Chồng tôi vừa cao to, vừa đẹp trai. Khi anh ấy cưới tôi, cả làng trên xóm dưới đều xì xào bàn tán, khen tôi tốt tu, “mèo mù vớ cá rán”, thậm chí còn bảo anh ấy “mù màu” nên mới cưới tôi. Tôi không chỉ xấu xí, vụng về mà còn chỉ học xong trung cấp và làm giáo viên tiểu học. Còn chồng tôi tốt nghiệp đại học, còn xin được việc trên thành phố.

Nhưng anh ấy bảo thích vẻ giản dị, chịu thương chịu khó của tôi. Anh ấy muốn một người lo hậu phương để anh ấy yên tâm công tác. Tôi đã choáng ngợp trong sung sướng, tự hào, mở mày mở mặt với bà con họ hàng và bạn bè cùng xã. Tôi tự nhủ sẽ mang cả cuộc đời ra bù đắp cho anh ấy đỡ “thiệt thòi”.

Nhưng sau này, tôi mới hiểu gánh nặng “hậu phương” mà chồng tôi toàn tâm toàn ý để tôi lo. Chồng tôi chỉ về nhà mỗi năm 2 lần. Chỉ thi thoảng mới được “lườm mặt” chồng nhưng tôi cũng sòn sòn 5 năm sinh 3 con, hai gái, một trai. Đồng lương chồng gửi về chẳng được là bao, ngoài giờ lên lớp, tôi quần quật ngoài đồng, cày cấy, lo miếng ăn cho các con, phụng dưỡng cha mẹ chồng.

Các con tôi đều giống bố, xinh đẹp, khoẻ mạnh. Tôi nhìn con mà mát ruột, càng cảm kích chồng.

Khi tôi hơn 40 tuổi thì chồng tôi cũng bỏ việc về quê. Chồng tôi vẫn rất đẹp trai, trẻ trung, phong độ. Các cô gái làng mười tám, đôi mưõi vẫn len lén nhìn anh ấy và dúi mặt vào lưng nhau cười khúc khích. Còn tôi, sau hai chục năm lao động cật lực, tôi gày tong teo, tóc bạc, tay chân thô ráp.

Tôi không dám nhìn mình trong gương, càng không dám ngồi đối diện với chồng, không dám nhìn vào mắt anh ấy. Mà thực ra tôi cũng lo hão huyền. Chồng tôi chỉ ở nhà có hai ngày, còn lại anh ấy theo bạn bè, đi chơi, đi chơi bài, đi nhậu nhẹt từ sáng sớm đến tối.

Vợ chồng chẳng mấy khi giáp mặt nhau, nghe tiếng nhau. Ngay cả khi ngồi cùng mâm, anh ấy cũng chẳng nhìn tôi, chỉ quay sang hỏi chuyện các con và bố mẹ. Một lần, khi tôi lấy cho chồng chiếc khăn ấm, vô tình chạm tay vào mặt chồng, anh ấy nhăn mặt hất tay tôi ra, sỗ sàng: “Khiếp, tay gì mà như cái chổi sể”.

Tôi ắng lặng đi, cười ngu ngơ hối lỗi. Lúc ngồi dưới bếp, tôi xoa thử tay lên ống chân, xấu hổ khi thấy chúng đúng là chẳng khác gì một cái chổi, lởm chởm vết chai, vết cắt.

Từ đó, tôi đứng cách xa chồng hơn. Chỉ dám đứng từ xa, len lén ngắm chồng và các con vui đùa với nhau. Các con gái tôi cũng đã thành thiếu nữ xinh đẹp. Một đứa học xong Cao đẳng Sư phạm, về dạy cùng trường với tôi, đã lấy chồng và chuẩn bị sinh con. Đứa kế cũng đang học ĐH Thương mại, cậu con trai học cấp III. Tôi tự hào về mọi thứ tôi có, trừ bản thân tôi.

Vì ngại giáp mặt chồng, tôi dành nhiều thời gian hơn ở trường. Tôi đã là hiệu phó, nhiều việc giấy tờ bề bộn. Cả nhà vắng tôi cũng chẳng hề hấn gì.

Từ ngày con trai về, mẹ chồng tôi rất thích nấu ăn, mọi người vui vẻ quây quần bên mâm cơm, trò chuyện rôm rả, câu chuyện sẽ khó khăn hơn khi có mặt tôi. Chính vì ở trường nhiều mà tôi giáp mặt Q. Anh ấy là bảo vệ của trường, cũng ngoài 50 tuổi. Anh ấy lúc nào cũng lừ lừ như tàu điện, cả ngày chẳng nở nụ cười nên tôi cũng ngại tiếp xúc.

Một lần, gần 7h tối, tôi đang định về thì bắt gặp Q. nằm lăn ở ngoài hiên, nồng nặc mùi rượu. Giận lắm, nhưng cũng sợ anh ta bị cảm nên tôi dìu anh ta vào phòng truyền thống, dấp cho anh ta cái khăn ấm, làm cho anh ta bát mì tôm. Anh ta ngồi ngắm bát mì rất lâu, rồi nhìn tôi, nở nụ cười hiền lành: “Thật tốt phúc khi lấy được người vợ như cô”.

Gương mặt nhăn nhó, cáu kỉnh của anh ta giãn nở, trông hiền lành, dễ chịu. Tôi sững người, đánh đổ cả cốc nước vào người. Qua vài người trong trường, tôi biết thêm về Q., vợ anh ta buôn bán, nhiều tiền nhưng lại bỏ bê gia đình. Các con cũng theo phe mẹ, coi thường bố. Anh ấy vì thế mà buồn phiền, rầu rĩ.

Từ đó, chiều nào khi tôi làm muộn, anh ta pha cho tôi tách trà, rồi lôi chiếc xe đạp của tôi ra lau chùi, tra dầu mỡ. Còn tôi mang mấy quả trứng để nấu mì tôm cho cả hai cùng ăn. Vừa ăn, chúng tôi vừa trò chuyện, cười đùa. Anh ấy luôn nhìn thẳng vào tôi với ánh mắt trìu mến, ấm áp. Chúng tôi phải lòng nhau.

Trong xã, chẳng việc gì qua nổi những con mắt thọc mạch, tình cảm của chúng tôi nhanh chóng bị phát giác, rồi đến tai chồng con. Nhà tôi mở cuộc “đấu tố”. Bố mẹ, anh chị chồng, chồng và các con tôi ngồi trên phản, tôi được chỉ định ngồi dưới nền nhà.

Mẹ chồng tôi nổ phát súng đầu tiên: “Tôi không ngờ cô bạc tóc mà còn chưa chót đời. Cô thử soi gương xem đã đẹp mặt chưa. Đồ lăng loàn, mất nết”. Chị chồng tôi bảo: “Xinh đẹp, trẻ trung lắm mà còn ngoại tình. Phúc nhà cô to bằng cái đình thì cô mới cưới được em tôi. Vứt ra đường chẳng ai nhặt còn bày đặt ngoại tình. Cô cho thằng đó bao nhiêu tiền để nó ngủ với cô”.

Chồng tôi mặt đỏ găng, nghiến chặt răng nhưng nói lại từ tốn: “Tôi tưởng cưới kẻ xấu xí như cô thì nhà cửa sẽ êm đẹp, cô an phận chăm lo gia đình, ai ngờ đến già lại đổ đốn”.

Con gái tôi gào khóc: “Mẹ sỉ nhục bố, làm hại con. Sao mẹ có thể cặp bồ với một người không ra gì, một người bị vợ con khinh bỉ, sỉ nhục”.

Còn rất nhiều lời khó nghe nữa. Nhưng tóm lại, có mấy lý do khiến gia đình tôi bị hạ nhục và không thể hiểu nổi: Việc tôi vừa già, vừa xấu, có chồng đẹp trai, tốt nết, thế mà còn ngoại tình với một kẻ khố rách áo ôm là không thể chấp nhận được, là sự bại hoại nhân cách, làm tủi hổ chồng con, họ hàng.

Cuối cùng thì mọi người đưa ra kết luận: Dù tôi đã sai lầm, trót dại nhưng vì sự êm đẹp của gia đình nên mọi người đều bỏ qua cho tôi. Tôi nên biết điều mà sống cho trót tuổi già, để uy tín gia đình không bị ảnh hưởng.

Sau khi mọi chuyện vỡ lở, Q. cũng đã xin thôi việc đi biệt tích. Hình như anh ấy vào Nam tìm đồng đội cũ. Còn tôi xin ly hôn, bất chấp sự kinh ngạc của bố mẹ, chồng con, anh em, bè bạn. Mọi người không hiểu sao tôi không biết ăn năn, hối lỗi, quay về với gia đình, sao tôi lại mặt trơ, sao tôi lại không biết ơn sự tha thứ của mọi người.

Tôi vừa xấu vừa già, vừa lăng loàn, có chồng đẹp trai mà còn không biết hối cải. Các con tôi cũng xúm vào bảo mẹ “bị thần kinh”, “không đáng là mẹ”, “chạy theo trai”.

Tôi không giải thích. Tôi ly hôn không phải vì Q. Tôi chỉ muốn giữ chút lòng tự trọng trong chút thời gian còn lại của cuộc đời mình. Chút tự trọng cho chính giá trị bản thân tôi chứ không phải chút bố thí, ban ơn của bất kỳ ai.

Theo Dân Việt