Năm nay, chị Hoàng Thị Thanh đề nghị với chồng về bên ngoại ăn Tết, nếu anh không đồng ý thì ba mẹ con chị sẽ đi.
Minh, chồng chị chẳng nói gì nhưng ngay hôm sau đó, chị gái chồng đã gọi điện mắng Thanh sa sả. Dù biết chồng chuyện gì cũng nói với mẹ, với chị gái nhưng Thanh vẫn vuốt mặt không kịp.
Chị Thanh mang nỗi sợ hãi tột độ về ăn Tết nhà chồng không phải vì chuyện việc nhà, bếp núc, quà cáp, đường sá như bao nàng dâu lấy chồng xa. Nhiều năm qua, nhà chồng chị duy trì việc, tối mùng 2 Tết là họp mặt gia đình để đánh giá một năm về… dâu đích tôn là chị.
Cuộc gặp thường có chị em dâu rể trong nhà, chú bác thân thiết họ hàng. Ở đó, gần như ai cũng có thể lên mặt thị uy, dạy dỗ chị.
Tại cuộc họp, mọi người sẽ mổ xẻ, phân tích tất cả mọi vấn đề về chị, từ chuyện vợ chồng tiền bạc, chăm con, việc nhà, công việc, ngoại giao, hay những tình huống bất kỳ…
4 năm qua, một vấn đề lúc nào cũng được ra nhắc đi nhắc lại như tội tày đình của chị là chỉ sinh được hai cô con gái, chưa đẻ được con trai. Cả nhà chồng yêu cầu chị làm gì thì làm, phải đẻ tiếp cho bằng được đứa con trai nối dõi, không thì nhà này vô phúc.
Bà bác chị bố chồng thở dài: Nếu con không làm trọn trách nhiệm làm dâu thì Minh phải đi kiếm con nơi khác.
Thật ra, trước áp lực sinh con trai, cũng đã nhiều lần chị nghĩ đến việc sinh thêm đứa nữa. Nhưng rồi, nhìn vào điều kiện kinh tế gia đình, quan hệ vợ chồng… chị biết mình không gồng gánh nổi.
Bố chồng chị tập trung vào chuyện tài chính, trách chị không lo được cho gia đình, không phụ chồng được về mặt kinh tế. Ông nói rằng, tiền ăn uống chi tiêu trong nhà thì nào hết bao nhiêu, làm vợ phải gánh gác thêm cùng chồng…
Lâu nay, trong gia đình, chị lo toàn bộ chi tiêu, sinh hoạt ăn uống trong gia đình, tiền học của hai con. Còn Minh lo trả góp tiền ngân hàng mua căn hộ, còn lại có bao nhiêu, anh gửi về cho bố mẹ. Lâu lâu Tết nhất hay lúc có việc gì lớn, anh mới đưa vợ vài triệu lo toan.
Mẹ chồng với chị gái chồng nắm hết mọi vấn đề trong quan hệ vợ chồng chị vì có bất cứ việc gì Minh cũng kể ngay với họ. Họ phân tích từng tình huống, lời ăn tiếng nói, cách cư xử của chị theo lời kể của Minh.
Hàng loạt đánh giá về chị như không tôn trọng chồng, không khéo léo, ứng xử chưa được… Và yêu cầu chị phải chỉnh sửa bản thân.
Ngay như việc chị về Tết quà cáp hai bên, mừng tuổi cháu chắt cũng được cô em gái chồng đưa ra cuộc họp. Nhà chị ở phố về mà tặng anh em họ hàng được vài gói bánh, lì xì cho các cháu thì được vài chục nghìn, không bằng mấy người ở quê… làm nhà chồng mất mặt.
Cô em cũng vừa tỏ vẻ tiếc nuối vừa dọa dẫm xa xôi nói anh Minh đẹp trai, công ăn việc làm đàng hoàng, anh muốn lấy ai chẳng được. Giờ chị dâu hở ra anh lập tức lấy được vợ ngon lành ngay.
Những năm đầu, chị Thanh còn giải thích, thanh minh… Nhưng giữa đám đông, chị có nói thế nào cũng bị gạt đi, cũng bị vặn lại. Sau này, chị im lặng, ngồi cho mọi người nói chán, hết giờ rồi thôi.
Thật ra, quanh năm chị cũng nghe đủ lời phân tích, chê bai đủ kiểu của nhà chồng. Nhưng chỉ ngày Tết phải ngồi đối diện với mọi người, trong cuộc họp như “đấu tố” trở thành nỗi ám ảnh, hoảng loạn với chị.
Chị biết mình đang bị bạo hành tinh thần tập thể nhưng chưa biết phản kháng thế nào.
Chị biết tính Minh, có nói với anh cũng chẳng giải quyết được gì, anh chỉ nhất nhất làm theo lời mẹ và chị gái. Nếu chị uất ức phản ứng lại, một là anh mách lại với mẹ hoặc lặp lại câu anh hay nói về chị: Em cũng đâu phải là người mẹ tốt, vợ giỏi!
Chị gái chồng gọi điện nói, họ không chấp nhận người vợ, người con dâu mà Tết lại không về nhà chồng. Về bên ngoại ăn Tết thì xác định gia đình tan vỡ.
Chị Thanh không trả lời. Chị gọi điện báo với bố mẹ ở quê, hai tuần nữa, ba mẹ con chị sẽ về ông bà ngoại ăn Tết.
Mẹ chị nghèn nghẹn: “Nhớ nha con, ông bà đã chuẩn gà, vịt, gói thật nhiều bánh chưng đón con cháu đây rồi” như sợ chị thay đổi ý định.
Xem thêm video: Thu nhập tiền triệu nhờ lặt lá mai thuê
Theo Dân Trí