Trang và Hùng kết hôn với nhau hơn 3 năm. Họ đều là giáo viên công tác tại một trường THPT chuyên có tiếng tại trung tâm thành phố. Vẻ ngoài “trời sinh một cặp”, cộng hưởng với nền tảng gia đình nội ngoại giàu có khiến họ trở thành đôi vợ chồng trong mơ của nhiều người.

Trong khi đồng nghiệp lúc nào cũng đầu bù tóc rối, hết lật đật chuyện trường lớp lại lao như tên bắn về nhà lo chuyện con cái cơm nước thì vợ chồng Trang tuần mấy lượt ăn nhà hàng, uống cà phê sang chảnh.

Thành phố có quán nào mới mở, view đẹp, đồ xịn, đều có bóng dáng đôi vợ chồng son tới “check-in”. Thế nhưng, sự thật giấu đằng sau những bức hình ăn ý, ngọt ngào ấy thì ít ai ngờ tới.

{keywords}
 

“Những lần đi ăn, đi chơi chính là món quà chuộc lỗi sau những lần tao bị Hùng bạo hành”, Trang nấc lên với tôi.

Thì ra là thế, không phải bông hoa nào cũng thơm, vẻ tươi xanh nào cũng xuất phát từ những chăm bón tỉ mỉ qua tháng ngày. Đôi khi, sự lộng lẫy có được chỉ là nhờ một vài nhân tố kích thích của việc chăm vội, bón thúc, mang tính tạm thời. Và, nếu được che giấu khéo léo thì người ngoài không thể nhận ra sự mục rỗng từ bên trong.

Tình cảm của Trang và Hùng không hề thuộc kiểu yêu nhanh sống vội. Sau thời gian hẹn hò gần hai năm, Trang mới đồng ý đi đến hôn nhân với Hùng. Tuy nhiên, trong khoảng thời gian tìm hiểu ấy, cô chẳng vỡ lẽ được điều gì, bởi Hùng ngụy trang quá kĩ.

Chàng là công tử nhà giàu, chưa lấy vợ đã có nhà riêng, có xe xịn. Bề ngoài lúc nào cũng lịch lãm, ân cần, công việc lại tốt, Trang liệu còn đòi hỏi gì hơn?

Người ta bảo yêu nhau mấy núi cũng trèo mấy sông cũng lội nhưng với cuộc tình này, họ chẳng có gì phải trèo hay lội cả, cặp đôi luôn cùng nhau đón nhận những cuộc gặp gỡ ngọt ngào, những lần hẹn hò tươi mới, suôn sẻ như ru. Thế mà, sau khi cưới một tháng, Hùng bắt đầu giở thói ghen tuông, bạo hành vô lối.

Cũng là bộ đầm lúc chưa cưới Trang diện thì Hùng trầm trồ khen không ngớt lời, nhưng bây giờ chỉ cần vợ mang thiết kế tương tự, Hùng lại mặt đỏ mày gay. Hùng không chỉ ghen với bạn bè, đồng nghiệp cùng tổ tiếng Anh của Trang hay bạn học cũ lâu ngày, mà còn ghen cả với… học trò do Trang chủ nhiệm.

Nhớ có lần, để chuẩn bị hội diễn cho trường, sau giờ học chính thức ở lớp, Trang tập hợp những bạn cốt cán trong ban cán sự họp bàn một số công chuyện. Cuối giờ, vì tiện đường nên Trang đưa cậu bạn lớp trưởng đến lớp học thêm cho kịp giờ.

Vô tình ở cột đèn giao thông, Hùng bắt gặp hai cô trò đang đi cùng nhau, thế là đêm đó về nhà Trang nhận ngay một cuộc thượng cẳng chân hạ cẳng tay cùng những lời xúc phạm vô lý từ Hùng. Đợt đó, cô phải xin nghỉ phép gần một tuần để điều trị vết thương.

Không phải ai có trình độ cũng biết lắng nghe. Đã rất nhiều lần Trang bày tỏ suy nghĩ của mình, cảnh cáo chồng phải sửa chữa thói hư tật xấu nhưng không những bỏ ngoài tai mà càng ngày Hùng càng lấn lướt, “bệnh” trở nặng hơn.

Hùng bắt vợ không được cài mật khẩu ở điện thoại, máy tính, không được xóa lịch trình gọi đến gọi đi, không được cố tình chuyển tin vào hộp rác. Hùng còn cài đặt chế độ định vị, giám sát lịch trình di chuyển đi lại hàng ngày của Trang.

Người ta thường nói, người vô sản là người dễ đạt được tự do, ngược lại, vì Trang đang có rất nhiều nên làm gì, quyết định thế nào cũng phải ngó trước nhìn sau, cân lên đặt xuống kĩ lưỡng.

Trang không muốn đồng nghiệp xì xào, thương hại, không muốn bố mẹ buồn lòng, không muốn đối diện với những ánh mắt của học trò nhìn cô giáo không còn vô tư trong mỗi lần cô đứng lớp…

Tâm lý “xấu chàng hổ ai” chính là bức tường tồn tại thường trực, ngăn cô công khai, nói lên tiếng nói của sự thật, “bóc phốt” vẻ lịch lãm của người chồng bất ổn.  

“Hùng đâu chỉ dẫn tao đi ăn, đi chơi, sau mỗi cuộc ghen tình và bạo hành, hắn lại mua đồ đẹp, đồ xịn, tao thích gì liền chiều đó. Vì không dứt khoát, vì còn yêu thương và nhiều vọng tưởng nên tao mới trở thành con tin của chính mình. Nhưng sau khi theo dõi vụ lùm xùm của một nghệ sĩ bị chồng đánh, tao sáng mắt ra rồi. Không ai có quyền đánh mình, ngay cả khi mình có lỗi, và người chồng “điên” sẽ chẳng bao giờ nhận mình sai hay chịu dừng lại. Hùng làm chồng tao hơi lâu rồi đó”.

Sau khi chốt câu cuối, cả tôi và bạn cùng bật cười. Tôi biết, Trang dẫu chưa công khai “lột trần” đạo đức rởm của Hùng, nhưng phần nào cô cũng đã nhận ra đến lúc bản thân cần “lột xác”, để sống một cuộc đời tốt đẹp hơn.

Vợ chồng là để tôn trọng và yêu thương, gia đình là nơi dùng lắng nghe để đắp xây sự thấu hiểu. Hùng, Thắng, Nam, Tiến hay bất cứ người đàn ông nào… Dù anh là ai, soái ca hay công tử, khi các anh cho mình quyền đánh đập, bạo hành và xúc phạm bạn đời, thì nơi mà chị em tiễn các anh đến không chỉ là tòa án với tờ đơn ly hôn, mà còn là đồn công an, để các anh giải trình về hành vi phạm tội của mình.

Theo Phụ Nữ TP.HCM