Chồng phân biệt đối xử nội ngoại, vợ ý kiến lại giở giọng Chí Phèo - Ảnh 1.

Ảnh minh họa: Getty Images.

Một người vợ tâm sự, vợ chồng cô cùng quê, lấy nhau rồi ra ở riêng. Tiền thì là tiền chung nhưng mỗi khi có món gì ngon, hoa quả hay tiền gửi về cho hai gia đình bố mẹ, cô luôn phải ưu tiên bên chồng theo ý người chồng.

“Ma chay hiếu hỷ, nhà chồng phong bì 500 – một triệu, nhà vợ chỉ 300 – 500 ngàn, không cần quan tâm trước họ đi nhà mình thế nào. Tiền quà cáp, biếu bố mẹ 2 bên, thi thoảng mà mình bảo biếu bố mẹ vợ 500 – một triệu thì chồng cũng đòi là phải biếu bố mẹ chồng, nhưng lại là 1-2 triệu. Quà cáp mua bên nhà vợ một thì nhà chồng phải hai. Tiền biếu Tết nhà vợ 5 triệu, nhà chồng 10 triệu… Chưa kể những lần như là người ta cho 4 quả bưởi, nhà một quả, nhà bố mẹ vợ một quả, nhà bố mẹ chồng phải 2 quả. Người ta cho hải sản, cua, ghẹ… chia cho nhà chồng 2kg, nhà vợ 1kg. Người ta cho quà quê, nem chua thì cũng chia nhà chồng 5 chục, nhà vợ 2 chục. Người ta biếu vải, biếu nhãn, cũng nhà chồng nhiều hơn…”, cô vợ kể chi li từng sự phân biệt đối xử của chồng.

Biếu bố mẹ vợ thì như vậy, nhưng mỗi khi bố mẹ vợ làm đồ ăn cho thì chồng cô đều bảo vợ nói bố mẹ làm một thể cho cả bố mẹ chồng. Cho đến hôm cô thèm ăn cá kho quá, nhờ mẹ kho cho một nồi nhỏ thì chồng nói vọng vào: “Em nhờ mẹ kho nồi to vào, anh mang sang bố mẹ anh nữa”. Mẹ cô cuối cùng lại phải đi kho một nồi to.

Cô tỏ ý kiến với chồng: “Em chẳng hiểu anh như thế nào nữa, từ hồi em lấy chồng, cái gì anh cũng khuân về nhà anh, đồ ăn đồ uống ngay cả tiền biếu bố mẹ cũng bố mẹ anh nhiều hơn”.

– Em còn tính toán mấy cái ấy à? Nhà em thì giàu hơn nhà anh, bớt mấy đồng, mấy cái đồ ăn đồ uống thì có nghèo đi được không?

– Nghèo thì em không nghèo đến mức anh nói nhưng em cũng thương bố mẹ em, sinh ra nuôi nấng em, giờ em đi lấy chồng rồi cái gì cũng phải ưu tiên nhà chồng, em không muốn sống như vậy. Ít ra anh cũng phải công bằng với 2 gia đình bố mẹ chứ.

– Giờ mày thái độ với tao hay gì?

Cô vợ viết: “Nói đến đây mình nghĩ nếu làm căng thì sẽ to chuyện nên mình lại nhịn. Có gia đình nào, có cặp đôi nào như vợ chồng mình không, cứ lấy lý do nhà mình có điều kiện hơn nên làm gì cũng ưu tiên nhà chồng. Ngay cả việc cưới xin rồi công việc của chồng cũng là nhà mình giúp, vậy mà lại như vậy…”.

Tâm sự của người vợ nhận được hàng ngàn ý kiến quan tâm bình luận. Cư dân mạng cho rằng cái sự “nhịn” của cô là không đúng lúc đúng chỗ, và sẽ chỉ gây thêm hệ lụy là ứng xử khó chấp nhận càng ngày càng leo thang của chồng.

Một bạn đọc lên tiếng: “Không biết chị từng đọc cuốn Bạn Đắt Giá Bao Nhiêu chưa? – “Sau mỗi quyết định thỏa hiệp là một mục đích chân thực, hoặc là sợ đánh mất, hoặc là vì nhân nhượng cho xong chuyện. Thực ra không phải như vậy, giới hạn mà bạn nắm giữ mới quyết định việc liệu bạn có đánh mất thứ gì hay không. Một khi bạn bỏ qua giới hạn ấy thì chẳng mấy chốc bạn sẽ bại trận. Đúng là bạn có thể nhận được sự an ổn tạm thời, nhưng sau đó bạn sẽ phải đưa ra thỏa hiệp lớn hơn, cho tới khi bạn đánh mất mọi nguyên tắc, và bị cuộc sống đày xuống mười tám tầng địa ngục”. Nếu chị cảm thấy có thể nhẫn nhịn cả đời thì chị cứ việc sống tiếp, còn trong lòng có khúc mắc thì dần dần khúc mắc ấy sẽ càng ngày càng lớn, đến sau này chị nhận ra thì hối hận cũng không kịp. Mọi sự quyết định là ở chị, đừng hỏi người khác làm gì ạ”.

Những người khác cho rằng: “Một đời dài lắm chị ơi, nếu chị xác định nhịn được cả đời thì thôi cứ vậy”, “Mấy cô vợ mà cứ kiểu sợ to chuyện nên không làm căng, hoàn toàn sai, càng làm vậy chồng bạn càng được đà lấn tới. Càng ngày mình càng lép vế, nhát bày tỏ quan điểm, thua thiệt. Nếu đã nhịn lần một là có lần 2, lần 3. Chuyện gì có thể nhịn chứ đã liên quan đến bố mẹ là không có chuyện nhịn đâu nhé. Lấy nhau là tự nguyện, sinh hoạt cũng là công bằng nên hai bên bố mẹ đều phải tôn trọng như nhau, không ai hơn ai hết”.

500 chị em cõi mạng cho rằng có vậy mới biết lấy một người chồng biết suy nghĩ phải trái, đúng sai đã là một niềm hạnh phúc rồi. Chồng mà biết nghĩ, biết quan tâm đến nhà ngoại, có gì ngon cũng nhớ đến nhà ngoại thì cũng chẳng bao giờ đi đâu mà thiệt, những người vợ sẽ tự giác biết quan tâm nhà nội nhiều hơn nữa để đáp lại tấm lòng chồng.

Còn như chồng của người vợ trong bài, đó là biểu hiện của sự bần hèn, vô dụng. Bản thân vô dụng mới thấy nhà vợ giàu hơn rồi vun vén cho nhà mình, chi li tính toán so đo từng chút một. Người chồng như vậy, rồi dần cũng sẽ bị đào thải trong xã hội này, bởi không người phụ nữ nào muốn lấy một người đàn ông không muốn san sẻ nỗi lo canh cánh trong lòng họ về cha mẹ đẻ ở nhà, nếu có trót lấy rồi cũng sẽ rời bỏ anh ta.

Theo Dân trí