Vợ chồng tôi đều là công chức nhà nước nên mọi chi tiêu trong gia đình chỉ trông chờ vào đồng lương. Thế nhưng, kể từ khi lấy chồng, tôi chưa biết mặt mũi tiền lương của chồng như thế nào.

Khi chúng tôi yêu nhau, tôi cũng biết hoàn cảnh gia đình anh khó khăn. Bố mẹ đã già yếu, không có lương hưu lại phải nuôi đứa em không được tinh khôn, nên hàng tháng anh vẫn phải gửi tiền về cho gia đình. Khi ấy, tôi chỉ nghĩ đơn giản, anh hết lòng với gia đình như vậy sẽ là người con hiếu thảo, tôi sẵn sàng ủng hộ anh.

Lúc lấy nhau rồi, tiền lương của anh cũng được gửi về cho gia đình mà tôi không hề cầm đồng nào. Tôi nghĩ vợ chồng son nên chi tiêu bằng tiền của tôi nếu tằn tiện thì cũng đủ dùng, nên tôi không hỏi anh chuyện tiền nong. Nhưng tôi vẫn nghĩ anh chỉ đưa cho gia đình một phần nào đó, còn lại tích lũy để dành cho con và khi cần mua vật dụng trong gia đình.

Lúc tôi sinh con, tiền mổ đẻ và viện phí cũng hết một khoản kha khá so với thu nhập của chúng tôi. Tôi có hỏi thì chồng tôi nói anh không có đồng nào, vì hàng tháng anh phải gửi gần hết tiền lương về quê, chỉ giữ một phần rất ít đủ tiêu vặt.

Rồi con lớn dần, chi tiêu tăng lên, tôi cũng đôi lần nói đến chuyện anh nên có đóng góp để cùng lo cho các con, nhưng anh phản ứng là lúc yêu, tôi cũng đã biết hoàn cảnh của anh và chấp nhận cùng chồng chia sẻ khó khăn, giờ tôi đòi hỏi như thế thì làm khó cho anh.

Nhiều lúc không có tiền, tôi lại phải vay mượn, lấy chỗ nọ đập chỗ kia để xoay sở cuộc sống. Tôi cũng nhận làm thêm việc để có tiền trang trải chi tiêu trong gia đình. Tôi mệt mỏi khi phải một mình xoay sở như thế đã gần 10 năm nay. Nhưng mỗi khi nói đến chuyện tiền nong là vợ chồng tôi lại mâu thuẫn. Đi làm được 10 năm, nhưng chúng tôi không hề có đồng nào tích lũy, nhà thì đang phải đi thuê.

Nhiều lúc nhìn cuộc sống của mình, của gia đình tôi cũng thấymệt mỏi, ngán ngẩm. Không biết tôi sẽ chịu đựng cuộc sống này đến bao giờ, cứ thế này thì tôi không nhìn thấy tương lai của mình và các con./.

Theo VOV