ để góp ý, cố gắng hài hòa và kiềm chế. Nhưng khi vui thì anh cười gật đầu, xin lỗi rối rít, sau gặp phải vấn đề thì vẫn cáu gắt và nói những lời có gai độc như thế. Nhiều khi em và chồng cãi nhau cả tuần chỉ vì không thể chịu được nhau. Em cảm thấy bị tổn thương và mệt mỏi.
Tất nhiên, bên cạnh điểm xấu đó, chồng em cũng có một vài ưu điểm. Tuy ác khẩu nhưng chồng em chăm con rất chu đáo, dạy con học, chơi cùng và thường xuyên nói chuyện với con. Ngoài ra, anh ấy còn luôn ủng hộ vợ trong công việc, sẵn sàng làm việc nhà, trông con những lúc em bận. Có lẽ vì những lúc như thế mà em bình tĩnh lại sau nhiều lần cãi vã căng thẳng.
Người ngoài có lẽ không thể tưởng tượng được chồng em lại là một người ăn nói thô lỗ như thế. Bởi anh là người xã giao bên ngoài rất tốt, luôn tỏ ra lịch thiệp, nhiệt tình và hòa đồng với mọi người. Đôi khi, em chỉ cần anh nói chuyện với vợ một cách ân cần, mềm mỏng, nếu vợ làm gì sai hay có những ý nghĩ sai thì anh nhẹ nhàng góp ý, em sẽ cố gắng tiếp thu. Nhưng sự thô lỗ, cục cằn của anh khiến em bức xúc và nhiều lần nghĩ tới ly dị. Em có quá cầu toàn không chị Thanh Tâm? Em nên làm gì để chồng em cải thiện được tính xấu này?
Thu Hằng (Hà Nam)
Chào em!
Quả thật không ai muốn nghe những lời nói như thế. Và ai cũng có những ưu điểm, khuyết điểm, khó lòng mà hoàn hảo. Nhưng em cần nói chuyện nghiêm túc với chồng để tìm ra cách cải thiện tình hình, chứ không phải cứ nói rồi xin lỗi như thế. Ví dụ, các dấu hiệu cảnh báo để chồng nhận ra mình đang quá lời mà dừng lại. Hay cách ứng xử của em lúc đó như thế nào có thể làm dịu lại sự nóng nảy của chồng… Thay đổi một thói quen cần có thời gian, sự nóng tính và cục cằn còn cần sự nhẫn nại. Nhưng chị tin tình yêu thương, tính xây dựng và quyết tâm của vợ chồng em sẽ đánh lui những lời nói thô lỗ.
Theo Phụ nữ Việt Nam