Tôi làm lớp trưởng cả ba năm phổ thông trung học. Thuận lợi lớn nhất của tôi là được tất cả các bạn trong lớp quý mến, ủng hộ.

Tôi cũng không gặp bất cứ áp lực gì về việc làm lớp trưởng. Còn áp lực gì nữa khi mà cả lớp chúng tôi nhà đều ở gần nhau và ra vào nhà nhau như cơm bữa. Không những cha mẹ mà họ hàng, bạn bè của nhau, chúng tôi đều biết gần hết. 

Lớp chúng tôi yên ả, bình lặng, không có tiếng loảng xoảng hay tiếng cãi cọ như lớp bên cạnh. Vậy nên sau này ra trường, mỗi năm đến Tết là chúng tôi lại họp lớp thân mật và vui chưa từng thấy.

Những năm đầu tiên mới ra trường, mỗi khi Tết đến xuân về chúng tôi họp lớp, cả lớp  đều có mặt đầy đủ. Chúng tôi có rất nhiều chuyện hợp cạ để nói cả ngày cũng không hết. Người này thậm chí không cần nhìn vào mắt người kia vẫn có thể đoán được chính xác người đó đang muốn gì. Chúng tôi có thể chia sẻ với nhau tất cả mọi điều trong cuộc sống từ học tập, công việc, bạn bè, gia đình họ hàng cho đến các ước muốn khó nói nhất.

Thế rồi thời gian dần trôi qua, từng đứa một trong lớp lần lượt có gia đình thì mọi chuyện hoàn toàn khác hẳn. Lớp chúng tôi hiếm khi mà có dịp họp lớp hàn huyên tâm sự đầy đủ như ngày xưa.

Buổi họp lớp xuân năm ngoái, do một nhân vật ở nước ngoài mới về nước ăn Tết mong gặp lại các bạn học xưa. Tất nhiên bạn ấy tìm đến lớp trưởng là tôi và đề nghị tôi đứng ra tổ chức buổi họp lớp.

Hôm họp lớp đã thông báo, hẹn hò nhau như đinh đóng cột, vậy mà vẫn còn thiếu một số nhân vật nhắn tin không thể tham dự được. Vì nguyện vọng lớn lao của người bạn ở nước ngoài mới về muốn gặp đầy đủ nên tôi phải đích thân đến nhà các bạn sau nhiều cuộc điện thoại không chịu nghe máy.

Vừa mới ló cái mặt vào nhà bạn A thì đã thấy mặt vợ bạn ấy nhăn nhó, như muốn ăn tươi nuốt sống cả tôi: “Họp lớp chỉ là cái cớ thôi, cái chính là tụ tập để nhậu nhẹt rồi còn tranh thủ lượn lờ với mấy em người yêu cũ thời hoa học trò chứ gì… “.

Nghe thế là đủ biết máu “hoạn thư” rồi nên tôi mới xuất chiêu: “Anh thay mặt cả lớp mạo muội mời em đến họp lớp cùng bọn anh cho vui… “. Vợ bạn A liếc xéo tôi một cái rồi mới nhỏ nhẹ: “Em không đi được, nhà bao việc, bọn anh cứ đi đi nhưng đảm bảo tối về chồng em phải còn nguyên đai nguyên kiện đấy nhé… “.

Tôi cùng bạn A sang nhà bạn B thì thấy bạn ấy đang bồng con trên tay ru ngủ. Vợ bạn ấy cố tình đi ra khỏi nhà, điện thoại thì ngoài vòng phủ sóng. Chúng tôi ngồi đợi mà lòng như có lửa, hên sao bà mẹ vợ qua chơi, chúng tôi tranh thủ trình bày lý do thì bà duyệt ngay bảo cứ đi đi để đứa bé bà trông cho.

Vậy mới thấy đời sao mà quá khổ, bao nhiêu năm rồi mới họp lớp mà sao khó khăn quá. Tưởng đâu tập hợp đông đủ là xong chuyện, ai dè vừa mới lôi được vài người vắng mặt đến thì gặp ngay một ông đòi về mà lại là nhân vật thành đạt nhất lớp, tự nguyện đóng góp nhiều nhất cho buổi họp mặt này.

Chuyện là thế này: Hình như bạn ấy cũng muốn khoe mẽ với mọi người nên dẫn theo cả gia đình với một người vợ xinh đẹp và đứa con ngoan và xinh không kém gì mẹ nó. Vậy mà mấy bạn vô tư đã dội một gáo nước lạnh vào bạn ấy khi vô duyên phát biểu: “Ngày xưa ông học dốt nhất lớp, thầy cô thường bảo sau này chắc ông chỉ có nước đi chăn bò, vậy mà bây giờ làm tổng giám đốc một tập đoàn kinh tế lớn, hên nhỉ… “.

Mấy bạn đó vô tư nói mà không hề để ý đến đứa con của cậu bạn cười hí hí bảo: “Vậy mà ba toàn dạy bảo cháu là ngày xưa ba học giỏi nhất lớp… “.

Tôi chẳng biết mấy bạn đó phát biểu vô tư hay ganh tỵ khi thấy anh ta khoe vợ trẻ, đẹp nên dẫn theo. Vì lấy được vợ trẻ đẹp nên bắt buộc anh ta cũng phải chú ý đến hình thức bên ngoài cho xứng tầm với vợ.  Vậy mà vài bạn chẳng tỉnh táo, sáng suốt khi phán một câu xanh rờn: “Ông diện ghê hè, chẳng bù hồi nhỏ đi học ông toàn mang quần thủng đít không hà… “.

Đúng là chịu hết nổi. Thật ra thì thời kỳ đó, không riêng gì cậu bạn mang quần thủng đít đi học mà đa số học sinh đều như vậy. Nhưng đối với cô vợ trẻ đến hơn 10 tuổi của cậu bạn thì hoàn toàn khác, bằng chứng là cô ấy ngạc nhiên đến mức há hốc cả miệng…

Rút kinh nghiệm. Họp lớp xuân năm nay, chúng tôi tổ chức với tiêu chí ai đi được thì đi. Đa số các bạn đến vừa ngồi xuống ghế liền rút ngay điện thoại ra và vẫy tay phục vụ hỏi: “Mật khẩu ở đây là gì vậy em?”.

Sau khi gõ nhập mật khẩu truy cập internet xong thì liếc nhìn hai người ngồi cạnh rồi hỏi: “Dạo này có gì mới không bạn?'”. Trong khi mắt vẫn dán vào cái điện thoại và tay không ngừng vuốt vuốt màn hình.

Sau đó cả lũ ngồi xích vào nhau chụp ảnh và tải lên Facebook, theo dõi bình luận của mọi người về tấm ảnh vừa mới được đăng, thỉnh thoảng mỉm cười và chăm chú vào chiếc điện thoại của riêng mình, chẳng ai nói chuyện với ai. Mọi người vẫn ngồi cạnh nhau nhưng tiếng cười nói rộn rã rất hiếm hoi. Thỉnh thoảng chỉ có tiếng người này, người kia khúc khích cười với cái điện thoại…

Sau buổi họp lớp đó tôi đâm ngại chẳng thiết tổ chức họp lớp nữa. Rồi không biết từ bao giờ mà tôi bắt đầu cảm thấy chán, thậm chí là ám ảnh, sợ hãi mỗi khi nghe ai đó gợi ý đến tổ chức họp lớp, cứ mỗi lần nghe hai chữ “họp lớp” là da gà, da vịt của tôi cứ thi nhau dựng đứng cả lên…

Họp lớp là dịp để mỗi người được trở về với thuở học trò hồn nhiên, trong sáng. Tuy nhiên, cũng từ đây, một vài vấn đề không mong muốn đã xảy ra khiến nhiều người rơi vào cảnh dở khóc dở cười. Bạn có câu chuyện nào về chủ đề này muốn kể cho chúng tôi? Xin gửi về địa chỉ email: bandoisong@vietnamnet.vn. Trân trọng cảm ơn!

 

Nguyễn Hiền