Chị Hồng chia sẻ, chồng chị bị bệnh về máu đã nhiều năm, anh mất khả năng lao động và thường xuyên phải vào viện truyền máu. Gánh nặng gia đình dồn lên hai vai chị, cộng thêm vào đó là áp lực từ gia đình chồng khiến chị luôn cảm thấy mệt mỏi, chán nản, thiếu động lực sống.
“Tôi vừa làm việc, nuôi con, vừa chăm sóc, động viên chồng. Bao nhiêu việc đó đủ khiến tôi vô cùng mệt mỏi, phải nỗ lực gấp nhiều lần người khác mới trụ được. Tôi vốn là một phụ nữ chỉn chu, làm việc gì cũng có kế hoạch, từ lúc lớn lên lúc nào cũng ăn mặc lịch sự, dù không dành nhiều thời gian cho bản thân nhưng cũng không xuề xòa.
Cũng một phần bởi công việc của tôi, khi đến công sở cũng cần như vậy. Thế nhưng mẹ chồng, em chồng tôi đã nhiều lần kể với họ hàng rằng, chồng tôi bị bệnh nặng mà vợ thì vẫn “ăn chơi” như lên sân khấu. Tôi vô cùng bức xúc, không hiểu mẹ chồng tôi nghĩ thế nào? Liệu chồng ốm thì phải bơ phờ nhếch nhác mới là thương chồng sao?
Bà nói đi nói lại nhiều lần, tôi bức xúc mới trực tiếp hỏi chuyện mẹ chồng vừa để giải thích, vừa muốn hỏi xem tôi sai chỗ nào? Không ngờ mẹ chồng tôi lu loa lên với chồng tôi đủ chuyện, khiến chồng tôi quẫn trí, cứ nghĩ tôi có bồ bên ngoài. Anh đã viết thư để lại rồi uống thuốc tự vẫn, trong thư đại khái nói rằng anh chết cho tôi rảnh nợ. May mà gia đình phát hiện đã kịp đưa anh đi cấp cứu.
Tôi đang bị stress rất nặng, không biết nên sống thế nào cho phải, kể cả với chồng hay với mẹ chồng. Tôi cần có sức khỏe và tinh thần để làm việc chăm sóc con cái và chồng ốm đau nữa, nếu cứ thế này, tôi sẽ suy sụp mất”, chị Hồng bức bách chia sẻ
Theo chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Kim Liên – Công ty Hạnh phúc cộng đồng (Happycomm), câu chuyện mẹ chồng – nàng dâu vẫn luôn là vấn đề khó tháo gỡ đối với nhiều gia đình. Câu chuyện của chị Hồng chỉ là một trong những tình huống khó xử trong vô vàn tình huống mẹ chồng – nàng dâu khác.
Theo chuyên gia tâm lý Kim Liên, câu chuyện trên là cả một quá trình tích tụ mâu thuẫn của các bên xuất phát từ việc người chồng bị ốm. Mọi vấn đề xuất phát từ đây dẫn đến mọi áp lực của cuộc sống, về kinh tế, về tình cảm dồn lên chị Hồng.
Thường trong hoàn cảnh đó, chúng ta chỉ tập trung vào để kiếm tiền chăm sóc gia đình, để người bệnh nhận được sự chăm sóc thuốc men tốt mà chúng ta hay quên đi cái cần chăm sóc và làm ngay từ đầu đó là trạng thái tâm lý của người bệnh. Đó là một yếu tố rất quan trọng chi phối lên chính sức khỏe của anh ta và thái độ sống sẽ ảnh hưởng, tác động đến xung quanh.
Còn về phía người vợ, sự mệt mỏi, áp lực với mẹ chồng, với con cái, với một người chồng ủ rũ, ốm đau, cuộc sống mỗi khi về nhà là một gánh nặng, điều đó dần trở nên khủng khiếp.
Tuy nhiên, phải chia sẻ rằng, mỗi cuộc hôn nhân đều đem đến cho các bà mẹ chồng sự bất ổn của người bị chia sẻ tình thương yêu, và họ cảm thấy mất mát, lo sợ, cảm giác bảo bọc con cái khiến họ thường xuyên quan tâm đến gia đình mới của con. Mẹ chồng nhiều khi xuất phát từ nguyên nhân tâm lý này, muốn bảo vệ thứ thuộc về con mình và sợ con mình tổn thương dẫn đến thường xuyên săm soi con dâu.
“Để xử lý mâu thuẫn này, là một người phụ nữ hiện đại, các nàng dâu nên khéo léo, đừng bao giờ tỏ thái độ không nghe hay không cần lời khuyên của mẹ chồng. Chỉ khi tâm lý của tất cả các bên được khai thông thì bạn mới có đủ tinh thần làm việc, kiếm tiền.
Chồng bạn tự lấy được thăng bằng thì sẽ tích cực hơn và không thành gánh nặng của bạn, để bạn yên tâm đi làm. Và mẹ chồng bạn chắc chắn cũng sẽ mong muốn các bạn hạnh phúc”, chuyên gia Kim Liên đưa ra lời khuyên.
Theo Phụ Nữ Việt Nam