Tôi năm nay 40 tuổi, là con trai cả trong gia đình có 3 anh em trai. Bố mẹ tôi đều là nông dân, luôn cố gắng lo cho các con ăn học. Dù vậy, chỉ có tôi học hết đại học, 2 em trai chỉ tốt nghiệp cấp 3 rồi đi làm công nhân.

Sau khi ra trường, tôi lập nghiệp ở thành phố, cưới vợ, sinh con. Các em tôi cũng lần lượt lập gia đình, sống riêng trên cùng mảnh đất với bố mẹ.

Từ trước tới giờ, chúng tôi chưa từng phải chăm lo cho bố mẹ. Thỉnh thoảng vào các dịp lễ, Tết, con cái có biếu tiền bạc, quà cáp, bố mẹ đều tìm cách cho lại cháu, không tơ hào đồng nào của con.

Hai năm trước, bố tôi qua đời sau một cơn bạo bệnh. Mẹ tôi vì đau buồn mà suy sụp, sức khỏe ngày càng yếu dần.

Đợt vừa rồi về quê, thấy tình hình sức khỏe mẹ không tốt, tôi đề nghị mẹ lên thành phố ở với vợ chồng tôi nhưng mẹ không chịu. Mẹ nói, cả đời mẹ sống với quê kiểng, ruộng vườn, già rồi không muốn đi xa. Huống hồ, mẹ còn 2 đứa con trai ở cạnh nhà, bảo tôi đừng quá lo lắng.

Bàn chuyện góp tiền nuôi mẹ, vợ tôi tuyên bố một câu khiến các em chán nản - 1
Tôi không hài lòng về cách hành xử của vợ trong cuộc họp gia đình (Ảnh minh họa: iStock).

Tôi tôn trọng mong muốn của mẹ. Nhưng với tình hình hiện tại, tôi muốn mẹ được nghỉ ngơi nên đã tổ chức cuộc họp gia đình. 

Trong cuộc họp, tôi có nói đến việc mẹ sức khỏe ngày càng yếu, không nên làm ruộng nữa. Tôi đề nghị mẹ trả ruộng hoặc cho người ta mượn. Thay vào đó, 3 anh em sẽ góp tiền đảm bảo cho mẹ đủ lo chi tiêu sinh hoạt hàng tháng.

Tôi vừa dứt lời, cả 2 em trai đều hưởng ứng. Em trai út cho rằng phương án của tôi đưa ra rất hợp lý. Nhưng em ấy có đề xuất, nếu mỗi tháng tiền chu cấp cho mẹ là 6 triệu đồng thì nhà tôi góp một nửa, nửa còn lại 2 anh em chia đôi, mỗi nhà 1,5 triệu đồng.

Lý do em ấy đưa ra: Tôi là con trai cả, điều kiện kinh tế nhà tôi tốt hơn. Hơn nữa, tôi ở xa, chỉ những khi có việc mới về, mẹ ở nhà chủ yếu đều do vợ chồng các em lo.

Vừa nghe em chồng nói xong, vợ tôi lập tức phản đối. Cô ấy nói rằng, đã là con không nên phân biệt ai lớn, ai nhỏ. Đối với cha mẹ, trách nhiệm đều như nhau. Không thể lúc chia quyền lợi thì đòi công bằng, lúc chịu trách nhiệm lại dồn phần hơn cho con cả.

Vợ tôi nhắc lại chuyện bố mẹ chia đất trước kia. Lúc đầu ông bà định chia cho vợ chồng tôi phần hơn vì tôi là con trưởng, sau này lo việc hương khói tổ tiên. Khi đó, 2 chú đều không đồng ý vì cho rằng, con cái trong nhà, chuyện gì cũng phải công bằng mới hòa thuận.

Cuối cùng, mảnh đất chia làm 3 phần bằng nhau. Hai chú đều làm nhà riêng ở cạnh bên, còn phần của tôi chính là căn nhà cũ mẹ đang ở.

Cuối cùng, vợ tôi nói: “Đồng ý là kinh tế nhà anh chị khá hơn. Nhưng chỉ là khá so với ở quê, còn ở thành phố, anh chị cũng phải vất vả đi làm, chắt chiu mới có thể mua nhà, lo cho con cái học hành. Vậy nên các khoản đóng góp, các chú như thế nào, anh chị như thế ấy”.

Những lời vợ tôi nói khiến không khí trong nhà trầm hẳn xuống. Ai nấy đều im lặng một cách khó chịu, tôi cũng không biết nên nói gì. Vốn dĩ, tôi cũng nghĩ như em mình, phận là con cả nên có trách nhiệm lớn hơn một chút để làm gương, các em còn nhìn vào.

Em dâu út thấy vợ tôi ý kiến vậy thì buông lời: “Anh chị được học hành nên nói năng bài bản đâu ra đấy. Bọn em ít học nên nông cạn, chỉ nghĩ là anh chị khá hơn thì gánh hộ cho các em một chút, cũng là cho mẹ chứ đi đâu. Nhưng thôi, chị đã nói vậy, chúng em không dám ý kiến gì nữa”.

Sau cuộc họp, tôi có bảo vợ làm như vậy rất không hay. Bình thường, tôi thấy vợ vẫn hay biếu mẹ chồng tiền, sao nay có triệu bạc cũng tính toán với các em.

Vợ tôi bảo chuyện gì ra chuyện đó. Cô ấy biếu mẹ là việc của cô ấy. Sau này, mỗi tháng cô ấy vẫn biếu tiền mẹ như trước đây. Còn đã tính chuyện cùng nhau nuôi mẹ, trách nhiệm phải chia đều.

Có phải là vợ tôi sòng phẳng một cách không cần thiết không? Đằng nào cũng là tiền, sao không chịu phần hơn để em út kính nể, tôn trọng.

Cô ấy làm như vậy chỉ khiến các em nghĩ rằng mình là chị mà chi ly, hẹp hòi, có đáng không?

Theo Dân Trí