Đọc bài viết Người đàn ông khoe lương hưu cao khiến tôi nhận quả đắng tôi bỗng thấy đau thắt ngực. Tôi nhận ra rằng, những cuộc hôn nhân toan tính phần lớn đều dẫn đến bi kịch.

Chuyện là, bố mẹ tôi sinh được 6 người con. Nhưng sau khi ăn học trưởng thành, chúng tôi đều sống và làm việc ở thành thị. Ở quê chỉ còn lại bố mẹ. 

Năm 2012, mẹ tôi mất bất ngờ. Bố tôi bị suy sụp. Sức khỏe vì thế mà kém dần. Có lúc ông đau chân không đi lại được. 

Chúng tôi chia nhau đón bố đến ở cùng. Nhưng chỉ ở được dăm bữa nửa tháng bố lại đòi về quê vì không chịu được cảnh sống chật chội, nhà nào biết nhà ấy ở thành phố. 

Vậy là bài toán đặt ra với chúng tôi là làm thế nào để bố được chăm sóc tốt nhất trong khi chúng tôi đều bận công tác. Ở quê không có ai chịu đến làm giúp việc.

Bàn tới bàn lui cuối cùng anh cả quyết định tìm người trên phố về giúp  bố. Người đàn bà mà anh tôi chọn là người dọn vệ sinh ở khu chung cư, nơi anh đang sống. 

Năm đó, bà 62 tuổi, chưa từng lấy chồng nhưng có một đứa con nuôi đang học đại học. Người đàn bà này có ngoại hình thua xa mẹ tôi nhưng nấu ăn ngon, sạch sẽ và nói năng nhẹ nhàng. Vì thế bố tôi rất ưng. 

{keywords}
Ảnh: Đức Liên

Bà ấy làm giúp việc cho bố tôi được khoảng nửa năm thì anh cả gọi chúng tôi đến bàn việc cho bố lấy vợ. Anh bảo, chỉ có như thế, bố tôi mới có người chăm sóc lâu dài. 

Tôi điện thoại hỏi ý kiến bố. Bố bảo, người giúp việc kia rất tốt nhưng bố không muốn lấy ai ngoài mẹ của chúng tôi. 

Anh trai tôi và mấy anh chị còn lại thấy vậy ra sức phân tích, động viên bố. Cuối cùng bố đành nghe theo lời các con, lấy người giúp việc khi đã ở tuổi 80. 

Sau chuyện vui đó, chúng tôi yên tâm hơn về bố nên ít về quê, chỉ thỉnh thoảng gọi điện hỏi thăm. Đến ngày giỗ mẹ, tôi về gặp bố thì giật mình khi thấy bố gầy xọp. Mọi người hỏi bố thì bố chỉ cười và bảo, bố sợ bệnh gút giống ông hàng xóm nên không dám ăn nhiều. 

Tuy vậy, qua để ý sắc mặt, tôi thấy bố buồn và hay thở dài. 

Chiều hôm đó, sau khi làm giỗ mẹ xong, tôi lấy cớ muốn về quê ngoại của mẹ nên rủ bố đi cùng. Bố tôi đồng ý ngay. 

Trên xe, tôi gặng hỏi thì bố tâm sự, sau khi chính thức làm vợ của bố, người đàn bà đó thay đổi 180 độ.

Lương của bố gần 8 triệu, bà ấy thu hết. Bố không được giữ đồng nào. Đi cắt tóc hoặc có đình đám giỗ chạp trong làng bố đều phải ngửa tay xin. Và mỗi lần như thế, bố đều bị nghe chửi. 

Chuyện ăn uống cũng vô cùng kham khổ. Mỗi bữa đều chỉ có cơm rau. Bố góp ý thì bà ấy lớn tiếng rồi không vào bếp nấu cơm, cũng không mở khóa bếp để bố tự nấu nên phải nhịn đói.

Bố buồn và rất thất vọng nhưng sợ làm phiền các con nên bố cố gắng chịu đựng. Tôi nghe bố nói mà trào nước mắt. 

Sau đó, tôi xin ý kiến bố và các anh chị rồi nói chuyện với vợ hai của bố. Tôi thay mặt gia đình xin lỗi bà ấy. Tiếp đến, tôi gửi bà ấy 100 triệu để mua lại tự do cho bố tôi. 

Chắc nhiều người nghe đến đây sẽ đánh giá tôi bạc ác với bà ấy. Nhưng tôi không thể để người khác làm tổn thương bố mình. 

Tôi cũng nghĩ, nếu chúng tôi gây sức ép thì bà ấy sẽ không dám đối xử tệ với bố. Nhưng qua những lời bố kể, tôi biết bà ấy không phải người tốt. Bố tôi cũng không muốn sống những ngày tháng cuối đời với một người như vậy nên tôi quyết định mang tiếc ác một lần.

Bây giờ tôi kể chuyện này ra để những người làm con lấy đó làm kinh nghiệm. Khi cha mẹ già, đừng cố đẩy trách nhiệm chăm sóc cha mẹ cho người khác kẻo có ngày ân hận. 

Độc giả giấu tên